03/03/2010 - 20:59

Bà Hai Quyên rất cần được giúp đỡ!

Cùng chị Lê Thị Hoa, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Thạnh Lợi, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, chúng tôi đến thăm bà Đỗ Thị Quyên (Hai Quyên). Giữa cái nắng nóng tháng Giêng hắt từng đợt vào căn chòi lá nền đất lởm chởm, trống huơ trống hoác, bà Hai Quyên nằm co quắp trên chiếc giường gỗ ọp ẹp, lọt thỏm trong sự cô độc, quạnh quẽ với những ngày gần qua bên kia con dốc cuộc đời...

Trong căn chòi trống vắng, nghe tiếng chân người, bà Hai mệt nhọc trở mình, mở đôi mắt mờ đục nhìn lên, miệng khẽ rên vì đau nhức. Chị Hoa đến gần bên nắm tay bà, hỏi ăn cơm chưa. Bà Hai lắc đầu, nói nhỏ: “Chờ thằng Hai (Trương Văn Đô, con trai lớn của bà Hai Quyên) nấu xong đem qua cho tui. Hổm rày, thằng Hai cũng bị nhức khớp, yếu lắm!”. Chị Hoa quay sang chúng tôi nói nhỏ: “Tội nghiệp, anh Hai đã 70 tuổi rồi, đau bệnh liên miên mà phải nấu cơm, chăm sóc cho bà Hai đó”.

Nghe nhắc đến con trai mình, bà Hai gượng ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, thở dốc. Năm nay, bà Hai Quyên đã 90 tuổi, thân già ngày một teo tóp, gầy guộc do thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng. Nhiều bà con trong xóm hiểu rõ hoàn cảnh của bà cho biết, hơn ba phần tư cuộc đời bà sống trong cơ cực, vất vả. 19 tuổi, như bao phụ nữ nông thôn, bà Hai Quyên lấy chồng, sinh con, cật lực làm ruộng, làm mướn để mưu sinh. Cũng nhờ bà dẻo dai, xốc vác nên mới nuôi nổi 3 người con khi chồng lâm bệnh nặng qua đời sớm. Một nách nuôi con, thiếu trước hụt sau, lại nợ nần, bà Hai đành phải bán mấy công ruộng, là tài sản đáng giá nhất để trang trải nợ nần. Bà Hai Quyên tiếp tục bươn chải, ai thuê mướn gì bà cũng làm, rồi tiện tặn, tích cóp, dựng vợ gả chồng cho các con mà không hề để ý đến sức khỏe ngày một giảm sút.

Bà Hai và con trai sống cảnh thiếu trước hụt sau trong  căn chòi xiêu vẹo.  

Cái nghèo quẩn quanh, các con bà Hai miệt mài làm mướn kiếm tiền nuôi vợ con, không có điều kiện chăm sóc mẹ già, chỉ có anh Hai Đô sớm hôm cận kề chăm lo. Gia cảnh của anh Hai Đô cũng chật vật, túng quẫn. Vợ anh bệnh nặng qua đời mấy năm nay; bốn người con lớn có gia đình cũng chỉ đủ ăn, anh sống tiện tặn nhờ tiền con trai út làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh gởi về hàng tháng. Nếu không bệnh tật gì, anh còn xoay xở được, khi lâm bệnh anh phải vay mượn tiền mua thuốc rồi trả sau. Giọng thều thào, anh Đô cho biết: “Tui thì sao cũng được, chỉ thương mẹ già phải ăn uống kham khổ. Nói thiệt, mẹ tui kêu thèm ăn cá lóc kho, tui cũng không dám mua, vì phải dành tiền mua gạo ăn hàng ngày”. Thật vậy, bữa cơm hôm ấy của anh Đô và mẹ là vài con cá chiên nhỏ xíu và dĩa rau vườn luộc mà theo bà Hai Quyên, được như thế là ngon lắm rồi. Nhiều khi hết tiền, mẹ con bà chỉ ăn cơm với nước tương.

Vài năm trước, bà Hai còn đi đứng được, có thể tự chăm sóc bản thân, không phiền đến người thân. Nhưng mới năm trước, vào buổi trưa vắng người, bà Hai nhóm lửa nấu nước, do tay yếu chân run, sơ ý làm lửa cháy lan khắp nhà. Quá hoảng hốt, bà Hai không kêu cứu được và ngất xỉu bên bếp lửa. Ngọn lửa lan nhanh, căn chòi lá bốc cháy ngùn ngụt, người hàng xóm phát hiện hô hoán lên. Mọi người xúm lại dập lửa và kịp cứu bà Hai ra, nhưng bà bị bỏng khắp người, da nhiều chỗ nhăn nhúm, rút lại. Hậu quả nặng nề nhất là đôi chân bà bị liệt, không còn cử động, di chuyển được nữa. Giờ, bà Hai phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông cả vào anh Hai Đô.

Chị Lê Thị Hoa cho biết: “Bà Hai sống cố cựu ở cái xóm nghèo này nhiều năm qua, ai cũng thương yêu và quý trọng bà. Nhưng do các gia đình trong xóm này đều khó khăn, bận bịu mưu sinh nên chẳng giúp đỡ, bảo bọc được cho bà Hai nhiều. Thi thoảng, có người tạt vào hỏi thăm bà Hai vài câu đỡ cô đơn, buồn tủi”. Ngoài phần tiền bảo trợ xã hội hàng tháng, tên bà Hai Quyên luôn có trong danh sách hộ khó khăn, neo đơn trong khu vực để được khám bệnh, tặng quà, phát gạo khi có đợt. Tuy nhiên, thời gian qua, bà Hai vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, thắt ngặt, không tiền thuốc thang, bà phải cắn răng chịu đựng cơn đau nhức, không nỡ than vãn, sợ con trai lo rầu, sinh bệnh thêm...

Rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa giúp đỡ bà Hai Quyên tuổi già giảm bớt phần nào khó khăn và nỗi đau bệnh tật.

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết