01/07/2011 - 15:43

Bà Hai mù ăn xin nuôi cháu

Đó là câu nói quen thuộc của bà con ở khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, mỗi khi có ai nhắc đến cụ bà Nguyễn Thị Lầu, 91 tuổi, sống tá túc ở đây đã trên 20 năm. Cuộc đời của bà Hai là chuỗi ngày vất vả và đầy ắp nỗi đau.

Tuổi cao, mắt mờ nhiều, chân nhức mỏi, không làm gì được nữa nên cuộc sống bà Hai vô cùng khó khăn. 

Cuộc sống rày đây mai đó cùng với cái nghèo đã đeo đẳng gần trọn cuộc đời bà Hai. Thời son trẻ, bà từng có một mái ấm gia đình, nhưng sự túng thiếu, khó khăn đã sớm lấy đi niềm hạnh phúc khi chồng bà dứt áo ra đi, để lại đứa con trai đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Để rồi, đến lúc trưởng thành, con trai bà lại bỏ bà ra đi mãi mãi vì bệnh tật khi vừa kịp để lại cho bà đứa cháu gái bé bỏng. Đến khoảng năm 1982-1983, bà Hai theo mẹ đi vùng kinh tế mới (hiện nay thuộc xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) làm ruộng nhưng không đủ ăn. Cuộc sống khó khăn, sức khỏe lại yếu nên 6 năm sau thì mẹ của bà mất, kế đó vài tháng thì người con nuôi của bà cũng theo ông bà. Rời vùng kinh tế mới, bà cùng con dâu và cháu nội về Bình Thủy sống cho đến nay. Tuy nhiên, đến Bình Thủy chưa được bao lâu, con dâu bà Hai bị bệnh từ trần. Từ đó, bà Hai một thân một mình chăm sóc cháu nội. Đến khi cháu nội lập gia đình, những tưởng cuộc đời bà sẽ đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, sau khi sinh một bé gái (Cẩm Yến), thì gia đình cháu nội bà tan vỡ. Cha mẹ cháu Yến đều có gia đình mới, để cháu Yến cho bà Hai nuôi dưỡng khi cháu chưa giáp thôi nôi. Lúc này sức khỏe của bà Hai đã yếu, không làm được việc nặng nên bà phải đi ăn xin để lo cho cuộc sống của hai bà cháu.

Khi Cẩm Yến được 8 tuổi, do mắt mờ nhiều, chân yếu, bà Hai phải nhờ cháu dẫn đường đi xin. Số tiền xin được, chủ yếu bà để dành cho cháu Yến đi học, còn việc ăn uống hàng ngày chỉ cần cho qua bữa. Gần 10 tuổi, Yến không đi xin với bà nữa nên bà Hai lấy cây gậy tre làm bạn đồng hành. Hiện tại, ở tuổi 91, đôi chân nhức mỏi nhiều nên bà Hai không còn đi xa được. Mỗi ngày, bà xin được chừng 10 ngàn đồng nên bữa cơm của 2 bà cháu thường chỉ có món canh rau. Lâu lắm mới có một ngày bà xin được chừng 20 ngàn đồng, ngày đó cháu Yến có thêm món thịt cho bữa cơm. Bà Hai tâm sự: “Có 1 nhà hảo tâm cho 10kg gạo mỗi tháng nên 2 bà cháu nhẹ gánh lo. Những ngày tôi bị đau nhức nhiều, không đi xin được thì lấy gạo đó đổi tiền mua đồ ăn và cho cháu Yến đi học (cháu Yến vừa học hết lớp 6 ở Trường Trung học cơ sở An Thới, quận Bình Thủy). Vì vậy, 2 bà cháu ăn nhín nhín để đến cuối tháng không phải thiếu gạo”.

Lúc mới về Bình Thủy, bà Hai cất nhà ở nhờ trên phần mương gần quốc lộ 91. Khoảng 1 năm trước, chính quyền địa phương đến cho bà Hai biết, phải dời nhà để mở rộng lộ giới. Bà Nguyễn Phương Nga, cùng ngụ khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, cảm thương hoàn cảnh của bà Hai nên cho bà Hai mượn đất cất nhà ở cho đến lúc bà Hai trăm tuổi. Tuy nhiên, trong căn nhà mới, với diện tích chừng 14m2, vách và mái lợp tôn thiếc nên vào mùa nóng, bà Hai không thể nghỉ ngơi trong nhà được. Có những đêm bà thức trắng vì không khí nóng bức.

Bây giờ, mỗi lần nhắc đến tuổi của mình, Bà Hai lại nói: “Tôi già rồi, sức khỏe lại yếu, không lo được cho cháu Yến nhiều, trước khi theo ông bà, tôi sẽ gởi cháu Yến cho cha ruột của cháu chăm sóc” (theo lời bà Hai, cha ruột của cháu Yến đã có gia đình khác ở Ô Môn). Suốt một đời, bà Hai đã vì con, vì cháu nhưng đến tuổi về chiều, bà vẫn chưa được một ngày vui vẻ, yên ấm. Mong sao, bà Hai sẽ được các nhà hảo tâm gần, xa tiếp tục chia sẻ để cuộc sống vơi đi nỗi vất vả, cơ cực ở tuổi gần đất xa trời.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết