14/08/2020 - 19:04

Áp đặt

Vừa về đến nhà, chị Hai của Lâm vẻ mặt mệt mỏi, bơ phờ, trong khi cha đang lái xe vào sân. Cha cao giọng: “Bé Lan rửa mặt, nghỉ chút đi rồi ăn cơm, đầu giờ chiều học thêm nữa đó”. Không nghe tiếng con gái trả lời, cha lớn tiếng: “Lan đâu rồi, sao không trả lời cha?”… Chị Hai của Lâm “dạ” mà giọng ỉu xìu, chớ không líu lo, điệu đà như mọi khi...

Lúc chị Hai của Lâm chuẩn bị nghỉ hè lớp 11, cha mẹ đã bàn kế hoạch chọn “lò” luyện thi cho chị theo chỉ điểm “chắc như bắp” của các “tiền bối” từng có con trúng tuyển ngành y, dược, nha. Tuy chị Hai của Lâm một mực “con thích làm kinh doanh” nhưng cha mẹ kiên quyết phản đối. Cha thì nói con gái hiểu biết gì về thương trường, tính toán mà đòi kinh doanh; còn mẹ lại bảo ráng làm bác sĩ để dòng họ nở mày nở mặt. Bởi cha mẹ quá kỳ vọng nên chị Hai miễn cưỡng đồng ý nhưng mặt mày cứ nhăn nhó, bất mãn, không đùa giỡn tung hứng, kể chuyện tiếu lâm vang nhà như trước, đôi khi còn vô cớ cáu gắt với Lâm.

Thoạt tiên, bà nội Lâm “xót” cháu, kịch liệt phản đối chuyện cha mẹ ép chị Hai chọn ngành học theo ý mình, suốt ngày phải di chuyển học thêm, học kèm liên tục, không còn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Cha không cự cãi sợ nội buồn phiền nhưng lời lẽ đầy thuyết phục khiến nội dần xiêu lòng, trở thành “đồng minh”. Hóa ra, trước đây, cha mơ ước trở thành bác sĩ nhưng do nhà đông anh em, ông bà nội làm công chức nhà nước, không đủ điều kiện nên cha đành dang dở ước mơ, học trung cấp xây dựng, rồi trở thành thầu xây dựng… Vậy nên cha “phán”, giờ chị em Lâm phải thay cha thực hiện ước mơ còn dang dở. Lâm mới học lớp 9, cha ra điều kiện, muốn gì cũng chiều nhưng phải chọn ngành, nghề theo xếp đặt của cha, Lâm phải trở thành dược sĩ. Ngoài được trang bị đầy đủ phương tiện học tập hiện đại, đắt tiền, chị em Lâm chi tiêu thoải mái, muốn gì được nấy. Ðối với chị em Lâm, được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ là diễm phúc trên đời, không cần lo lắng về vật chất, chi tiêu, chỉ an nhiên thụ hưởng. Thế nhưng, chị Hai và Lâm không cảm nhận niềm vui trọn vẹn khi được cha mẹ chăm sóc thái quá, thậm chí là áp đặt trong việc học hành, thi cử, sở thích. Cha mẹ không tham khảo, gợi mở hay định hướng mà lại bắt buộc chị em Lâm phải chọn ngành, nghề theo ý mình.        

Lâm giật mình tự nhủ, còn 3 năm nữa đến lượt mình sẽ như chị Hai bây giờ. Chưa biết phải làm gì để hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin nhưng chắc chắn Lâm sẽ không buông xuôi đam mê của mình để thay cha thực hiện ước mơ dở dang thời trẻ. Lâm mong cha thay đổi suy nghĩ để chị em Lâm được tự do chọn lựa nghề nghiệp và đi đến cùng sở thích, đam mê.

Mai Thy

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Áp đặt