Truyện ngắn: LÂM HẢI
Chùa Gò Xoài là ngôi chùa cổ hàng trăm tuổi của người Khmer, nằm trong vùng sâu, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây dân tộc Khmer chiếm phân nửa, sống hòa mình với cộng đồng người Việt và cùng chung tín ngưỡng Phật giáo.
...Thời xa xưa, ven hai bờ sông Tiền sông Hậu, rừng rậm âm u chưa được khai phá, thưa dấu chân người. Có một nhà sư sáng lập ngôi chùa này. Ông cho trồng rất nhiều xoài, sao, cổ thụ xen kẽ, như một thế trận bát quái đồ bao bọc lấy ngôi chùa. Từ đó đến nay người dân trong vùng quen gọi là chùa Gò Xoài.
Tương truyền hồi đó, ngoài Đông Hải có Tam thái tử tánh tình hung hăng ngạo mạn, bỏ biển vào sông quậy phá. Đi tới đâu con rồng nhỏ này cũng gieo đau thương kinh hoàng. Mỗi nơi nó đi qua, giông bão mưa lũ tràn về, gây chết chóc người và gia súc, thiệt hại mùa màng của cải cả một vùng đất phương Nam rộng lớn. Dân gian truyền tụng trận bão lụt năm Thìn xa xưa ấy cũng do nó gây ra.
Nhà sư bắt ấn biết con rồng nhỏ này, sau khi quậy phá miệt Gò Công, Tiền Giang chán chê, thế nào cũng qua bên sông Hậu tiếp tục tàn phá. Sư cho treo trên nóc chùa một lá cờ lớn có thêu dòng chữ “Phục hổ quy Long” để dẫn dụ. Con rồng nhỏ đang xuôi dòng sông măng, nhìn thấy lá cờ nổi máu yêng hùng, hóa thành một chàng thiếu niên lên chùa thách đấu so tài. Sau ba ngày đêm kịch chiến long trời lở đất, con rồng nhỏ bị kẹt trong bát quái trận đồ hết đường vùng vẫy, khô nước kiệt sức ngã quỵ. Nhà sư tóm lấy con rồng bỏ vào hồ lô, đem ra trấn xuống vàm ba phố ngoài sông măng và đóng dấu ấn lên hồ lô giam cầm trị tội.
Gần trăm năm sau, khi mãn hạn giam cầm. Vào một đêm tối trời, con rồng nhỏ rùng mình thoát ra, làm nước sông măng ngay chỗ cầu tàu ba phố, nơi giam con rồng dâng lên mấy mét, tràn ngập nhà cửa phố chợ. Sau khi thoát khỏi ngục tù con rồng uốn lượn như cơn lốc xoáy bay về biển Đông. Nó không quên mối hận năm xưa, đáo ngang chùa Gò Xoài, thổi tung bay mái ngói và bứng luôn một cây xoài thật lớn quăng xa hàng chục mét. Nơi cây xoài bị bứng đi thành một cái ao mà bà con trong xóm quen gọi là ao rồng...
* * *
Kể xong câu chuyện, bà Năm Duôl, nội thằng Sil, chỉ cái ao ngang bên hông nhà cho thằng Sil, con Na xem rồi nói:
- Đó! Cái ao này là nơi nội tổ con trồng cây xoài, ngày xưa bị con rồng nó nhổ quăng đi...
Thằng Sil nhìn cái ao quen thuộc, nó không ngờ cái ao ngang bên hông nhà nó và nhà con Na, lại có một câu chuyện ly kỳ như vậy và người bắt rồng lại là nội tổ của nó, vị lục cả đầu tiên của ngôi chùa này. Tám tuổi, thằng Sil con Na cùng học chung lớp, chơi thân với nhau từ lúc bập bẹ biết nói biết đi, cùng chung sở thích yêu thương thú vật. Tư Năng cha con Na, Thạch Sol cha thằng Sil là đôi bạn Việt - Khmer thân nhau từ nhỏ đến lớn lên lập gia đình. Không biết có phải định mệnh hay không mà Tư Năng và Thạch Sol lại ở đúng vào hai bên bờ của cái ao đầy huyền thoại. Rồi lần lượt thằng Sil con Na cất tiếng khóc chào đời, trong niềm vui mừng hạnh phúc của hai gia đình Việt - Khmer. Những đêm trăng thanh gió mát, sau một ngày đồng áng mệt nhọc, hai gia đình thường quây quần bên bờ ao tâm tình. Họ dùng danh từ “anh sui”, “chị sui”, bọn trẻ chẳng hiểu gì cả. Thằng Sil con Na mặc kệ người lớn nói gì, hễ sao suốt ngày hai đứa được gần gũi nghịch giỡn với nhau là vui rồi. Theo dòng chảy thời gian, hai gia đình càng khắn khít thân tình với nhau hơn. Cái ao cũng ngày càng vun đắp thêm nhiều kỉ niệm tuổi thơ của hai đứa trẻ.
Nhưng cũng chính cái ao này làm cho tụi nhỏ phải xa nhau. Bà Năm còn nhớ rất rõ cái ngày hôm đó, một sáng chủ nhật đẹp trời, ngay con nước kém. Tía con Na qua rủ cha thằng Sil cùng tát cái ao, kiếm mồi làm sương sương vài xị chơi và sẵn vét ao luôn thể. Hai gia đình, kẻ tát người đắp bờ thoát nước chẳng mấy chốc cạn queo. Cá, tôm nổi đầu lũ khũ, thằng Sil con Na được dịp tha hồ khuấy nước vọc sình, bắt sạch không còn con tép lóng. Trong khi đợi mấy bà nấu nướng, Tư Năng cùng Thạch Sol vét bùn vun đắp hai bên bờ. Chiều chưa tắt nắng, hai anh sui chén thù chén tạc cụng ly động đũa nghe lốp bốp, đứt ngọt lít rưỡi rượu. Rồi lời qua tiếng lại, ban đầu còn anh sui, sau đó mầy tao thẳng thừng. Tư Năng nói Thạch Sol chơi kèo trên gian tham lấn hiếp vét đất phía bên mình để bồi đắp phía y. Thạch Sol cũng chẳng vừa, nói rằng, cái ao này là công cán của nội tổ tao để lại. Chẳng bên nào chịu nhường nhịn bên nào. Cuối cùng họ hết xài văn tới dụng võ, thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Thạch Sol thất thế chạy về nhà, xỉn quá phóng đại xuống ao. Đang hăng máu thừa thắng xông lên, tư Năng lao theo. Hai gã đàn ông quần thảo dưới ao đục nước nổi sình. Hai bà vợ trên bờ khua môi múa máy chưởi bới ỏm tỏi làm náo động cả xóm làng. Thạch Sol yếu sức hơn, bị Tư Năng dìm đầu xuống sình thở ục ặc như gà mắc nước. May mà bà con làng xã đến kịp thời cản ngăn hòa giải, bằng không hổng biết sự việc sẽ ra sao. Bà Năm nhìn thấy cảnh tình chỉ biết buồn bã thở dài.
Kể từ dạo ấy, thằng Sil con Na bị cấm đứt không qua lại. Tội cho hai đứa nhỏ, xóm giềng nhà cửa thưa thớt, con nít đếm chưa hết đầu ngón tay..., nhà gần bên không chơi biết chơi với ai. Những ngày nghỉ học thằng Sil con Na, đứa đứng bên bờ ao đứa bên kia ao ngó nhau đỡ buồn. Có hôm đợi cha mẹ ra đồng, con Na len lén vượt ao cùng thằng Sil nghịch giỡn với lũ chó mèo, hoặc ngồi nghe bà Năm kể chuyện. Mỗi lần về bắt gặp con Na như vậy, vợ Tư Năng lại quất cho mấy roi rồi nói đổng: “Muốn làm sui hả... đừng có nằm mơ”. Thấy con Na bị đòn thằng Sil cũng đau lắm, muốn chạy qua nhưng rồi lại sợ cây roi trên tay mẹ nó. Năm tháng trôi qua, cái ao vô tình là hàng rào, ngăn cách đoạn tuyệt tình cảm giữa hai gia đình.
*
* *
Chiều nay vợ chồng Tư Năng, vợ chồng Thạch Sol đều ra đồng be bờ ngăn không cho lũ vào ruộng. Con nước rong ba mươi lênh láng ngập ao, bò tuốt vô sân nhà. Mấy con cá thòi lòi được dịp lội tung tóe trước sân. Con vện nhỏ của Na đứng trong nhà giương mắt nhìn mà nóng mũi. Bất chợt nó phóng ra sân rượt đuổi mấy con thòi lòi, mặc cho Na kêu ơi ới. Con vện rượt đuổi lòng vòng, phóng tới chụp một chú cá con, rơi tõm xuống ao không biết đường vào, miệng mồm sặc nước kêu ứ ứ. Thấy con vện đang giãy giụa giữa ao nước mênh mông, con Na phóng theo nhưng cũng hụt chân ngộp nước la hét cầu cứu. Đang ngồi học bài nghe tiếng kêu thất thanh của Na, thằng Sil lao ngay ra sân, nó phóng đại xuống ao, ra sức bường người tới con Na. Bụng uống no nước, nhưng thằng Sil vẫn cố gắng trồi hụp, dùng hết sức đẩy cho bằng được con Na vào bờ, tay chân Sil rã rời, đờ đẫn mê man rồi từ từ chìm nghĩm. Con Na quờ quạng chụp được mấy bụi cỏ quanh bờ, ngóc đầu lên kêu cứu la hét lạc giọng.
Mặc dù mọi người cố dỗ dành, nhưng con Na vẫn nắm hai chân thằng Sil khóc nức nở không chịu ra khỏi phòng. Nhìn cô y tá hô hấp nhân tạo cấp cứu thằng Sil, ai nấy đều mủi lòng lo lắng, nhiều tiếng bàn tán xì xào: “Không biết qua hay không nữa”. Bỗng cô y tá reo lên:
- Tỉnh rồi... Tỉnh rồi !
Chị Thạch Sol áp tai sát ngực thằng Sil, nghe từng nhịp đập yếu ớt của con mà nước mắt lưng tròng, miệng cứ lấm rấm cầu kinh.
Sau khi ọc ra mấy bụm nước thằng Sil cựa quậy, từ từ mở mắt ngơ ngác nhìn. Bất chợt môi nó mấp máy giọng thều thào đứt quãng, nhưng cũng đủ để mọi người nghe:
- Mẹ... Na có bị... uống nước hông, mẹ?
Câu hỏi của thằng Sil làm nước mắt mẹ con Na rơi lộp độp. Không biết cố ý hay vô tình, bàn tay Tư Năng và Thạch Sol, xiết chặt nhau tự bao giờ.