10/01/2012 - 09:57

Ăn và chia

LĐBĐ VN sau phần ăn chia từ bản quyền truyền hình của AVG giờ đang phải đối diện với
phần “nhả”.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam nhiều khả năng sẽ có cái kết ở... tòa án. VPF mới khai sinh đã rất sốt sắng tham gia vào cuộc giành giật lại bản quyền truyền hình mà LĐBĐ VN “lỡ” ký kết 20 năm với AVG.

Những ông bầu ngồi trong ngôi nhà VPF hô hào vì giới hâm mộ, vì yêu bóng đá Việt Nam. Các nhà đài thì cho rằng vì quyền lợi của bạn xem đài. AVG là một đơn vị kinh tế nên bắt buộc phải tìm mọi cách để làm sao có lợi nhất cho mình nên ai cũng có “lý”. Khi tòa chưa có tuyên bố hợp đồng với LĐBĐ VN vô hiệu thì đương nhiên AVG vẫn giữ trong tay bản quyền truyền hình.

Vấn đề ở cái bản quyền có thời hạn đến 20 năm giữa LĐBĐ VN và AVG hơi “lạ” vì cái thời hạn quá dài. Bầu Kiên vừa gửi công văn đến các Bộ chức năng xem xét lại hợp đồng. Bầu Kiên chỉ ra LĐBĐ VN chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB về việc ủy quyền cho LĐBĐ VN đại diện các CLB đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình.

Bầu Kiên nói đúng nhưng chưa đủ. Bởi trong cuộc họp giữa LĐBĐ VN và đại diện các CLB tại Khánh Hòa vào năm 2009 có bàn đến việc bán bản quyền truyền hình cho AVG 20 năm. Khi ấy, LĐBĐ VN đã chỉ ra nhiều cái lợi giữa việc bán trọn gói cho AVG có khoản lời gấp đôi (6 tỉ đồng/mùa) nếu phải chia nhỏ ra bán cho các nhà đài lớn. Những cánh tay đại diện CLB đồng loạt giơ lên biểu quyết đồng thuận và lúc ấy không ai nghĩ đại diện CLB có phải là “người có thẩm quyền của CLB” hay không.

Ngoài ra, việc LĐBĐ VN bán “một cục” 20 năm cho tân binh truyền hình AVG ngoài những “phụ lục” đằng sau bản hợp đồng còn thể hiện cái sự “ghét” nhà đài lớn thường có thái độ cao ngạo và tự đặt mình vào thế kèo trên khi thương thảo mua bán.

Trong khi đó, các CLB cũng đã chia lợi nhuận từ bản quyền truyền hình ở mùa bóng 2012 và chưa thấy ai muốn trả lại tiền bản quyền mà nhiều người nói bất hợp pháp (!).

Các bên liên quan bây giờ mới thấy rõ miếng bánh truyền hình béo bở nên không chịu ngồi lại với nhau và mỗi bên nhường nhịn nhau một chút, lại ra sức cãi nhau còn tìm cách ép nhau vào thế triệt buộc, khiến người hâm mộ không biết đâu mà lần.

Chỉ khổ cho cổ đông lớn nhất của VPF là LĐBĐ VN sau khi bịt tai trước mọi cảnh báo về bản hợp đồng “quá hớp” đến 20 năm giờ phải è cổ hứng chịu bồi thường hợp đồng (nếu có) cho đối tác AVG”.

SONG HUY

Chia sẻ bài viết