24/02/2020 - 08:14

An ổn tìm về 

Truyện ngắn: HỒNG NHƯ

Di tỉnh giấc, với lấy điện thoại ở đầu giường để xem giờ, mới 6 giờ hơn mà trước nhà đã ồn ã tiếng người cười nói. Định vùi mình trong chăn ngủ thêm ít phút nhưng dường như không thể. Di nghe tiếng bác Hai than giá thịt sao mà đắt quá, qua Tết hơn tháng rồi nhưng vẫn chưa trở về bình thường. Hình như cô Tư hàng xóm cũng đáp lại vài câu, rồi chốt gọn lỏn: "Mấy hôm nay nhà tui toàn ăn trứng vịt". Nội lên tiếng: "Cứ ăn chay trường như già này, coi bộ hay nghen bây". Mẹ quét sân, tiếng chổi kêu ràn rạt. Dưới bến sông, ghe hàng từ từ tắt máy, Di nghe lanh lảnh giọng rao ngọt lịm của cô bán hàng như những ngày còn bé. Những thanh âm một thời Di thấy khó chịu nhưng sao hôm nay nhẹ nhàng quá đỗi. Di ra khỏi phòng, chạy thẳng xuống bến sông để kịp hít lấy hít để những khoảnh khắc của quê nhà.

Lần này Di về quê bất chợt, chẳng phải lễ Tết hay giỗ quải gì. Khuya Di gọi cửa, mẹ hốt hoảng vì sợ Di bị làm sao hay trên thành phố có vấn đề gì. Di cười: "Tại con nhớ ba má, nhớ nội quá, nên về thôi". Ba má thở phào nhẹ nhõm. Thật ra chính Di cũng chưa hiểu tại sao mình lại quyết định về nhà trong lúc này. Công việc của Di ở Sài Gòn và cuộc sống mọi thứ vẫn rất ổn. Di vừa trở về từ châu Âu sau chuyến công tác dài ngày. Những tour khác đang xếp lịch chờ sẵn, những miền đất mới vẫn đang đón đợi Di.

Di của hôm nay là mơ ước của biết bao nhiêu người, một công việc ổn định cùng nhiều mối quan hệ đáng tự hào, Di có xe và cũng sắp trả góp xong căn chung cư giữa lòng thành phố. Nếu là Di của những khát khao và ước mơ của tuổi 18, có lẽ cô đã vui sướng chấp nhận. Nhưng sao Di của hiện tại, khi đã gần chạm ngõ 30, những thứ đó lại không giúp cô thấy lòng an ổn.

Về nhà, Di luôn được yêu thương và thoải mái hơn bao giờ hết. Lần nào cũng thế, hễ Di về, ba lại làm gà nấu cháo, mẹ nhờ chú Út hái dừa khô rồi nấu chè, làm bánh, đổ rau câu. Nội hay bảo, chỉ khi nào Út Di về thì nhà mình mới được ăn ngon như vậy. Di ôm nội:

- Vậy con sẽ ở nhà luôn để ngày nào mình cũng được ăn ngon nha nội!

- Thôi đi cô, tui biết cái chân cô chẳng bao giờ chịu ở yên nơi nào lâu.

Có lẽ nội nói đúng và nội hiểu Di nhất. Ba mẹ thường đi làm cả ngày, Di lúc nào cũng quấn quýt bên nội. Những ngày còn bé, Di cứ ríu rít: Con sẽ không đi đâu hết, sẽ mãi ở nhà với nội. Nhưng lớn lên chút nữa, khi đã là cô nữ sinh trọ học ở huyện, cuối tuần về nhà Di lại thủ thỉ với nội về phố huyện nhộn nhịp mà cô đang sống, về thành phố phồn hoa nơi thầy cô Di từng theo học và Di cho nội xem rất nhiều tấm postcard bạn bè cô tặng. Di nói với nội ước mơ được đi khắp Việt Nam và cả thế giới chứ không phải quẩn quanh quê nhà như ba mẹ. Nội lặng im hồi lâu rồi cũng móm mém cười: "Nội ủng hộ con nhưng đi đâu thì đi, nội mong Út Di sẽ luôn nhớ đến quê mình và sẽ trở về nhà". Di gật gật đầu rồi lại chăm chú vào những tấm postcard có núi, có tuyết và cả tấm dày đặc những tòa nhà cao tầng. Nội không sao biết được Di đang cầm trên tay những địa điểm nào và Di sẽ đi đến đâu.

Di đậu đại học, nơi cô học cách nhà mấy trăm cây số, Di không thể đạp xe về nhà vào mỗi cuối tuần như khi còn trọ học ở huyện. Thời gian Di về nhà được tính bằng tháng và có lúc là cả năm. Mấy bận ba mẹ nhớ con rồi cất công lên thăm, nhưng được vài ngày ba lại muốn trở về, mẹ thì không yên tâm về nội và cả nhà cửa ở quê. Thành phố không biết rộng đến nhường nào, nhưng căn trọ Di ở ra vào chỉ bốn bức tường và một con hẻm cụt. Di hết đi học ở trường thì đến trung tâm ngoại ngữ rồi tối lại làm gia sư nên chẳng có thời gian đưa ba mẹ đi đâu. Những lần ba mẹ về Di chưa bao giờ dám tiễn ra bến xe. Ba mẹ rời đi, Di chỉ biết vùi mình vào chăn mà khóc. Di nhớ nội, Di muốn về nhà nhưng Di không muốn thấy ba mẹ cứ tần tảo khi tóc đã bạc quá nửa đầu, Di không muốn quẩn quanh như các chị, các cô ở quê vì phải lập gia đình quá sớm. Di phải đi vì ước mơ và vì tương lai đổi thay cho gia đình mình. Di lại tiếp tục cố gắng.

***

Hình ảnh ngã quỵ, khóc không nói thành lời của vị khách trong chuyến đi vừa rồi lại khiến Di quặn lòng. Anh cũng trạc tuổi Di, hiện là gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của công ty. Chuyến đi châu Âu này là phần quà mừng anh thăng chức. Di ấn tượng với anh từ ngày đầu tập trung ở sân bay không chỉ vì vẻ ngoài cuốn hút mà còn vì những nét trầm buồn xen lẫn sự hào hứng cứ luân phiên thay đổi trên mặt anh. Di giỏi quan sát và không khó để cô nhận ra anh khác biệt với mọi người.

Giữa Quảng trường Thời đại, khi đoàn khách đã đi được một quãng rất xa, Di hoảng hốt khi thấy anh vẫn đứng bất động. Cô vội vã chạy đến, vừa lay tay thì anh đã ôm chặt lấy cô rồi nức nở. Di không nhớ mình và anh đã đứng đó khoảng bao lâu nhưng khi anh buông cô ra, cả đoàn đã quay lại nhìn hai người đầy ngơ ngác. Anh vẫn nắm chặt điện thoại và khóc. Mãi rất lâu mọi người mới nhận ra, ba anh vừa mất. Tất cả như nín lặng, dòng người như ngưng lại, hoàng hôn buông xuống quãng trường, sẫm đen một màu buồn thương, tiếc nuối. Di ngồi xuống, ôm anh một lần nữa.

- Anh ấy kể, ba là người thân duy nhất của anh. Nhưng đã hơn một năm rồi vì công việc quá bận, anh đã không về thăm ba. Anh ấy cố gắng được như hiện tại là vì có ba luôn ủng hộ, động viên và luôn bên cạnh anh. Giờ ba mất, anh ấy chẳng còn ai nữa. Hôm đó, cả đoàn của con, ai cũng ôm ảnh rồi khóc. Sau đó con thấy có mấy người lấy điện thoại gọi video về cho gia đình.

Di kể về vị khách đó cho nội và ba mẹ nghe, giọng Di nghèn nghẹn. Nội kéo vạt áo, chầm chậm đôi mắt kèm nhem của mình, ba im lặng không nói, còn mẹ thì vẫn hoạt bát:

- Thì ra Út Di về nhà là có lý do hết đó. Mẹ cứ tưởng mày nhớ nhà thiệt. Nhưng thật ra thì chắc mày cũng sợ sẽ như cậu đó phải không?

Di im lặng không đáp, ba khẽ thấy con gái sắp rưng rưng nên lên tiếng:

- Mẹ con Di sao mà ngộ. Con nó về nhà là vui rồi, ở đó mà lý do lý trấu gì!

- Cái ông này. Thì tui nói không phải sao. Tui biết tánh Út Di, nó còn thích thành phố lắm, vẫn còn nhiều nơi nó vẫn chưa đi và quan trọng là nó cứ nói hoài đó, nó không muốn quẩn quanh ở cái cồn này như ba mẹ nó đâu.

Nói xong thì mẹ lụi cụi đi ra sau bếp. Di ôm nội, nức nở: "Con sợ thiệt nội ơi! Con sợ sẽ mất nội, mất ba má như vậy". "Vậy thì về nhà nghen con", nội xoa đầu Di đầy ấm áp.

***

Di lại đi nhưng có lẽ đây là chuyến cuối cùng. Di đã nghĩ rất kỹ, đã hỏi ý kiến ba và lắng nghe mẹ. Hơn bất cứ điều gì, ba mẹ cần Di bên cạnh lúc tuổi già. Cuộc đời mỗi con người, bởi những trải nghiệm và tâm tình khác nhau, mà ở từng giai đoạn đều phải có những lựa chọn, ưu tiên cái này thì phải hy sinh cái khác. Lúc này đây, Di chọn gia đình. Tối hôm trước, nội đã thủ thỉ với Di rằng mẹ đi đâu cũng khoe Út Di nhà mình giỏi lắm, hình nào Di gửi về, mẹ cũng coi miết rồi than sao Út Di cứ ốm, mặt Út Di cứ buồn. Ba thì không nói gì nhưng hễ coi thời sự mà thấy người ta nói nước nào Út Di đang đến có khủng bố hay thời tiết thất thường là tối đó ba cứ ngồi đốt thuốc trầm ngâm.

- Nội thương bây nhưng thấy ba mẹ bây vậy, nội cầm lòng không đặng…

Ngồi trên xe khách Di nghe văng vẳng lời nội. Những cánh đồng lúa cứ xa dần, thị thành lại hiện ra. Lần này, trở lại thành phố Di sẽ thu xếp ổn thỏa công việc và tạm dừng những chuyến đi. Di không biết thế nào là đủ cho ước mơ và cho những bước chân của mình nhưng Di biết nếu có nội và có ba mẹ bên cạnh, lòng Di an ổn. Gần 30 tuổi, Di nhận ra gia đình là tất cả của mình.

Chia sẻ bài viết