10/12/2007 - 11:10

Ân nhân của người nghèo

Nhiều phụ nữ nghèo trong tỉnh xem chị Lim Thị Hoàn Mỹ, ở khóm 9, phường 9, thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), như ân nhân của mình. Chị đã cầm tay chỉ việc cho chị em thạo nghề, làm được việc, giúp họ có thu nhập ổn định, vượt qua nghèo khó trong cuộc sống. Nghề mà chị Mỹ dạy cho phụ nữ nghèo là nghề se chỉ xơ dừa.

Chị Lim Thị Hoàn Mỹ 

Tôi đến nhà chị Lim Thị Hoàn Mỹ - cũng là Cơ sở gia công se chỉ xơ dừa Hoàn Mỹ - lúc có đông người đến học nghề, bán sản phẩm cho cơ sở. Chị Mỹ hết loay hoay ghi chép số lượng chỉ thu mua của khách hàng lại quay sang hướng dẫn tỉ mỉ cho mấy chị em đang mày mò bên các khung se chỉ học nghề. Chị Mỹ cho biết: “Từ sáng tới chiều tôi không ngơi tay giờ nào. Công việc dù bận rộn đến đâu, nhưng hễ có chị em nghèo đến xin học nghề để về làm việc lo cho cuộc sống thì có cực đến mấy tôi cũng tranh thủ giúp đỡ”. Tôi cũng hơi bất ngờ khi biết chị Mỹ và chồng chị (anh Huỳnh Thanh Hùng) đều là công chức nhà nước. Chị đang dạy học (chủ yếu vào ban đêm) ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Trà Vinh; còn anh Hùng dạy ở Trường Trung học cơ sở Đa Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Khóm 9, phường 9 là địa bàn vùng ven của thị xã Trà Vinh, có trên 80% hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer, nhiều gia đình có hoàn cảnh sống rất khó khăn. Phần đông người dân ở đây sống dựa vào nghề làm rẫy, thiếu trước hụt sau. Nhiều người không đất hoặc đất ít phải bỏ nhà đi làm mướn để mưu sinh hàng ngày nhưng không thoát được cảnh nghèo. Thấy vậy, chị Mỹ nghĩ đến việc chọn làm một nghề gì đó để không chỉ làm cho bản thân mình tăng thu nhập mà có thể tận dụng nguồn lao động ở địa phương, giúp nhiều người nghèo có việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình. Nghe nói ở Bến Tre có những làng nghề làm chỉ xơ dừa giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ và đem lại thu nhập khá cho người lao động; nghề làm chỉ xơ dừa cũng dễ học, dễ làm, phù hợp với người nghèo, học vần ít nên chị Mỹ quyết định bàn bạc với chồng sang Bến Tre để tìm hiểu, học nghề này. Không chỉ học cách làm, chị Mỹ còn tìm đến các công ty để đặt mối quan hệ làm ăn, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Được các công ty, các cơ sở làm chỉ xơ dừa ở huyện Mỏ Cày nhiệt tình giúp đỡ và đồng ý thu mua sản phẩm, chỉ trong một tuần đi qua lại làng nghề làm chỉ xơ dừa xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, chị Mỹ đã học xong nghề se chỉ, se chỉ thành tim đèn. Giữa năm 2005, cơ sở gia công se chỉ xơ dừa Hoàn Mỹ ra đời. Đây cũng là cơ sở se chỉ xơ dừa đầu tiên ở thị xã Trà Vinh.

Chị Mỹ kể lại: “Lúc đầu, nhiều người ở đây chưa biết được nghề tôi đem về là gì nên ít ai để ý. Thấy vậy, tôi gọi 5 chị em phụ nữ nghèo ở xung quanh đến nhà chỉ họ cách làm và trả tiền gia công sản phẩm. Thấy mấy chị em này làm việc vừa khỏe lại có thu nhập khá nên chỉ trong vòng nửa tháng cơ sở của tôi có 30 chị em phụ nữ đến xin học nghề và nhận gia công se chỉ xơ dừa”. Tất cả chị em đến học nghề chị Mỹ sẵn sàng chỉ dẫn. Máy se chỉ hoạt động bằng mô - tơ điện, người làm nghề chỉ làm công việc đưa chỉ đập vào máy cho đều để ra sợi chỉ đẹp. Chị Mỹ đầu tư mua mô - tơ điện, khung se và tăng lượng nguyên liệu về khi có người đến xin gia công sản phẩm.

Tuy nhiên, do làm hàng gia công nên lúc đầu có nhiều người còn mang tính ỷ lại, lúc làm việc lúc không, sản phẩm làm không kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến uy tín cơ sở. Sau vài tháng hoạt động, chị Mỹ chuyển sang hình thức bán thẳng khung se chỉ và cung cấp nguyên liệu để bà con mua về làm tại gia đình. Những người ở xa cơ sở, chị hướng dẫn bà con nên mua nguyên liệu ở gần nhà cho ít tốn kém chi phí, riêng chị đặt vệ tinh thu mua ở các huyện. Đến nay, chị Mỹ đã cung cấp khoảng 400 máy se chỉ (máy se chỉ đôi 2 người làm việc) cho nhiều gia đình ở khắp các huyện, thị của tỉnh Trà Vinh, giúp hàng trăm người có việc làm, có thu nhập cải thiện cuộc sống. Thu nhập bình quân của những người làm nghề se chỉ theo thời vụ từ 10.000 đến 15.000 đồng/ngày; người làm chuyên nghề này có thể thu nhập 600.000 – 700.000 đồng/tháng. Những lúc giá chỉ tăng cao, mức thu nhập tăng lên 800.000 – 900.000 đồng/người/tháng.

Đến nay, nhiều người nghèo khó đã ổn định được cuộc sống nhờ được chị Mỹ dạy học và làm nghề se chỉ xơ dừa. Bà Hồng Thị Hoa ở cùng khóm với chị Mỹ, làm nghề se chỉ xơ dừa từ khi chị Mỹ mở cơ sở, đến nay cuộc sống gia đình bà đỡ vất vả. Bà Hoa không có đất, trước đây sống bằng nghề làm mướn theo thời vụ, thu nhập bấp bênh, gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi làm nghề se chỉ xơ dừa, thu nhập của bà Hoa đạt mức 500.000 – 600.000 đồng/tháng. Bà Hoa vui mừng nói: “Nhờ được cô Mỹ dạy và giúp làm nghề nên giờ tôi có việc làm ổn định. Se chỉ không cực nhọc lắm nhưng mức thu nhập của tôi hiện giờ cao hơn nhiều so với lúc đi làm cỏ mướn”. Còn chị Thạch Thị Sô Phone, ở ấp Kim Câu, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đến cơ sở chị Mỹ học nghề và mua máy về se chỉ xơ dừa cách nay 4 tháng cũng rất phấn khởi với nghề đang làm. Chị Sô Phone khoe “Gia đình tôi có 5 công đất ruộng, làm xong vụ lúa thời gian rảnh còn rất nhiều. Từ khi mua máy về làm nghề se chỉ đến nay, tôi vừa se chỉ vừa giữ nhà để chồng đi làm, con đi học lại kiếm được mỗi tháng 300.000 – 400.000 đồng nên cho cuộc sống gia đình thoải mái hơn”.

Hiện tại, cơ sở gia công se chỉ xơ dừa Hoàn Mỹ được xem là cơ sở hoạt động mạnh nhất trong số những cơ sở làm chỉ xơ dừa ở tỉnh Trà Vinh; góp phần giải quyết việc làm hàng ngày cho trên 800 lao động ở khắp nơi trong tỉnh. Bình quân mỗi tháng chị Mỹ mua khoảng 10 tấn chỉ se và chỉ tim đèn. Mới đây, phường 9, thị xã Trà Vinh được dự án “Nâng cao đời sống đồng bào người dân tộc Khmer” của Canada hỗ trợ vốn giúp bà con làm ăn kinh tế cải thiện thu nhập. Từ thực tế hiệu quả trong góp phần giải quyết việc làm, giúp người dân nghèo khó vươn lên, cơ sở gia công se chỉ xơ dừa Hoàn Mỹ được dự án chọn làm đối tác cung cấp 65 máy se chỉ xơ dừa và hợp đồng thu mua sản phẩm của người dân làm ra trong thời gian tới.

Chị Mỹ nói: “Qui mô sản xuất hiện nay của cơ sở Hoàn Mỹ khá lớn, tuy lợi nhuận của cơ sở bình quân chỉ 2 – 3 triệu đồng/tháng nhưng điều làm tôi thấy mừng và hạnh phúc là đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm bà con nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn”. Chị Mỹ cho biết thêm, chị không giới hạn việc dạy nghề se chỉ xơ dừa. Hễ ai có nhu cầu học nghề là chị sẵn sàng dạy miễn phí, ai muốn làm nghề chị sẽ cung cấp nguyên liệu, thu mua sản phẩm cho bà con.

CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết