29/03/2016 - 09:42

Ấn Độ trong cơn “khát” nước

Hôm 11-3, các kỹ sư tại một nhà máy điện khổng lồ nằm trên bờ sông Hằng tại thị trấn Farakka, bang Tây Bengal (Ấn Độ) đã hết sức lo lắng khi mực nước tại con kênh đào nối sông Hằng với nhà máy giảm một cách nhanh chóng, bởi nước được sử dụng để sản xuất ra hơi nước vận hành các tua-bin điện và làm mát các thiết bị quan trọng của những nhà máy điện vận hành bằng than.

Ngay ngày hôm sau, chính quyền địa phương buộc phải đình chỉ hoạt động của nhà máy có công suất 2.300 megawatt này, gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong mạng lưới điện Ấn Độ. Ít lâu sau, thị trấn Farakka rơi vào tình trạng thiếu nước, hàng ngàn chai nước uống đã được phân phát cho người dân tại đây, trong khi nguồn nước để nấu ăn và tắm gội thì được vét từ đáy sông Hằng.

Kênh đào kết nối sông Hằng với nhà máy điện ở thị trấn Farakka khô hạn vì thiếu nước. Ảnh: BBC

Theo BBC, nhà máy do Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia Ấn Độ quản lý trên đã bị đóng cửa trong vòng 10 ngày - một sự kiện chưa từng có trong lịch sử 30 năm của nó. "Chưa bao giờ chúng tôi đóng cửa nhà máy vì thiếu nước. Giới chức địa phương nói rằng mực nước sông Hằng đã giảm nhưng họ thì "lực bất tòng tâm" - Milan Kumar, một quản lý cấp cao của nhà máy, cho biết. Theo người dân địa phương, nhiều phà chở khách tại đây cũng ngưng hoạt động, nhiều bãi cát còn xuất hiện giữa sông, khoảng 13 sà lan chở than đến nhà máy thậm chí còn bị mắc kẹt giữa dòng sông vì không có nước.

Không ai biết lý do vì sao mực nước sông Hằng lại giảm mạnh như vậy tại Farakka, nơi Ấn Độ hồi thập niên 1970 đã xây dựng một con đập lớn nhằm ngăn chặn dòng nước chảy sang Bangladesh. Mãi về sau, vào giữa những năm 1990, hai nước mới ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm để chia sẻ nguồn nước. Theo các chuyên gia, nguyên nhân được cho khiến mực nước sông Hằng giảm mạnh đó là lượng mưa tại Ấn Độ trong những năm gần đây giảm đi rất nhiều, tình trạng tuyết tan ở dãy Himalaya vốn đóng góp tới 15% lượng nước sông Hằng trong năm nay lại không xảy ra cùng với tình trạng khai thác bừa bãi lượng nước ngầm của con sông vốn cung cấp nước sinh hoạt cho ¼ trong tổng số 1,3 tỉ dân Ấn Độ. Trong chuyến thực địa kéo dài 87 ngày trên dòng sông dài 2.500km này hồi năm ngoái, chuyên gia Emmanuel Theophilus phát hiện rằng mực nước sông Hằng giảm đáng kể trong những năm qua, không chỉ ít sinh vật sinh sống, con sông này trông rất bẩn, rác thải, xác động vật tràn ngập lòng sông - một trong những yếu tố khiến cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ ngày càng trầm trọng.

Theo Ủy ban Nước Trung ương Ấn Độ, lượng nước trong 91 hồ chứa tại nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Hiện khoảng 85% lượng nước uống của Ấn Độ được khai thác từ các tầng nước ngầm. Tại các khu vực bị hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng như bang Maharashtra, hàng ngàn người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào các tàu bán nước ngọt. Do lo sợ bạo lực xảy ra, chính quyền quận Latur đã phải áp đặt lệnh cấm tụ tập hơn 5 người xung quanh các bể chứa nước. Trong khi đó, hàng chục ngàn nông dân và gia súc đã được chuyển đến các trại cung cấp thức ăn và nước uống miễn phí cho động vật. Chính quyền bang thậm chí còn yêu cầu các thành phố ngừng cung cấp nước cho các bể bơi.

Một báo cáo của tổ chức nhân đạo Wateraid mới đây cho biết, Ấn Độ có số người dân không tiếp cận được nước sạch cao nhất thế giới. Hiện có đến khoảng 75,8 triệu người Ấn Độ buộc phải mua nước sạch với giá cao, nếu không muốn sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm chất thải hoặc hóa chất, chiếm hơn 10% trong số 650 triệu người trên toàn thế giới không tiếp cận được nước sạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nghèo Ấn Độ không tiếp cận nước sạch một ngày phải chi khoảng 0,72 USD (khoảng 20% thu nhập hàng ngày của họ) để mua 50 lít nước, cao hơn nhiều so với con số chỉ 0,1 USD mà người dân Anh bỏ ra để mua cùng lượng nước.

TRÍ VĂN (Theo BBC, AP)

Chia sẻ bài viết