|
Huy động cơ giới hỗ trợ khắc phục nhanh những đoạn đê bị vỡ. |
Đợt triều cường từ 15 đến 18-10-2012 mới đây đã làm vỡ và tràn qua hàng trăm đoạn bờ bao xung yếu của huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Đây không phải là lần đầu tiên, mà chuyện vỡ đê (hay bờ bao xung yếu) vốn đã trở thành "chuyện thường niên" ở xứ sở bốn bề sông nước này. Điều đáng nói là càng về sau, số đê vỡ càng nhiều hơn, thiệt hại càng nặng nề hơn, còn người dân thì chỉ còn mỗi một cách "sống cùng đê vỡ".
Dù đã ba ngày sau đợt triều cường, nhưng khi vừa đặt chân lên địa bàn xã Đại Ân I, dấu tích của đợt triều cường vẫn còn được lưu giữ quanh những ngôi nhà, rẫy mía, hoa màu mênh mông nước. Trên suốt con đường từ bến phà Đại Ân I về trung tâm huyện, nhiều diện tích mía vẫn còn ngập sâu hơn 2 tấc nước, một số đã trốc gốc, nghiêng ngả. Càng vào sâu trong nội đồng, tình trạng ngập úng càng nặng nề hơn. Anh Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thường trực Ban chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão huyện, cho biết: "Ở đây, nước vào thì rất nhanh, nhưng rút ra thì rất chậm, nên việc khắc phục sản xuất gặp không ít khó khăn".
Rút kinh nghiệm từ đợt triều cường gây vỡ đê vào các ngày từ 25 đến 28 tháng 10-2011, năm nay, chính quyền và người dân huyện Cù Lao Dung đã tập trung gia cố hệ thống đê bao cao hơn, chắc chắn hơn. Tuy nhiên, đã có bất ngờ xảy ra khi đợt triều cường mới đây không chỉ cao hơn, mà còn đến sớm hơn dự đoán. Chỉ tay vào nền nhà và rẫy mía bên cạnh đang mênh mông nước, ông Huỳnh Văn Chiến, ở xã Đại Ân I, cho biết: "Năm nay, nước quá dữ, mới giờ này mà đã tràn qua đê, không biết mấy con nước tới sẽ ra sao nữa". Con đường về ấp Sáu Thứ của xã Đại Ân I đã lác đác có một vài hộ di tản đồ đạc ra che lều tạm để tránh ngập. Cũng tại địa bàn ấp này, triều cường cao đã cuốn đi phần cát nền hạ gây sụp đoạn đường đan dài gần 15m, gây khó khăn cho xe cộ qua lại. Người dân thì lắc đầu ngao ngán, còn chính quyền thì chạy đôn chạy đáo để huy động lực lượng nhanh chóng đắp lại những đoạn đê vỡ.
Năm ngoái, xã An Thạnh Tây có đến 22 đoạn bờ bao bị vỡ với tổng chiều dài 85,5m, còn năm nay, tuy chỉ vỡ có
17 đoạn, nhưng dài đến 128m và đến ngày 18-10 mới chỉ khắc phục được 6 đoạn. Anh Nguyễn Văn Nghĩa lo lắng: "Gia đình tôi chủ yếu trồng cây ăn trái, nếu bị ngập kéo dài, chẳng những không thu hoạch được mà còn có nguy cơ bị chết cây luôn nữa". Ông Ngô Văn Ẩn, lắc đầu ngao ngán: "Năm ngoái, rẫy mía của tôi bị ngập mất gần cả tuần, năm nay lại tiếp tục bị ngập sớm, không biết có thu hoạch được gì hay không nữa". Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, tính đến sáng ngày 18-10, toàn huyện có 108 đoạn đê bao của 8 xã, thị trấn bị vỡ với tổng chiều dài 568m, nhưng chỉ mới khắc phục được 40 đoạn. Chưa hết, triều cường dâng cao đã tràn qua 73 đoạn đê bao đã được đổ đan làm đường giao thông với tổng chiều dài 9.410m, nhưng cũng chỉ mới khắc phục được 50 đoạn. Tuy chỉ mới vỏn vẹn có 3 ngày, nhưng triều cường đã làm ngập trên 733ha mía, 227 căn nhà
ước thiệt hại ban đầu gần 1,1 tỉ đồng.
Huyện Cù Lao Dung thật ra là một hệ thống cồn nơi cuối nguồn sông Hậu được liên kết với nhau bằng mạng lưới kênh rạch chằn chịt. Bởi vậy, dù hiện tại con đê tả-hữu đã cơ bản hoàn thành, nhưng cũng chỉ đủ để ngăn cản triều cường trực tiếp xâm nhập vào đất liền, còn chuyện gián tiếp qua hệ thống kênh rạch thì nó cũng đành chịu. Đó là chưa kể, tại một số đoạn của con đê này, cao trình hiện tại đã trở nên lạc hậu so với đỉnh triều của những năm gần đây. Nói đâu xa, ngay trong đợt triều cường này, một số đoạn của đê bao tả-hữu đã bị nước vượt qua và người dân cùng chính quyền địa phương đã phải gia cố thêm bằng con đê con ngay trên mặt đê chính này để nó có thể cao thêm vài tấc nữa. Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung thừa nhận: "Nếu không có con đê tả-hữu, giờ này, huyện Cù Lao Dung đã thành biển nước hết rồi. Cái khó hiện nay chính là chưa có được hệ thống đê bao nội đồng cho từng khu vực cồn, nên mới phải chịu cảnh vỡ từng đoạn bờ bao như thế này".
Thời gian qua, hệ thống bờ bao từng khu vực cồn chủ yếu do người dân đầu tư nên cao trình và quy mô chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống triều cường. Nguồn lực của người dân và địa phương là có hạn, trong khi đỉnh triều như ngày một cao hơn, vượt quá khả năng tự phòng chống của họ. Ông Ngô Văn Ẩn lại lắc đầu bất lực: "Ở cái xứ cù lao này, ai mà không làm đê bao, nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Mỗi năm cứ canh theo con nước triều cao nhất của năm trước mà đắp thêm theo kiểu "nước tới đâu làm tới đó" thì làm sao mà chắc chắn cho được. Tôi thấy, người dân đã hết sức chịu đựng rồi, phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đê mới hết vỡ". Ông Huỳnh Văn Chiến cũng lo âu không kém: "Năm nào đầu năm xã cũng vận động người dân đắp bờ bao, nhưng vẫn không cản được mấy con nước lớn. Bởi vậy, cứ đến mùa triều cường là ăn không ngon ngủ không yên luôn".
Theo "Báo cáo tổng quan đê điều tỉnh Sóc Trăng và đầu tư phát triển đê đến năm 2015" của Sở NN & PTNT Sóc Trăng, do cao trình mặt đất tự nhiên ở các cồn đều thấp hơn so với cao trình đỉnh triều hàng năm, cho nên các xã cù lao thuộc hai huyện Cù Lao Dung và Kế Sách thường xuyên bị lũ và triều cường đe dọa. Khả năng phòng chống lũ lụt, triều cường của hệ thống đê bao nội đồng của các cồn của hai huyện trên cũng còn rất thấp. Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, Thường trực BCH phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: "Chuyện vỡ đê hàng năm ở Cù Lao Dung luôn là vấn đề bức xúc trong công tác phòng chống lụt bão của tỉnh. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cần có một nguồn kinh phí lớn để đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao nội đồng cho các cồn và tôn tạo, nâng cấp hệ thống đê cũ. Điều này, lại vượt quá khả năng ngân sách của tỉnh".
Hệ thống đê bao tả - hữu Cù Lao Dung xây dựng từ năm 2000 đến nay chỉ mới cơ bản hoàn thành, nhưng sự lạc hậu về cao trình của nó so với đỉnh triều thì đã hiện hữu. Dự án xây dựng hệ thống đê bao các cồn đã được tỉnh phê duyệt, nhưng chưa thể triển khai thực hiện vì thiếu vốn. Do đó, theo đánh giá của BCH phòng chống lụt bão tỉnh, huyện, chuyện vỡ đê ở Cù Lao Dung sẽ vẫn còn tiếp tục xảy ra nến chính quyền không có giải pháp nhanh chóng khắc phục.
Bài, ảnh: Xuân Trường