TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) chọn trí tuệ nhân tạo (AI) là từ khóa của năm 2023 chính bởi sự quan tâm mà thế giới dành cho AI và độ “phủ sóng” của công nghệ này. Song, vấn đề “đau đầu” hiện nay là nguy cơ mà AI mang lại cũng như việc thiết lập những quy định, tiêu chuẩn đối với việc sử dụng, đầu tư, nghiên cứu và kiểm soát nó.
Phát triển nhanh như “vũ bão”
Trong thập niên qua, các nước đã rót hàng trăm tỉ USD vào cuộc đua AI. Đơn cử, năm 2019, Mỹ quyết định chi 52 tỉ USD trong vòng 5 năm để hỗ trợ phát triển AI, Trung Quốc đầu tư 70 tỉ USD nhằm dẫn đầu công nghệ này vào năm 2030, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tài trợ hơn 7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2027 cho các doanh nghiệp. Đến nay, AI phát triển nhanh chóng, gần như len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ giao thông, ôtô tự lái, dự báo thời tiết cho tới chẩn đoán sức khỏe. AI còn được sử dụng trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, khoa học.
Điều trần trước Quốc hội Mỹ , “cha đẻ’” của ChatGPT Sam Altman thừa nhận AI có thể gây hại cho nhân loại.
Nói đến AI, người ta hay nghĩ tới những robot nhưng đó mới chỉ là một góc của bức tranh. Gần đây, những phần mềm như ChatGPT lại một lần nữa khiến cả thế giới “mắt tròn mắt dẹt” vì sự phát triển của AI khi có thể đàm thoại và trao đổi với người dùng qua hình ảnh. Với tính năng trò chuyện bằng giọng nói, người dùng có thể chụp một bức ảnh bất kỳ, chẳng hạn một phong cảnh đẹp, để trò chuyện trực tiếp với ChatGPT về điều thú vị của địa điểm đó. Trước khi được cập nhật tính năng độc đáo này, ChatGPT thu hút sự chú ý nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây.
Tràn ngập nguy cơ
Dù mang lại nhiều lợi ích to lớn nhưng AI cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề. Trong đó, một trong những mối quan tâm lớn nhất là quyền riêng tư và dữ liệu người dùng bị AI xâm phạm.
Nhiều người còn lo ngại AI sẽ thay thế việc làm của con người. Khi AI trở nên vượt trội ở mọi lĩnh vực, cơ hội đối với con người theo đó cũng sẽ ít đi, bởi các công ty tuyển dụng lao động không có lý do gì để thuê nhân công nếu người máy có thể đảm nhiệm mọi công đoạn, từ lập trình đến thiết kế quần áo hay đồ nội thất…
AI cũng có khả năng tạo ra những video và hình ảnh “siêu giả”, hay còn gọi là Deepfake, đạt độ chân thực đáng kinh ngạc, có thể hoán đổi các chi tiết trên gương mặt của người này với người khác và thậm chí thay đổi cả giọng nói. Deepfake trong trường hợp bị sử dụng phi pháp sẽ trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi lừa đảo.
Đáng lo ngại, AI có thể trở thành mối nguy đối với an ninh quốc gia. Tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk từng cảnh báo AI có thể trở thành công cụ đáng sợ trong chiến tranh, bởi nếu quốc gia nào đó phát triển được một hệ thống AI vượt trội, họ có thể sử dụng nó để tấn công nước khác. Ông Musk tin rằng nếu để AI phát triển một cách không kiểm soát, đến mức nó có thể tự động hóa các quyết định mà không cần sự can thiệp của con người thì đây là nguy cơ đối với sự tồn vong của nhân loại. Cùng quan điểm, Stuart Russell, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California (Mỹ) cho rằng nếu AI được sử dụng để phát triển các phương thức tấn công mới, tinh vi hơn, nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các cuộc tấn công thông thường.
Thực tế là Mỹ và Trung Quốc đang đẩy nhanh nghiên cứu cách tích hợp công nghệ AI vào lĩnh vực quân sự, gồm vũ khí có thể tự động tìm kiếm tấn công mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người.
Chạy đua kiểm soát
Không riêng tỉ phú Musk hay giáo sư Russell, khảo sát của Reuters/Ipsos tại Mỹ gần đây cho thấy, 61% số người được hỏi bày tỏ lo ngại AI có thể đe dọa tương lai con người. Chính sự lo ngại này khiến nhiều tổ chức, quốc gia đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát AI. Theo đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa công bố bộ quy tắc quốc tế, đưa ra 12 khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự an toàn, bảo mật và phát triển AI một cách đáng tin cậy. Trong đó gồm các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và sở hữu trí tuệ, cũng như ưu tiên phát triển các hệ thống AI tiên tiến để giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách, chẳng hạn như khủng hoảng khí hậu.
Mẫu UAV XQ-58A Valkyrie của Mỹ do AI điều khiển. Ảnh: US Air Force
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối năm 2023 cũng ban hành sắc lệnh hành pháp đầy tham vọng nhằm đưa Washington dẫn đầu thế giới trong nỗ lực quản lý những rủi ro từ AI. Sắc lệnh yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn các chương trình AI với chính phủ liên bang trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng, đồng thời buộc họ phải thông báo cho Chính phủ Mỹ nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, sắc lệnh “mang tính bước ngoặt” này yêu cầu các cơ quan liên bang thiết lập tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm nhằm bảo đảm rằng các hệ thống AI đạt được tiêu chí an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Sắc lệnh cũng kêu gọi phát triển các phương pháp tốt nhất để ngăn chặn những tác hại mà AI có thể gây ra đối với người lao động.
Trong khi đó, theo Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU), các công ty vận dụng những công cụ AI sẽ phải cung cấp mọi nội dung có bản quyền trong quá trình phát triển hệ thống; những hệ thống AI ở mức “không thể chấp nhận” đối với sự an toàn của con người sẽ bị cấm. Theo EU, đạo luật nhằm đảm bảo các hệ thống AI được con người giám sát, an toàn, minh bạch, có thể truy nguyên, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường.
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cuối năm 2023, ông Jensen Huang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Mỹ), công ty có giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD và đi đầu trong cuộc cách mạng AI trên thế giới đã tới thăm Việt Nam. Ông Huang khẳng định mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai... góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.