Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành vấn đề gây tranh luận trong nhiều ngành nghề. Với ngành xuất bản, AI đang tác động lớn, có nguy cơ xâm phạm quyền lợi của các tác giả một cách ngang nhiên. Đáng nói, điều này lại có sự đồng thuận ngầm từ các nhà xuất bản (NXB) lớn.
Một cửa hàng sách của Wiley.
Vào đầu tháng 9-2024, NXB học thuật Wiley (trụ sở chính tại Mỹ, có hệ thống nhà sách trên toàn cầu) đã ký kết một thương vụ trị giá 44 triệu USD với các đối tác đang khai thác công nghệ AI. Đáng nói, thương vụ này không hề có sự đồng thuận của các tác giả và NXB học thuật Wiley không phải là đơn vị duy nhất làm điều này. Trước đó, NXB Taylor & Francis cũng đã ký kết một thỏa thuận trị giá 10 triệu USD với công ty Microsoft mà không cung cấp bất kỳ khoản thanh toán bổ sung nào cho tác giả. Với thỏa thuận này, NXB Taylor & Francis kiếm được hàng chục triệu USD từ các thỏa thuận AI.
Thực tế, các tác giả đang chịu nhiều thiệt thòi bởi sự xuất hiện của AI, trong bối cảnh hiện chưa có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi của họ. Hiệp hội tác giả Úc từng có một cuộc khảo sát với kết quả rất bất ngờ: 35% tác giả xác nhận hợp đồng của họ không có điều khoản nào về quyền liên quan đến AI, trong khi 63% thậm chí không biết rõ về vấn đề này. Nhà nghiên cứu Rebecca Giblin chỉ ra rằng, các NXB thường yêu cầu toàn quyền sử dụng các tác phẩm văn học. Điều này khiến các tác giả gặp khó trong việc khai thác thương mại tác phẩm của chính mình. Mặt khác, việc sử dụng AI của các NXB càng khiến các tác giả áp lực. Các NXB có thể sử dụng tác phẩm của tác giả để huấn luyện các mô hình AI sáng tạo tác phẩm mới dựa trên dữ liệu đã có. Như vậy, đến lúc nào đó AI có thể tạo các tác phẩm theo phong cách của tác giả. Đứng sau bản thảo, tác phẩm của AI là những NXB lớn, vậy những tác giả chân chính sẽ tồn tại ra sao?
Nỗ lực đòi công lý
Nhiều tác giả đã hợp lực kiện các công ty đào tạo AI. Tháng 8-2024, có 4 công ty luật đã thay mặt nhiều tác giả đệ đơn tập thể kiện Anthropic PBC - một công ty nghiên cứu và phát triển AI - lên chính quyền bang California. Các thành viên trong vụ kiện cáo buộc các mô hình ngôn ngữ Claude của Anthropic sử dụng các kho sách lậu mà không có sự cho phép của các tác giả, cụ thể là Andrea Bartz, Charles Graeber và Kirk Wallace Johnson. Phía Anthropic bị cáo buộc đã tải và sử dụng trái phép các tác phẩm có bản quyền để xây dựng mô hình AI của mình, dẫn đến việc vi phạm bản quyền trên diện rộng. Mục tiêu của vụ kiện là yêu cầu công ty Anthropic bồi thường thiệt hại cho các tác giả, đồng thời định hướng ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự trong tương lai. Trước đó vào tháng 3-2024, các tác giả người Mỹ Abdi Nazemian, Brian Keene và Stewart O’Nan đã kiện tập đoàn công nghệ NVIDIA vì đã sử dụng tập dữ liệu Books3 để đào tạo các mô hình ngôn ngữ NeMo Megatron mà không có sự cho phép của các tác giả.
Các vụ kiện giữa tác giả và các công ty đào tạo AI đang là cuộc chiến pháp lý mà các tác giả đều ở thế bị động, chỉ phát đơn kiện khi biết AI sử dụng trái phép sáng tạo của mình. Thực tế, chưa có hành lang pháp lý nào bảo vệ các tác giả trước những vấn đề liên quan đến AI. Vào tháng 6-2024, Hiệp hội Nhà văn Anh có một bản kêu gọi Chính phủ Anh bảo vệ quyền lợi của tác giả, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng AI có thể đe dọa thu nhập và công việc của các nhà văn, đồng thời đề xuất thành lập một cơ quan quản lý mới để giám sát và điều chỉnh sự phát triển của AI. Theo đó, nhà chức trách chỉ cấp phép cho các mô hình AI khi có sự thỏa thuận và đồng ý từ tác giả. Hành động trên của Hiệp hội Nhà văn Anh đang được xem là nền tảng tạo nên một văn bản quan trọng góp phần hoạch định chính sách cho công nghệ AI với ngành xuất bản và sáng tạo nội dung.
BẢO LAM (Tổng hợp từ Publishing Perspectives, The Guardian, Booksandpublishing)