15/07/2011 - 09:17

Ách nội tại

Liên tục những ngày qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các ông nghị cao cấp của đảng Cộng hòa đã có cuộc đấu trí căng thẳng về vấn đề cắt giảm chi tiêu ngân sách, tăng thuế và mức trần nợ công trước khi đến ngày quyết định cuối cùng vào 2-8 tới. Đỉnh điểm của cuộc giằng co này xảy ra trong ngày đàm phán thứ tư hôm 13-7, khi ông chủ Nhà Trắng giận dữ bỏ ra khỏi phòng họp với tuyên bố “những tranh cãi đến đây là quá đủ lắm rồi!”. Tuy vậy, ông Obama vẫn tiếp tục ngày làm việc thứ 5 diễn ra hôm qua với mục tiêu đạt được thỏa thuận với phe Cộng hòa trong ngày hôm nay 15-7.

Mặc dù nhiều người tin rằng sớm hay muộn các nhà lãnh đạo Mỹ phải nhượng bộ lẫn nhau để cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi bị phá sản, nhưng thái độ “dây dưa” của các bên đã khiến thị trường tiền tệ, dầu mỏ, thực phẩm và chứng khoán Mỹ biến động theo xu hướng bất lợi, nhất là sau cảnh báo của công ty tư vấn Moody về khả năng “rớt” chỉ số tín nhiệm và lời cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Ben Bernanke về nguy cơ “khủng hoảng trầm trọng” của nền kinh tế Mỹ.

Theo hãng tin Anh Reuters, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa yêu cầu chính quyền Obama cắt giảm chi tiêu 2.400 tỉ USD để đổi lấy mức trần nợ công được tăng lên tương ứng, trong khi ông Obama và đảng Dân chủ chỉ đồng ý cắt giảm chi tiêu chừng 1.700 tỉ USD hoặc hơn chút ít, đồng thời phải tăng thuế đối với những người có thu nhập cao hơn 250.000 USD/năm.

Thật ra, mức trần nợ công không phải là vấn đề nguyên tắc không thể thay đổi mà nó tùy thuộc vào tình hình kinh tế và chính trị của nước Mỹ hiện tại. Sau Đệ nhị thế chiến, nợ công của Mỹ chiếm hơn 120% GDP. Thời nhiệm kỳ 2 của cựu Tổng thống Bill Clinton, nợ công dưới 60% GDP, còn dưới trào George Bush (con) vừa qua tăng lên hơn 80% GDP vì cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Nghe đâu ông Bush thời đó đã “năm lần bảy lượt” được quốc hội cho phép nâng mức trần nợ công. Do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế từ thời Bush, chính quyền Obama tiếp tục để món nợ công lên tới con số 14.290 tỉ USD, chiếm gần 100% GDP, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm nay dự kiến là 1.600 tỉ USD.

Khó khăn tài chính của chính quyền Obama là chuyện bất khả kháng, nhưng trớ trêu ở chỗ con đường giải quyết khó khăn ấy lại đang bị ách bởi chính cuộc đấu đá quyền lực của người Mỹ.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết