26/07/2019 - 10:47

6 phương tiện giúp kiểm tra sức khỏe tại nhà 

Những ứng dụng và thiết bị dưới đây có thể giúp bạn tìm kiếm các dấu hiệu bất ổn của cơ thể trước khi chúng trở nên nghiêm trọng:

1. Tim

Nhịp tim là chỉ số hàng đầu đánh giá sức khỏe tổng thể. Thường xuyên đo nhịp tim lúc nghỉ ngơi giúp bạn phát hiện các biến chứng như rung tâm nhĩ, hoặc nhịp tim bất thường.

Nếu bạn cảm thấy nhịp tim chậm hơn hoặc nhanh hơn, hãy tìm hiểu lý do. Ví dụ, nếu nhịp tim tăng lên khi bạn nghĩ về công việc, hãy tự kiểm tra mức độ căng thẳng (stress) của mình. Nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi trên 100 nhịp mỗi phút (100 bpm), bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim hoặc tăng huyết áp.

Công cụ trợ giúp: Hầu hết đồng hồ thông minh và thiết bị theo dõi vận động đều đo nhịp tim cả ngày, chẳng hạn ứng dụng EKG tích hợp trên Apple Watch 4 sẽ tự động kiểm tra chứng rung tâm nhĩ.

Trong trường hợp có tiền sử biến chứng sức khỏe tim mạch, bạn có thể mua một thiết bị bổ sung như Kardia Mobile, dùng đo nhịp tim nhanh (nhanh hơn 120 bpm) và nhịp tim chậm (chậm hơn 40 bpm). Kardia Mobile lấy điện tâm đồ thông qua tấm lót ngón tay (ảnh) và bạn có thể gắn vào mặt sau của điện thoại.

2. Huyết áp

Bác sĩ thường đo huyết áp của bệnh nhân để tìm kiếm dấu hiệu của bệnh tim, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa và các biến chứng sức khỏe khác. Nhưng bạn không cần phải đợi gặp bác sĩ để đo huyết áp, mà có thể làm điều đó tại nhà. Đây là ý tưởng tốt đối với người bị tăng huyết áp, hoặc người hay lo lắng khi đi gặp bác sĩ khiến huyết áp bình thường có thể tăng đột biến.

Công cụ trợ giúp: Ngoài máy đo huyết áp bằng tay hoặc điện tử thông dụng, bạn có thể sử dụng các loại máy đo huyết áp kết nối không dây ngay tại nhà, giúp bạn dễ dàng đọc kết quả và theo dõi số liệu qua thời gian. Huyết áp dưới 120/80 mmHg là bình thường, còn nếu chỉ số này liên tục cao hơn 120/80 mmHg, hãy liên hệ với bác sĩ để tầm soát chứng tăng huyết áp.

3. Tóc

Sự thay đổi của mái tóc theo thời gian là trải nghiệm bình thường, nhưng có một số thay đổi có thể là dấu hiệu của một vấn đề thực sự. Nếu bạn thấy tóc rụng nhiều khi chải hoặc gội đầu hoặc sự thay đổi trên da đầu, hãy chia sẻ với bác sĩ vì mật độ tóc giảm mạnh có thể là dấu hiệu của các bệnh như thiếu máu và bệnh tuyến giáp. Da đầu ửng đỏ, u nhọt hoặc bong tróc có thể là biểu hiện của bệnh về da hoặc nhiễm trùng, trong khi tóc thưa nhanh và bong vảy là dấu hiệu của mức độ stress cao.

Công cụ trợ giúp: Ứng dụng miễn phí Hair Journal cho phép bạn chụp ảnh và theo dõi sự thay đổi của mái tóc theo thời gian, từ đó chủ động giám sát sức khỏe mái tóc.

4. Da

Tổ chức nghiên cứu Ung thư da khuyên mọi người nên tự kiểm tra da hàng tháng. Một quy trình kéo dài 10 phút có thể cảnh báo về một trong những dạng ung thư phổ biến. Theo đó, nếu bạn thấy có sự thay đổi đột ngột về hình dạng, màu sắc và kích thước của bất kỳ nốt tàn nhang hoặc nốt ruồi; sự xuất hiện của nốt ruồi mới hoặc các mảng da khô, sần sùi, bong tróc, đỏ, bóng hoặc có vảy mà không rõ nguyên nhân, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ da liễu để thăm khám.

Công cụ trợ giúp: Để theo dõi làn da tốt hơn, hãy thử dùng các ứng dụng giúp bạn ghi lại những thay đổi trên da và xác định những nốt ruồi đáng nghi, chẳng hạn như SkinVision. Ứng dụng này có thể giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi bệnh ung thư da ngay từ đầu.

5. Vú

Quỹ Ung thư vú Quốc gia Mỹ, cũng như hầu hết các cơ quan y tế, khuyến nghị mọi người nên tự kiểm tra ngực mỗi tháng một lần, kể cả nam giới bởi vì phái mạnh cũng có thể bị ung thư vú.

Khi tiến hành kiểm tra vùng ngực ở các tư thế đứng và nằm, nếu bạn cảm thấy có bất kỳ thay đổi hoặc cục u nào trong ngực, đừng vội hoảng sợ. Thông thường, cục u đó có thể lành tính, nhưng bạn nên đặt lịch khám với bác sĩ để yên tâm hơn.

Công cụ trợ giúp: Hãy thử dùng ứng dụng như Check Yourself! để nhắc nhở bạn lịch trình và phương pháp tự kiểm tra ung thư vú. Ngoài hỗ trợ bằng 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Nhật), việc minh họa bằng ảnh động hoạt hình khiến Check Yourself! dễ hiểu và thân thiện với người dùng.

6. Nướu răng

Viêm nướu và viêm nha chu có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, loãng xương, nhiễm trùng đường hô hấp và thậm chí là ung thư. Tuy chưa biết chính xác tại sao, song các nhà khoa học cho rằng nó liên quan đến tình trạng viêm, một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn ở hầu hết các căn bệnh.

Nếu bạn thấy nướu chảy máu hoặc co rút, đổi màu; xuất hiện lỗ sâu ở sát chân răng hoặc hơi thở hôi không phải do thức ăn, hãy hẹn gặp nha sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của viêm nướu hoặc viêm nha chu.

Công cụ trợ giúp: Thiết bị Mint của hãng Breathometer sẽ giúp bạn phân tích hơi thở để kiểm tra “các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi”, một chỉ dấu của bệnh viêm nha chu. Ứng dụng đi kèm trên điện thoại còn đưa ra phản hồi giúp bạn tạo thói quen chăm sóc răng miệng tốt hơn.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Cnet)

Chia sẻ bài viết