26/11/2020 - 11:49

5 quan điểm lớn phát triển bền vững ĐBSCL 

(CTO) - Sáng 26-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: MINH HUYỀN

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: MINH HUYỀN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Dự thảo Quy hoạch cần được tham vấn sâu, toàn diện hơn cả về mặt khoa học, thực tiễn, hội tụ sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương trong vùng, các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị của cả Trung ương và đảng bộ, chính quyền địa phương. Trong đó 5 quan điểm lớn về phát triển ĐBSCL được nêu ra trong dự thảo quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 17 cuộc hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quy hoạch và đây là hội nghị thứ 18. Hội nghị này nhằm chốt lại ý kiến của lãnh đạo địa phương, bộ, ngành và các chuyên gia về những vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Quy hoạch sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt vào tháng 12-2020.

ĐBSCL có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Mặc dù ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng, quan trọng là nhận thức được thách thức để quản lý rủi ro hiệu quả, nắm bắt cơ hội để tận dụng triệt để.

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2020, bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, dựa trên quá trình kế thừa và tiếp tục nghiên cứu nhiều năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tư vấn nghiên cứu phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và xây dựng dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Quy hoạch đã đề xuất nhiều nội dung mới về quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển cho vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MINH HUYỀN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MINH HUYỀN

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Có 5 quan điểm lớn về phát triển ĐBSCL được nêu ra trong dự thảo quy hoạch. Một là, phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo của cả quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn của Quy hoạch, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng.

Hai là, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Đây là một quan điểm mang tầm nhìn tích cực, trong đó, không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức mà ngược lại cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển.

Ba là, thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của Vùng.

Bốn là, ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình, mà cần liên kết. Mọi vấn đề lớn, quan trọng cần được giải quyết trong mối liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia, kinh tế biển (bao gồm cả Biển Đông và Vịnh Thái Lan), tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Năm là, đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của Quy hoạch vùng. Quan điểm là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong giai đoạn tới, quy hoạch vùng phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán. 

Đại diện Liên doanh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ trình bày tóm tắt kết quả tham vấn kỹ thuật về định hướng phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: GIA BẢO

Đại diện Liên doanh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ trình bày tóm tắt kết quả tham vấn kỹ thuật về định hướng phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: GIA BẢO

Hội nghị tham vấn hôm nay, các nhà khoa học, chuyên gia và lãnh đạo địa phương ĐBSCL sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng. Đó là nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng; định vị vai trò, vị thế của vùng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế; sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120 và tính thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện Liên doanh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ trình bày về quan điểm quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: GIA BẢO

Đại diện Liên doanh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ trình bày về quan điểm quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: GIA BẢO

GIA BẢO - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết