31/08/2019 - 10:32

45 năm nhìn lại văn học đồng bằng 

Tại Hội thảo Thơ và Văn xuôi ĐBSCL 45 năm (2019-2020) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Bến Tre, các đại biểu đều đánh giá cao những đóng góp của văn học đồng bằng trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên 4.0, văn học đồng bằng đang đứng trước những thách thức, đòi hỏi người cầm bút phải đổi mới bên cạnh sự trợ lực từ nhiều phía.

Báo Cần Thơ giới thiệu một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo.

Các nhà văn đồng bằng vẫn đang tâm huyết với công việc sáng tác. Trong ảnh: Nữ nhà văn Cần Thơ Nguyễn Thị Thanh Huệ (thứ 2 từ trái sang) ra mắt sách truyện thiếu nhi ở tuổi 82.

► Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Tăng tính chuyên nghiệp cho văn chương đồng bằng

Có thể nói, lâu nay, văn học vùng ĐBSCL được chờ đợi nhiều nhất trong cả nước. Nhiều cây bút ở vùng đất này không chỉ khẳng định dấu ấn ở địa phương, trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế. ĐBSCL có nhiều tiềm lực về văn học nói riêng và văn hóa nói chung. Tôi khái quát qua 3 cái nhất: nhiều cây bút nữ nổi tiếng nhất; độ sung sức của các tác giả cao nhất; tiềm năng dồi dào nhất. Điều đó có nghĩa, đội ngũ nhà thơ, nhà văn ở ĐBSCL được chăm bồi, liên tiếp kế thừa, đem đến nhiều giá trị văn học cho khu vực và cả nước. Tôi cũng cho rằng, làm văn hóa là ta phải tính đến thời gian. Có thể mất 5-10 năm hay thậm chí lâu hơn nữa để các cây bút đồng bằng có những đột phá về đội ngũ và chất lượng tác phẩm. Tôi tin rằng, các tác giả đồng bằng hoàn toàn có tiềm năng và khả năng để giới thiệu đến bạn đọc cả nước và thế giới hình ảnh một vùng đất đầy quyến rũ, đầy sức sống.

Cách tốt nhất để nâng cao chất lượng văn học không chỉ của ĐBSCL mà cả nước là tăng tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong đội ngũ các biên tập, nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành; chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội Nhà văn từ Trung ương đến địa phương; chuyên nghiệp trong mỗi nhà văn, nhà thơ. Sự chuyên nghiệp đó được thể hiện ở giá trị tác phẩm, cách đánh giá và bình luận tác phẩm cũng như quá trình sáng tác của tác giả.

► Nhà thơ Lê Chí (Cần Thơ): Chất sống trong thơ chưa nhiều!

Đội ngũ làm thơ ở khu vực ĐBSCL trong hơn thập niên qua đã tăng lên đáng kể, có đến hàng trăm, nhất là trong sinh viên, học sinh. Trên các báo văn nghệ địa phương và Trung ương, thường có thơ của họ. Điểm nổi trội của mảng thơ này là trong trẻo, giản dị. Tính triết lý của thơ ĐBSCL thường được ẩn trong toàn bài hơn là chăm chút từng câu chữ. Từ đó, cũng bộc lộ một số hạn chế đáng suy ngẫm. Đó là chất sống trong thơ chưa nhiều, dấu ấn, tâm trạng xã hội còn mờ nhạt, đơn giản. Cảm giác giữa thơ và hiện thực đời sống chưa thật liền mạch. Thơ tình yêu chung chung còn nhiều, với màu sắc và ngôn ngữ ít chắt lọc…

… Có một thực trạng rất trầm trọng, đó là nhiều tờ báo trong nước đã không còn in thơ nữa. Các nhà phát hành thì đã lắc đầu với thơ từ lâu rồi. Xuất bản thơ bây giờ hầu như là tác giả tự bỏ tiền ra in làm vui, tặng bạn bè, người quen là chính. Nhưng có một hiện tượng rất lạ, có thể nói là vui nữa, đó là người yêu thơ, đọc thơ ngày một thưa vắng mà người làm thơ thì hình như ngược lại. Vậy, có phải thơ hiện nay đang rơi vào “khủng hoảng thừa” vì quá ít thơ hay, nên có vẻ như đang “sống sượng”? Thơ nhiều nước trên thế giới có “đìu hiu” như thơ xứ mình không? Tương lai của thơ rồi sẽ ra sao? Rất cần sự góp tiếng nói của Hội Nhà văn Việt Nam trong lúc này.

► Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang): Văn học trẻ đồng bằng cần những “cú huých” để bứt phá

So với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng… Nhiều địa phương, dường như vắng bóng lực lượng viết trẻ cho nên Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra 5 năm một lần, nhiều nơi không sao tìm ra được dù chỉ một gương mặt tiêu biểu để giới thiệu tham dự. Những cuộc thi văn chương của khu vực đề ra mục đích tìm kiếm và phát hiện những cây bút mới, nhưng đến lúc trao giải thì hầu như ít có những gương mặt thực sự mới. Các tác giả trẻ ĐBSCL có sách in riêng đã hiếm, thì những tác phẩm tạo được dấu ấn, tạo được tiếng vang, được dư luận chú ý càng hiếm hoi hơn. Các cây bút sống ở 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL hầu như cũng ít có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong không khí dành cho văn chương thật sự, khiến cho đời sống văn học trẻ đồng bằng không tránh khỏi sự buồn tẻ và đơn độc.

Theo tôi, sở dĩ như thế là vì việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ đã phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Trong khi đó, tình yêu và sự quan tâm dành cho văn chương của nhiều bạn trẻ dường như không còn như trước đây, “đất” dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp, độc giả “mê” văn chương cũng không nhiều. Và một điều nữa là việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ nhiều lúc, nhiều nơi dường như vẫn còn bỏ ngõ, được chăng hay chớ, phần lớn vẫn chờ đợi những tài năng văn chương tự tỏa sáng, tự phát lộ mà không có những “cú huých” cần thiết, không có sự quan tâm, hỗ trợ dành cho lực lượng trẻ.

Theo tôi, vườn ươm lực lượng viết trẻ vẫn là các câu lạc bộ văn học, các diễn đàn trên mạng internet và các nhóm văn chương trên mạng xã hội. Nhưng chúng ta cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía để các nhóm, diễn đàn này phát triển mạnh và đúng chất. Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Nhà văn địa phương cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động, thường xuyên theo dõi, phát hiện, chăm bồi những cây bút trẻ triển vọng làm hạt nhân cho phong trào. Dĩ nhiên, khi có phong trào sôi nổi thì chúng ta dễ dàng tìm ra những hạt ngọc văn chương lấp lánh.

Mấy điều trăn trở  

Nhiều đại biểu cho rằng, ngay tên Hội thảo là “Thơ và Văn xuôi ĐBSCL 45 năm” cũng cho thấy khoảng trống của chuyên ngành lý luận phê bình văn học ở ĐBSCL. 45 năm qua, vùng đất này rất hiếm những cây bút lý luận phê bình sắc sảo, tạo được tiếng vang. Cụ thể nhất, hiện tại các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khu vực ĐBSCL không có ai thuộc chuyên ngành này.

Trong Hội thảo, nhiều người băn khoăn khi thiếu vắng hoàn toàn những tác giả trẻ 8X, 9X - những thế hệ sẽ làm nên diện mạo văn học đồng bằng trong hiện tại và tương lai. Nên chăng, có sự góp mặt và tiếng nói của thế hệ viết văn, làm thơ trẻ này tại diễn đàn để có cái nhìn toàn diện hơn về văn học ĐBSCL. Qua đó, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn các địa phương sẽ hiểu được họ nghĩ gì, cần gì, thiếu gì…

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết