26/11/2016 - 15:51

2016 - năm khởi sắc của các nữ đạo diễn

Câu chuyện về sự yếu thế của nữ giới trong điện ảnh, đặc biệt ở lĩnh vực đạo diễn luôn là câu chuyện "không hồi kết" ở các nền điện ảnh mạnh trên thế giới, kể cả Hollywood. Tuy nhiên, 2016 được xem là năm khởi sắc dành cho các nữ đạo diễn khi công chúng đón nhận nhiều tác phẩm xuất sắc của những tên tuổi gạo cội và tài năng trẻ.

Dấu ấn của các đạo diễn nữ

Năm 2016 này, nữ đạo diễn Anh Andrea Arnold trở lại với tác phẩm "American Honey". Trước đây, bà từng hai lần chiến thắng giải Ban giám khảo tại Liên hoan phim (LHP) Cannes với "Red Road" (2006), "Fish Tank" (2009); tượng vàng Oscar Phim ngắn xuất sắc nhất với "Wasp" (2005). Cho nên, sự trở lại của Andrea Arnold được người hâm mộ và giới chuyên môn đặt kỳ vọng. "American Honey" là phim tâm lý, kể về cô gái tuổi vị thành niên tên Star bỏ nhà đi và gia nhập nhóm kinh doanh tạp chí. Ban ngày họ kiếm tiền, nhưng đêm đến, Star và những người bạn cuốn vào cơn lốc tiệc tùng thâu đêm, những chuyến đi đầy nguy hiểm. "American Honey" đã phác họa chân thực cuộc sống giới trẻ Mỹ, về thực trạng sống vội tại đất nước phù hoa này. "American Honey" tác phẩm thứ 7 của Andrea Arnold nhưng là phim đầu tiên quay tại Mỹ. 6 phim trước của Andrea Arnold đều lấy bối cảnh ở Anh. Sự khắc họa tâm lý sâu sắc trong "American Honey" giúp Andrea Arnold có thêm chiến thắng giải Ban giám khảo tại LHP Cannes 2016.

 “Toni Erdmann” của đạo diễn Maren Ade.

Sau ba năm kể từ "Elysium" (2013), người hâm mộ mới gặp lại Jodie Foster. Nhưng lần này, bà xuất hiện với vai trò đạo diễn của phim "Money Monster", chứ không phải là diễn viên. Trước khi làm đạo diễn, Jodie Foster là diễn viên lừng danh của Mỹ khi hai lần chiến thắng Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất với "The Accused" (1988), "The Silence of the Lambs" (1991). Jodie Foster chuyển sang làm đạo diễn năm 1991 với phim "Little Man Tate" và được giới chuyên môn đánh giá cao. Từ đó đến nay, Jodie Foster chỉ mới đạo diễn 4 phim và "The Beaver" (2011) là phim mới nhất bà đạo diễn cho đến khi "Money Monster" công chiếu hồi tháng 5 vừa qua. "Money Monster" đậm chất hình sự Mỹ, xoay quanh nhân vật Lee Gates- người dẫn chương trình nổi tiếng bị một nhà đầu tư bắt cóc.

Sau 7 năm, kể từ thành công của "Everyone Else" (2009)- đoạt giải Gấu bạc tại LHP Berlin, nữ đạo diễn Đức Maren Ade trở lại với "Toni Erdmann". Đây là phim thứ 3 do Maren Ade đạo diễn. Phong cách làm phim của bà độc đáo, tạo nên tác phẩm dễ đi vào lòng người. Điển hình, "Toni Erdmann" là câu chuyện mà Maren Ade phải mất 4 năm để viết và sản xuất. Chuyện phim cảm động về người cha luôn cố gắng khơi gợi lại cảm xúc cho con gái bằng những trò đùa hài hước qua những thước phim đầy cảm xúc của Maren Ade đã giúp "Toni Erdmann" được đề cử Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2016.

Không chỉ có các đạo diễn nữ danh tiếng, năm 2016 còn xuất hiện nhiều gương mặt mới tài năng. Xuất hiện lần đầu tại LHP Cannes, nữ đạo diễn trẻ người Pháp Stéphanie Di Giusto mang đến tác phẩm đầu tay "The Dancer". Bất ngờ, phim có tên trong danh sách đề cử Nhãn quan độc đáo. Trong khi đó, nữ đạo diễn Lee Yoon Jeong cũng gây chú ý với tác phẩm đầu tay "Remember You" khi thu hút hơn 430 ngàn lượt khán giả. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm xuất sắc của các nữ đạo diễn, như: "Like for Likes" của Park Hyeon Jin, "Pure Love" của Lee Eun Hee, "Welcome to Playhouse" của đạo diễn Kim Soo Win, "Snow Paths" của đạo diễn Kim Hee Jung, "Missing Child" của Lee Eon Hee, "Thaw" của Lee Soo Yeon…

Bất bình đẳng giới vẫn không hồi kết

Ngành công nghiệp điện ảnh vẫn luôn tồn tại sự mất cân bằng về giới. Năm ngoái, trong tổng số 250 phim có doanh thu trung bình khá đến kỷ lục, đạo diễn nữ chỉ chiếm 9%, các nhà biên kịch nữ khá hơn cũng chỉ 11%. Năm nay, tuy số lượng phim do nữ giới làm đạo diễn tăng và chất lượng phim cũng được đánh giá cao, nhưng chỗ đứng của họ trong nền điện ảnh quốc tế vẫn còn nhiều tranh cãi. Nữ đạo diễn còn chịu nhiều thiệt thòi. Jodie Foster nói: "Khi thực hiện một dự án phim, các ông chủ của các hãng phim lớn thường không nghĩ sẽ mời nữ đạo diễn. Ngay cả ở Hollywood vẫn còn tư tưởng phụ nữ làm phim là sự liều lĩnh". Jodie Foster cho rằng các nữ đạo diễn thường chịu nhiều thiệt thòi từ việc rót ngân sách cho phim, chủ đề đến thể loại phim được giao.

  Đạo diễn người Anh Andrea Arnold  (phải, thứ hai) với các diễn viên trong “American Honey”.

Dù gặp nhiều trở ngại, nhưng không có nghĩa các nữ đạo diễn chịu thua. Thay vì thiên hẳn về dòng phim độc lập, cách làm phim của Jodie Foster có pha trộn giữa thương mại và nghệ thuật, tạo đường lối mới cho đạo diễn nữ. Trong khi đó, nhiều nữ đạo diễn Hàn như: E.Oni, Lee Soo Yeon, Lee Kyoung Mi… chọn dòng phim kinh dị để gây chú ý. Họ cùng cho rằng dòng phim nào nữ giới cũng có thể khai thác được, quan trọng chính là thành công tại phòng vé. Nữ đạo diễn Lee Kyoung Mi cho biết: "Khi tôi đưa kịch bản cho các nhà đầu tư tiềm năng, họ rất thích và khen ngợi, nhưng lại ngần ngại không dám bỏ vốn thực hiện, không dám nhận phát hành bộ phim, vì tôi là phụ nữ". Lee Kyoung Mi cho rằng việc mạnh dạn chọn dòng phim kinh dị là bước đi giúp tác phẩm được chú ý tại phòng vé. Một khi thành công, tên tuổi của các nữ đạo diễn sẽ được cân nhắc và các dự án khác có cơ hội được nhà sản xuất chú ý. Dẫu nói thế, Lee Kyoung Mi cũng khá vất vả để tìm nguồn vốn cho các dự án của mình. Cụ thể, sau thành công vang dội của "Crush and Blush" (2008), Lee Kyoung Mi đã phải mất đến 8 năm mới tìm được nguồn đầu tư cho tác phẩm tiếp theo của cô là "The Truth Beneath".

* * *

Để tìm chỗ đứng và công bằng trong ngành công nghiệp điện ảnh, nữ giới còn phải đấu tranh lâu dài, là một phần trong cuộc chiến nữ quyền trên toàn cầu. Nhưng chính sự thay đổi mạnh mẽ của một bộ phận, một lĩnh vực cũng góp phần tạo nên chuyển biến mới, giúp nữ giới có được quyền bình đẳng trong xã hội.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Variety, Guardian, Soompi, Telegraph)

Chia sẻ bài viết