05/07/2022 - 20:14

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi sáu

TẬP HUẤN BỘ ĐỘI MIỀN BẮC

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Mùa nước năm 1972, ta chuyển lên với thế mạnh mới. Trên tuyến 1C hai bờ Vĩnh Tế vẫn còn lực lượng thanh niên xung phong tiếp tục bám trụ để vận chuyển hàng tồn kho từ đất bạn, khẩu hiệu “Mừng nước rước đồng xung phong vận chuyển” gây phấn chấn trong anh em thanh niên xung phong toàn tuyến. Giữa năm 1972, vào lúc Tây Nam Bộ kết thúc cao điểm 6, trên chiến trường miền Nam cũng như trên mặt trận đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris có những thắng lợi mới. Tháng 7-1972, quân Mỹ và chư hầu tiếp tục rút khỏi miền Nam. Cuối tháng 6-1972, Nixon yêu cầu ta họp lại Hội nghị Paris sau 10 tuần gián đoạn. Ngày 27-7-1972, Nixon tuyên bố: “Sẽ cố gắng có một giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Ngày 16-8-1972, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Kissinger tới Sài Gòn. Qua 10 đợt rút quân trong 3 năm từ tháng 6-1969 đến tháng 1-1972, Mỹ đã rút gần 400.000 quân ra khỏi Nam Việt Nam (từ 543.000 còn hơn 150.000 quân). Ngày 29-3-1973, đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy vậy, Mỹ còn để lại 60.000 cố vấn, kỹ thuật viên, người lái trực thăng. Kết thúc năm 1972, Tây Nam Bộ giải phóng được 29 xã, 600 ấp với 500.000 dân. Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 28-1-1973.

1. Trong một doanh trại trên đất bạn, Hai Nô chủ trì một cuộc hội nghị Ban chỉ huy Liên đội:

- Tôi báo với các đồng chí, Đoàn trưởng 195, anh Tư Khánh đã gom anh em biết làm mộc vào đốn cây xẻ ván đóng xuồng để mùa nước này ta đưa dứt điểm quân số còn lại của đơn vị miền Bắc chi viện về địa bàn Rạch Giá - Cà Mau, trong đó có Tiểu đoàn đặc công thủy 72 do đồng chí U làm Tiểu đoàn trưởng.

Bảy Nông có ý kiến:

- Số xuồng cũ của ta từ bên kia đưa qua đây còn sử dụng được mà, anh Hai.

Năm Phi:

- Số xuồng đó còn trên 100 chiếc nhưng chiếc nào cũng bị vết bom đạn và chảy nước hoặc gãy cong. Muốn sử dụng cũng phải đưa về trại sửa lại mới hạ thủy được.

Năm Thơ:

- Trại xuồng của ta do Trung Kiên phụ trách ở cách đây xa quá. Đóng xong, phải khiêng 20, 30 cây số mới xuống tới mé nước. Mà lúc này ta và Campuchia gay cấn. Nội bộ Khmer đỏ - Tà Mốc, Chu Chết và một số cán bộ Trung ương thanh sát lẫn nhau, họ giết anh em miền Bắc đưa về cùng công tác với họ từ lâu. Anh em An Giang trên đất Tà Keo bị họ bắn giết liên tục, phải về ở với Đoàn 195.

Bảy Nông:

- Trong những đợt ta nhân danh Quốc trưởng Shihanouk và nhân dân Campuchia anh em cùng đồng bào Tà keo, Cam Pốt, Com Pông Trắc tấn công bọn phản động ngụy Sài Gòn và Lon Non, ta đã cứu giúp hàng vạn đồng bào bị bọn phản bội và bọn xâm lược cấu kết đàn áp, bắn giết. Bà con Khmer địa phương gọi nữ thanh niên xung phong của ta cầm vũ khí chiến đấu cho họ là “lính con gái” với hình ảnh quần áo vải lifăng nâu, nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ. Suốt 3 năm ta được lòng dân bạn. Nhờ thế mà ta tồn tại để giữ kho, chiến đấu diệt địch và đưa hàng qua biên giới.

Chín Tần:

- Báo các đồng chí, đơn vị trạm xá qua nhiều đợt bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ, do tài liệu của tôi mang từ dân y khu lên đây, đã tăng số y tá, cứu thương lên cơ số gấp 3 lần. Nhờ vậy, thời gian qua ta kịp thời và đủ sức xử lý những trường hợp thương tật và bệnh tật của hàng ngàn chiến binh từ hai đơn vị ta đến các đơn vị bạn chung địa bàn 1C ác chiến này.

Năm Phi:

- Cái đáng nói là các đồng chí trạm xá dã chiến của chúng ta đã phục vụ cho công tác vận động quần chúng địa phương một cách hết sức thiết thực. Sư sãi và đồng bào Khmer được ta cứu chữa lúc bị thương tật cũng như bịnh hoạn. Họ coi Quân giải phóng miền Nam là ân nhân của họ, cho nên khi bọn ngụy Sài Gòn và bọn phản bội Lon Non kéo đến là họ giúp ta chiến đấu đánh đuổi chúng.

Hai Nô:

- Tình hình qua ta kiểm điểm như vậy. Nhưng việc trước mắt là ta tiếp nhận quân đợt mới. Trung ương lấy tân binh cấp tốc đưa vào, chưa huấn luyện kỹ, nên quyết tâm của các chiến sĩ đợt này chưa cao, khi giao nhận quân số bị hao hụt nhiều. Quy định 1 tiểu đoàn là 360 đồng chí, mà lúc này nhận cao nhất 1 tiểu đoàn có 170 đồng chí, thậm chí có tiểu đoàn chỉ giao cho ta 72 quân.

Năm Thơ:

- Anh em miền Bắc vào đây cái gì cũng bỡ ngỡ, lại nghe qua Vĩnh Tế là đến biên giới của sự chết chóc hy sinh gian khổ không lường. Anh em “kháo” với nhau kinh Vĩnh Tế là “kinh Vĩnh Biệt”.

Hai Nô:

- Đồng chí Năm Thơ nói đúng, bây giờ ta phải có một khung cán bộ để quản lý số anh em đi giữa chừng đường qua biên giới Vĩnh Tế, rồi quay lại với nhiều lý do khác nhau, nhưng nói chung là không chịu đi về chiến trường miền Tây với đồng đội của mình. Số đó ta gọi là “B quay” - tức là đi B, đi miền Nam, nhưng quay trở lại. Số “B quay” hiện nay có lúc lên đến 2.000 người, phải có 60, 70 cán bộ quản lý.

Năm Phi:

- Vì đông quá ta quản lý không xuể, anh em vào phum sóc phá tán dân bạn, ta phải đi giải quyết. Nhiều cán bộ chạy vào phum sóc học tiếng Khmer, lấy vợ Khmer, có người làm trưởng phum, trưởng sóc. Đó là mặt phức tạp kinh khủng của chiến tranh ở tuyến 1C mạn Bắc của cung đường.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết