04/07/2022 - 21:07

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi lăm

CHÚ HAI VĂN VỀ “R”

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Chú Hai Văn - Phan Văn Ðáng là người đã cùng Thống con 13 tuổi cỡi trâu vượt đồn biên giới Vĩnh Tế về Tây Nam Bộ để chỉ đạo cuộc Tổng tấn công và nổi dậy ở trọng điểm 1 TP Cần Thơ trước 3 giờ sáng ngày 31-1-1968 và sau đó được K26 bố trí đưa về “R” bằng đường công khai. Lúc ngồi trên xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ, chú Hai chăm chú đọc bài bình luận của nhà báo Mỹ Don Oberdoifer viết về Tết Mậu Thân 1968: “Vì cuộc chiến chưa kết thúc, chung cuộc chưa rõ ràng, tầm quan trọng đầy đủ về cuộc tấn công Tết Mậu Thân đang nằm ngoài tầm nhận thức chúng ta. Một điều xem đã rõ: lịch sử sẽ chẳng quên đi sự kiện này. Ðối với mọi người, đây là sự kiện có tính bước ngoặt, một trong những bước ngoặt lớn trong thời đại chúng ta.

Cộng sản đã không thành công, nhưng chánh phủ Mỹ đã phải chịu một tổn thất còn nặng nề hơn - mất lòng tin của dân chúng Mỹ. Không một ai ở phương Tây có thể biết chắc được các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nhằm vào những mục tiêu gì trong cuộc tấn công này và họ sẵn sàng trả giá như thế nào. Cái trớ trêu của cuộc tấn công Tết Mậu Thân là Cộng sản đã thắng về chánh trị ngay trên nước Mỹ”.

Bỗng dưng xe dừng lại, hành khách lặng yên, ba tên mật thám bước
lên xe, nói:

- Mọi người ngồi yên ở băng ghế của mình. Cầm giấy tờ nơi tay để kiểm soát!

Chú Hai Văn xếp tờ báo “Tin sáng” lại, cô Sáu Tiến ngồi khít người vào chú Hai, giúp chú Hai soạn giấy căn cước từ trong bóp ra cầm sẵn nơi tay, ba tên mật thám đến một lượt, hỏi:

- Có phải ông là đồng chí Hai Văn - Phan Văn Ðáng, Phó Bí thơ Trung ương Cục miền Nam, đi chỉ đạo vùng Tây Nam Bộ, nay định trở về chiến khu “Д để họp Trung ương Cục phải không?

Chú Hai Văn:

- Cậu nói cái gì tôi nghe lạ hết sức! Cái tên người và chức việc của ông cán bộ Việt cộng mà cậu nói tôi chưa hề nghe biết. Ðây, giấy tờ tôi đây, xin cậu xem.

Cô Sáu Tiến tiếp lời:

- Mấy cậu “ma bắt” phải coi mặt người ta! Ði tìm Cộng sản mà gặp ai mấy cậu cũng “vãi chài” như vậy thì làm phiền dân chúng quá đỗi. Cái người Việt cộng mà mấy cậu vừa nói đó, họ đi “tiền hô hậu ủng” chớ có vừa đâu!

Một bà lão cũng lên tiếng:

- Thì gặp ai cũng hỏi chặn đầu chặn đuôi như vậy để may ra tóm được những người dân yếu bóng vía rồi vu vạ cho họ là Việt cộng để đem về lãnh thưởng.

Không ngờ, bà cụ thu hút sự chú ý của ba tên mật thám “6 è Bureau” thường đón ngay trạm Thốt Nốt xét hỏi:

- Bộ bà là người đưa đường tên Việt cộng cao cấp này đi về Tây Ninh chiến khu D phải không?

Bà lão đứng dậy đáp:

- Hai bữa rày, tôi đi xe nào ngang đây cũng bị mấy cậu lên hỏi y chang một câu như đã vừa hỏi. Hổng lẽ ngày nào Việt cộng cũng đi, đường nào cũng đi, xe nào cũng đi… Việt cộng ở đâu mà nhiều dữ vậy?

- Bà đừng có lẻo mép! Chúng tôi đã có tin của Trưởng ty chiêu hồi Sáu Khẩn, lấy từ hệ thống mật báo của ông ta là cán bộ cao cấp Hai Văn trên đường công khai về “R” mà tôi nghi quyết là ông khách có bộ vó sang trọng này đây.

Lúc này, chú Hai rút thuốc Salem Lạc Ðà ra hút. Cô Sáu Tiến xẹt hộp quẹt zippô Mỹ đốt thuốc cho chồng. Cảnh âu yếm đó khiến ba tên mật thám ngứa mắt bèn hỏi:

- Cái cô lịch sự gái này là gì của quý ông đây?

Chú Hai chưa vội trả lời, rút thuốc mời bọn chúng. Mùi khói thuốc tỏa ngào ngạt cả xe. Bọn chúng bị mất hứng, giương mắt nhìn đôi vợ chồng có tuổi vong niên mà âu yếm nhau hết sức. Cô Sáu Tiến trả lời:

- Mấy cậu thấy người ta gắn bó nhau như vầy mà không biết sao còn phải hỏi.

- Biết chớ! Cô là con gái lớn của ông đây chớ gì!

Bà lão lên tiếng:

- Mấy cậu vô duyên thật! Nó là con dâu thứ hai của tôi đấy.

- Úy trời đất ơi! Như vậy ông đây là con trai bà. Và bà có mấy con dâu hãy khai thiệt nghe chơi!

Cô Sáu Tiến:

- Má đừng có nói mệt hơi lắm! Mấy cậu đây thấy má già ghẹo má đó!

- Không dám ghẹo đâu. Chỉ nghi ngờ mấy người đóng vai gia đình tư sản, tạo giấy tờ giả để qua mặt tụi này thôi. Nhưng tôi thấy mấy người không biết điều.

Người lái xe liền nói:

- Xin lỗi ba cậu, ông đây tôi rước từ Sài Gòn xuống trong lần trước, đi mua điền sản ở miệt thứ để lập đồn điền, người anh em của gánh họ Lâm nổi tiếng đó, nay ông bà trở về để mang tiền xuống chồng tiền cọc…

Tên mật thám:

- Hèn chi ông hút thuốc và đọc báo coi sang quá!

Tài xế:

- Còn đây, ba cậu nhận chút ít uống cà phê.

Tên mật thám:

- Anh hối lộ nhân viên công quyền phải không?

Bà lão lại lên tiếng:

- Người ta biết điều thì mấy cậu lại vặn vẹo. Hành khách trên xe ai cũng có công ăn việc làm, kẻ mua người bán, giờ giấc đều có hẹn. Mấy cậu giữ xe nãy giờ “cà kê dê ngỗng” ai cũng sốt ruột. Tôi cũng gởi mấy cậu chút ít để hút thuốc.

- Ồ, bà cụ biết điều thật. Ðược lắm.

Chú Hai Văn mở va li, lấy 3 gói thuốc Lạc Ðà Mỹ, trao cho 3 tên mật thám và nói:

- Mấy cậu hút chơi! Tận tụy việc xét hỏi theo lệnh trên là đáng hoan nghinh. Chúng tôi không phiền trách gì cả.

Tên mật thám:

- Ðó, mấy bà thấy chưa? Trí thức người ta biết điều vậy đó.

Ba tên mật thám nhận được nhiều phần tiền và 3 gói thuốc, tiu nghỉu bước xuống xe. Cô Sáu Trầu - người đóng vai mẹ, cô Sáu Tiến người đóng vai vợ và chú tài xế - người vệ sĩ, có vũ khí giấu kín trong xe… tất cả đã vượt qua một chốt gác nguy hiểm nhất của Vùng 4 chiến thuật. Chiều đó, chú Hai Văn về tới Tân Biên trong sự mừng vui chào đón của đồng chí anh em.

 

2. Khi tiễn cô Sáu Trầu và cô Sáu Tiến tại trạm đầu cầu để hai chiến sĩ giao liên công khai trở về Khu 9 - Tây Nam Bộ. Chú Hai Văn cùng chú Năm Ðông, chú Ba Bường (tức chú Tư Phòng - người từng đóng vai chồng của cô Sáu Trầu) đến tiễn đưa. Chú Tư Phòng hỏi:

- Cô Sáu, lâu nay mạnh giỏi hả cô?

Cô Sáu Trầu:

- Mạnh mà không giỏi. Sao lâu quá anh không trở về miền Tây? Hồi anh về Thường trực trên này, mỗi lần đưa mấy anh mấy chú đi công khai tôi không được đóng vai vợ nữa, mà lại đóng vai bà già. Kể ra từ lần làm vợ anh mà bị chìm ghe ở sông Ðường Ðứt sau năm Ðồng khởi tới giờ một thập niên còn gì nữa. Tôi đã già, nhưng nhìn anh còn tươi lắm. Giờ nếu đi chung đường, thì anh đóng vai con tôi!

Cô Sáu có ý phiền chú Tư Phòng - nguyên Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ, nay về “R” làm thành viên của Xứ ủy miền Nam, nên hai cô chú dù thương nhớ nhau mà không có dịp gặp. Nghe cô Sáu nói vậy, tất cả cùng cười. Chú Tư Phòng tiến lại ôm hôn cô Sáu thắm thiết và trao cho cô Sáu một gói củ sâm:

- Tôi để dành chế độ tôi cho bà đây. Mỗi lần mệt thì xắt 3 lát mỏng mà uống với nước trà nóng. Chắc là tôi không còn được phân công về xứ mình nữa.

Chú Tư nói như vậy rồi cầm tay cô Sáu siết mạnh, giã biệt nhau:

- Tôi biết ơn bà đã mưu trí, dũng cảm cứu giúp tôi vượt thoát tay giặc biết bao lần. Không có bà thì tôi đã hy sinh từ lâu.

- Ông nói vậy, nhưng tôi cũng biết ơn ông. Cái lần thằng Tư Huy phản bội xuống bao chùa Ngã tư Cây Dương, nếu không có ông đến rước thì tôi đã bị giặc bắn chết như vị sư già trụ trì ở đó.

Lúc cô Sáu và chú Tư chìm sâu vào cơn xúc động với những kỷ niệm mấy mươi năm hoạt động cùng nhau, thì chú Hai Văn nói những lời tạm biệt và biết ơn cô Sáu Tiến trong hai lần rước và đưa chú Hai an toàn “đi đến nơi, về đến chốn”. Cô Sáu xúc động nắm tay chú Hai đưa lên hôn thắm thiết. Chú Hai nhờ cô Sáu tìm thăm gia đình cháu Thống, một liệt sĩ dũng cảm hy sinh để cứu cả văn phòng Liên đội I lúc đang họp ở T90:

- Cô Sáu cầm món quà này về An Biên gởi cho Ðảng bộ địa phương chuyển tới gia đình cháu Thống. Trong đó có lá thư của tôi viết cho gia đình cháu… Nếu không có cháu dũng cảm và sáng dạ cỡi trâu đưa tôi qua biên giới Vĩnh Tế thì thú thật anh em mình, cũng như bản thân tôi bấy giờ chưa có cách qua. Cháu Thống là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất của tuyến đường 1C và là một trong những tấm gương ngoan cường nhất của tuyến đường. Ðảng ta và cá nhân tôi biết ơn cháu và gia đình cháu đã sinh ra một thiếu niên anh hùng của xứ sở.

Tất cả vẫy tay chào giã biệt nhau, khi đoàn xe honda có biệt danh là “Giặc lái” đưa khách lên đường ra thị trấn Lộc Ninh…

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết