* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương sáu mươi bốn
CHÚ TƯ MAU CẢI DẠNG
2. Ðến ngày 18-12-1973, tại bến Hậu Thủy, K25 của Ðoàn 125 cảng Hải Phòng, chú Tư gặp các vị Tư lệnh và Tham mưu của lực lượng Hải quân Việt Nam, đang chuẩn bị cho chuyến chở vũ khí trở về Nam thì chú Kim Sang - Tham mưu trưởng Hải quân hỏi chú Tư Mau:
- Anh có biết tên Nguyễn Văn Rớt không?
- Biết, Nguyễn Văn Rớt tức là Ba Tam ở đơn vị tôi trong Nam.
- Tên Nguyễn Văn Rớt đã đầu hàng! Ðịch bắt một số anh em trên tàu ở trỏng rồi.
- Ðồng chí nắm tin hồi nào vậy?
- Tôi được điện của Bộ Tư lệnh Hải quân qua mã thám. Ngày 3-12 thằng Tam đầu hàng và khai báo là đã bắt được 2 tàu 158 và 159 ÐC, có phải là tàu của các anh không? Thế sao các anh còn đưa Sáu Nam - Lê Ðức Anh ra đây được?
- Như vậy thằng địch đã lầm. Theo tin điện như đồng chí nói thì ngày 3, lúc thằng Tam đầu hàng là chúng tôi còn ở Phan Rang. Ðêm 2 chúng tôi mới từ Mũi Né đi, trưa 3 nó đầu hàng thì chúng tôi đã đến Nha Trang. Nhưng ra đó, chúng tôi đã đổi số tàu rồi. Vậy nó bắt tàu 158, 159 ÐC là tàu khác - bởi ÐC là đánh cá còn tàu ta TT là thương thuyền. Số trùng nhau mà ký tự khác nhau. Nhưng ta đổi số và ký tự thường xuyên khi qua những vùng biển khác nhau để tránh địch theo dõi. Nhưng 2 chiếc tàu mà giặc bắt được cũng là tàu đánh cá 2 đáy của đơn vị ta.
- Nguy hiểm quá! Thế là lúc thằng Tam đầu hàng, các đồng chí còn ở sát bên nó!
- Ðúng vậy, khi tôi ghé điểm đóng tàu mới của ta ở Nha Trang, chúng tôi thấy anh em đi tàu trước như Bảy Nam, Ba Minh sao lại ở đây. Dù tôi dặn không nói gì cả, nhưng anh em cũng xù xì: “Chìm một chiếc rồi!”. Cũng may là thằng Tam không biết có 2 tàu của ta ghé, vì Bến Ðá - Bến Ðình cách nhau 800 thước, Tam không thấy tàu và cũng không thấy mặt anh Sáu Nam và tôi.
- Ngày 3 tên Tam đầu hàng, cơ sở đóng tàu ở Bến Ðình của ta có bị giặc bắt không?
- Khi các anh, các đồng chí trên tàu lớn đang lắp máy thì bị công an giặc đến bắt do Tam khai báo. Lúc đó tên chủ xóm đang nhậu lai rai với đồng chí Ba Kỷ, Mười Thượng, Mười Khanh của ta. Nó cho anh em ta hay thằng Tam đã phản, hiện lính kín đang tìm mấy ông. Hãy xuống ghe tôi (chủ xóm) mà tránh đi. Tôi sẽ đưa mấy ông ra Bến Ðá để thoát. Nhờ vậy mà mấy hôm sau ghe Mười Thượng, Mười Khanh, Ba Kỷ… cũng đã ra tới ngoài này. Nếu không có tên chủ xóm này thì giặc bắt ráo!
Trước một biến cố như vậy, nên chú Sáu Nam - Lê Ðức Anh suy nghĩ nhiều, vì ý kiến của Bộ Tổng tư lệnh là chấm dứt hoạt động vận chuyển bằng ghe thuyền trên biển. Nhưng các chú là những người con của bão táp, không thể chấp nhận sự bế tắc. Chú Sáu Nam nói:
- Anh Tư, anh có cách gì về được trong Nam để nối đường lại không? Ngoài anh ra, có ai làm được không?
Chú Tư Mau:
- Thật không có gì lắm! Nhưng lau lách thì không có tôi cũng khó. Do đó, tôi nghĩ là tôi phải cải dạng. Cải dạng tôi và một số đồng chí nữa…
Chú Sáu Nam:
- Thôi, cải dạng một mình anh được rồi. Tôi cho anh em bác sĩ cải dạng anh. Một mặt tôi đưa tin anh chết cho giặc không theo dõi.
Chú Tư Mau:
- Ðược thôi, kế hoạch anh Sáu tính hay lắm.
Chú Sáu Nam:
- Tôi bàn với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa bác sĩ Phan, bác sĩ phụ trách khoa hàm mặt bệnh viện 108 cải dạng cho anh. Phan là Trung tá, chủ nhiệm khoa, sẽ giữ bí mật cho anh.
Chú Tư Mau:
- Vậy anh Sáu viết mấy chữ, tôi đi tìm bác sĩ Phan.
Chú Sáu Nam:
- Không đơn giản vậy, đồng chí Ðại tá Hàm sẽ dẫn anh đến gặp Trung tá Phan để xem mặt anh và nghiên cứu cách giải phẫu để cải dạng.
Vậy là một quyết định quan trọng đã đến với chú Tư, coi như một bước ngoặt lớn trong đời hoạt động cách mạng phụng sự cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của người chiến sĩ cộng sản. Trong thời gian chờ đợi, chú Tư Mau xin phép chú Sáu thay đổi giấy tờ, số ghe từ Sài Gòn đến Bạc Liêu và chọn bốn đồng chí là Sáu Nuôi, Sáu Phà, Hai Quyết, Tám Ca, các chú đi bộ đường Trường Sơn Ðông để về Nam nhận nhiệm vụ mới. Chú Sáu - Lê Ðức Anh đồng ý. Bấy giờ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp các chú, để khi còn nhân dạng cũ chú Tư Mau liên hoan tạm biệt bạn bè cũ của mình, để sau khi giải phẫu sẽ cắt đứt mọi quan hệ, dù cho có gặp nhau ở đâu đó, cũng không nhìn - vì có tin đăng trên nhiều báo ở Sài Gòn là chú Tư Mau đã chết, tin này làm cho tên Ba Tam đầu hàng nhận được phần thưởng nhiều tiền.
Trước khi giải phẫu, chú Sáu Nam gọi chú Tư về căn cứ Vạn Hoa để truyền đạt chủ trương giữ vững đội ngũ và sửa tàu, thay máy. Tại đây, chú Tư uống rượu giã từ anh em để chuẩn bị thành “một người khác”. Khi đến bệnh viện 108, bác sĩ Phan nói:
- Ðồng chí cho tôi xem giấy căn cước có hình của đồng chí!
Chú Tư Mau:
- Giấy này tôi làm ở Rạch Giá, giấy thiệt của ngụy đó!
Bác sĩ Phan:
- Trước hết, tôi làm động tác này. Lông mày đồng chí to, tôi cắt bớt cho nhỏ lại, coi nó cũng khác.
- Tùy anh làm gì làm!
Cắt bớt lông mày, tuy nó không mọc lại vì ta phải mổ vô sâu, nhưng một tháng sau khi mặt hết sưng, chú Tư tự lấy kiếng nhìn, hoặc người ngoài nhìn giúp, thấy không thay đổi mấy. Bác sĩ Phan lại nói:
- Bây giờ, tôi sửa con mắt anh. Mắt anh nhỏ một mí, tôi sẽ làm mắt anh hai mí, và mở vành mắt to ra.
Sửa xong hai con mắt qua phẫu thuật, chú Sáu Nam nhắn chú Tư ra xem thử, chú Sáu Nam nói: “Chưa được!”. Chú Tư Mau lại về bệnh viện. Bác sĩ Phan nói:
- Cái sống mũi anh hẹp, giờ tôi làm cho nó cao lên! Mổ anh nhiều lần quá, cũng tội nghiệp anh. Sẵn tôi mổ nhiều người, tôi lấy xương sụn của đồng chí khác xài còn dư một cục, tôi đem tháp mũi cho anh, khỏi lấy xương sụn của anh.
Chú Tư Mau:
- Anh làm sao được thì thôi!
Làm xong cái mũi, mặt chú Tư sưng to lên cả nửa tháng mới xộp. Rồi chú Sáu Nam cũng nói: “Chưa được!”. Lại đến bác sĩ Phan.
- Ðể tôi phá cái tàn nhang cạnh lỗ mũi anh.
- Tùy anh. Cái tàn nhang cạnh mũi là dấu riêng trong giấy của tôi đó.
Bác sĩ Phan đốt tàn nhang bên cánh mũi chú Tư bằng điện và nói:
- Thằng giặc nó dùng tàn nhang làm dấu riêng là đúng. Tàn nhang của anh chân sâu quá!
Ðốt tàn nhang xong, chú Sáu Nam coi đi coi lại cũng nói: “Chưa được!”.
Bác sĩ Phan ngạc nhiên:
- Lạ thật! Với người khác, tôi chỉ cần một phẫu thuật là thay đổi rồi. Còn anh thì khó quá!
Chú Tư Mau bàn:
- Hay là anh làm cho tôi méo miệng? Hoặc anh làm cho tôi tóc bạc trắng hết được không?
- Làm tóc trắng thì không có thuốc. Còn làm méo miệng thành cố tật, cũng khó cho anh. Thôi để tôi làm cái càm của anh lại.
- Anh làm gì làm. Càm tôi là càm đôi, người la gọi lẹm càm.
- Thì tôi mổ càm đôi của anh, ghịt lại thành anh còn một càm, hết lẹm.
Lại đi gặp chú Sáu Nam và chú cũng lắc đầu: “Chưa được!”. Chú Sáu Nam nói:
- Mặc dầu so với trong giấy thì nhân diện anh có nhiều nét đổi mới rồi: mắt hai mí, mũi cao, càm nhọn, không có tàn nhang. Nhưng cái đầu anh hói thế này, ai không biết.
Chú Tư Mau:
- Vậy thì tôi phải “cải tạo” cái đầu hói.
Bác sĩ Phan:
- Lần này, tôi cạo tóc anh, lấy tóc phía sau cấy lên phía trước cho anh không còn hói nữa. Nhưng như vậy làm vầng trán thông minh của anh thấp xuống, có được không?
- Ðược. Anh làm sao tùy anh.
Chú Tư Mau để bác sĩ Phan chích thuốc tê, không cần gây mê, và bắt đầu giải phẫu theo mẫu của bác sĩ vẽ mà chú Tư đồng ý. Phải mổ sâu cho hết chân tóc để nó không mọc lại. Kỹ thuật này gọi là tạo chưn nuôi. Nhưng khi cắt da đầu giữa phía sau và phía trước không bằng nhau, nên miếng sau khi đắp lên trước có dư, phải cắt bỏ bớt. Trong lúc mổ, chú Tư nghe tiếng “sột sạt” trên đầu và máu chảy ra dữ quá, bác sĩ Phan lấy nhiều cây pel kẹp mạch máu. Nhiều mạch máu li ti lớn nhỏ, nên kẹp hàng chục cây pel tủa chung quanh đầu như đội vương miện kim loại. Cũng có những mạch bác sĩ Phan dùng điện đốt. Thấy máu chảy nhiều, sợ chú Tư xỉu, bác sĩ Phan truyền máu cho chú Tư. Nhưng truyền trật duột hoài. Chú Tư Mau nói:
- Thôi, khỏi chuyền máu cho tôi cũng được.
- Anh có chóng mặt không?
- Tôi không chóng mặt.
- Anh đã ngồi cho tôi giải phẫu hơn 4 giờ liền. Anh là con người mà gan sư tử!
Các y tá phụ mổ cũng nói:
- Bác Tư Mau là một anh hùng. Các cháu phục quá!
Sau đó, khi đầu chú Tư Mau hết sưng, tóc phía sau dính về phía trước và chĩa xuôi xuống trán như mái hiên, coi chà chom chẳng ra làm sao cả. Kết quả chỗ tóc cũ mọc xuôi, còn chỗ tóc mới mọc ngược. Chú Tư Mau có một cái đầu mà hai mảng tóc, trọn đời không khớp nhau được! Lần này gặp chú Tư, chú Sáu Nam nói:
- Nhìn anh tôi còn biết. Nhưng đã khác nhiều.
Chú Tư Mau:
- Tôi nghĩ hết cách. Tôi còn cái lùn nữa, có chân ai tháp cho tôi cao lên thì hay nhứt.
Chú Sáu Nam:
- Tôi thấy không nên mổ nữa, vì trên đầu mà mổ 5, 6 lần như vậy là nhiều. Cái chót là dấu lăn tay. Anh nhờ bác sĩ Phan đốt bằng điện cho ốc-ky ngón cái và ngón trỏ của anh thay đổi khác thì được.
Chú Tư Mau:
- Cái đó dễ làm.
Chú Sáu Nam dặn dò:
- Ðóng vai tư sản chủ công ty Ngư Long như anh, khi về Sài Gòn, anh phải biết chụp hình, biết lái xe, và biết nói tiếng Pháp lẫn Anh.
Sau đó, chú Tư Mau gặp lại Tổng Bí thư Lê Duẩn, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Hoàng Văn Thái cùng chú Sáu Nam - Lê Ðức Anh, bàn tính mọi phương cách để xoay xở nối lại con đường liên vận Bắc Nam mang tên Bác Hồ trên biển Ðông.
Tháng 6 năm đó, chú Tư về Nam bằng chiếc ghe biển thân yêu - chiếc ghe đã cùng các chú từ Nam ra Bắc trước đó.
(Còn tiếp)