02/07/2022 - 19:07

1C -con đường huyền thoại 

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương sáu mươi bốn

CHÚ TƯ MAU CẢI DẠNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Ngày 25-2-1971, chú Tư Mau về Xẻo Bần gặp chú Tám Kiệt bấy giờ là Bí thư Khu ủy. Lần gặp này có chú Sáu Nam, chú Ba Mai và chú Hai Thanh - Phó Chánh ủy… Tất cả nghe chú Tư báo cáo tình hình ở tuyến biển và thành phần thuyền trưởng, thủy thủ của chuyến đi ra Bắc.

Sau khi bố trí cho ông Chín Chấc và ông Ba Vọp làm nòng cốt để dẫn dắt hơn 10 ghe hai đáy nhỏ vận chuyển trên sông rạch từ Bang Hang Sóc Chuốt - đất bạn, giả ghe thương hồ mua bán trái cây, khô cá mà tới lui vận chuyển vũ khí từ kho Kirivong về căn cứ Vĩnh Thuận của ta, chú Tư Mau nhận thấy con đường đưa vũ khí miền Bắc chi viện vào cảng Sihanouk Ville, sau khi Lon Non vâng lệnh Mỹ lật đổ Quốc trưởng Sihanouk, thì tuyến đường nghĩa tình này bị bế tắc. Vậy nên chú Tư Mau về bàn tính với Thường trực Khu ủy để dùng ghe 2 đáy loại đánh cá biển xa bờ, hòa mạng cùng hàng ngàn ghe thuyền ngư dân để mở đường vận chuyển vũ khí Bắc Nam, nối bước con đường của chú Hai Bông Văn Dĩa khởi thủy từ năm 1962.

Trở lại thời điểm lập Ðoàn 962: Ðoàn gồm các đồng chí Phán (Tư Ðức) Thiếu tá tập kết về, đồng chí Tân (Thiếu úy) và đồng chí Sáu Toàn… Phạm vi hoạt động của Ðoàn rộng lớn (gồm địa bàn Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và cả miệt Rừng Sác Bà Rịa…) do đồng chí Ba Nhân (Ba Hòa) làm Trưởng đoàn kiêm Chánh ủy. Ba Nhân là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 8 (mật danh là 203). Anh Phúc (Năm Ðông) Ðoàn phó phụ trách Bà Rịa. Anh Tư Ðược (Diệp Ba) phụ trách Tham mưu đoàn. Anh Sáu Toàn (Tỉnh ủy viên Cà Mau) Phó Chánh ủy. Anh Năm Sến (Ðại úy) đoàn ủy viên. Anh Phán, anh Dĩa, Tư Mau là Phó đoàn. Như vậy Phó đoàn rất đông. Anh Năm Sến phụ trách bảo vệ nội bộ… Sau khi thành lập Ðoàn 962, do đồng chí Bông Văn Dĩa mở đường, đã liên hệ được Bộ Tổng tư lệnh và đơn vị Hải quân Việt Nam, đã vận chuyển bằng đoàn tàu 125 và ghe hai đáy, đưa về các bãi bến ở miền Nam một khối lượng vũ khí hàng vạn tấn. Nhưng rồi sau đó giặc phong tỏa gắt gao nên ta phải mở ra tuyến vận chuyển bộ, đưa vũ khí từ cảng Sihanouk Ville về qua Vĩnh Tế như đã nói. Rồi tuyến 1C lại bị giặc bóp nghẹt. Ðồng chí Tư Mau lại trở về thỉnh thị ý kiến Khu ủy để mở lại con đường biển vận chuyển vũ khí Bắc Nam mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Trong một căn nhà nhỏ ở bờ chuối Xẻo Bần, Ðông Thái - An Biên, các chú Thường vụ Khu ủy vừa uống trà với chú Tư Mau, vừa trao đổi công tác quan trọng. Chú Tư Mau nói:

- Kế hoạch đi, từ đây đến Vũng Tàu chúng tôi đi cặp bờ giả ghe đánh cá làm ăn. Từ Vũng Tàu ra, ta ra khơi khỏi cù lao Thu - tức cù lao Phú Quý, rồi ra vĩ tuyến 17 thẳng hướng. Trong miền Nam ta dựng cờ sọc dưa, còn ra miền Bắc thì ta dựng cờ nước ngoài.

Chú Tám Kiệt hỏi:

- Mấy ông vẽ cờ nước nào?

Chú Tư Mau:

- Tụi tôi vẽ cờ nước Úc.

Chú Tám Kiệt:

- Thật đúng là Úc mà. Vì mình “em út” hết thảy!

Chú Tám Kiệt nói xong cùng cười vui vẻ và các chú lại bàn tính tiếp kế hoạch. Từ đó chú Tư Mau cùng đồng đội vượt biết bao khó khăn gian khổ để đến gặp Bộ Tư lệnh Hải quân và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Phương châm của chúng ta là khẩn trương, vững chắc, bí mật và đơn tuyến. Còn phương thức hoạt động là hợp pháp. Trong nghệ thuật đối phó với địch ta phải dùng tình, lý, nghi trang và tiền. Mà tình, lý, nghi trang và tiền trong thực tế tình hình này được kết luận thành phương châm để ta vận dụng mà vượt thoát bao nhiêu mạng lưới rào ngăn của giặc để hoàn thành nhiệm vụ.

Công việc đang trôi chảy thì chú Sáu Nam có lệnh cho chú Tư Mau phải ngừng hoạt động vì có người đầu hàng khai báo, tả hình dáng chú Tư Mau là người lùn, có để râu. Chú Sáu Nam - tức đồng chí Lê Ðức Anh, Tư lệnh Khu 9 lúc bấy giờ, đề nghị chú Tư Mau cạo râu để tiếp tục nhiệm vụ. Thời điểm này chú Tư Mau lập Công ty Ngư Long mua nhà tạo căn cứ ở Sài Gòn, chọn người có tuổi như ông Phan Văn Tri, đã già mà còn phong lưu, đóng vai chú của chú Tư Mau. Cô Năm Ðảnh là góa phụ xinh đẹp và sang trọng, đóng vai bà chủ công ty. Ðể thành gia đình, cô Năm Ðảnh đem theo các con gồm Oanh, Tường, đóng vai em cô cậu với chú Tư Mau. Công ty thì phải có người giúp việc văn phòng, nên chú Tư đưa cô Thiểm (tên thật là cô Tuyết) đóng vai thư ký đánh máy. Mua một căn nhà ở đường Âu Dương Lân - bên kia cầu chữ Y, khá sang trọng, làm cho giặc tin đó là một cơ sở của thường dân kinh doanh nghề biển và đóng ghe tàu để bán cho người đánh cá. Thời điểm này chú Tư Mau dùng tàu vận chuyển vũ khí rước chú Võ Văn Kiệt đi hội nghị từ miền Bắc về miền Tây an toàn. Cũng dùng tàu này đưa chú Lê Ðức Anh từ bãi biển miền Tây ra miền Bắc hội nghị an toàn. Mặc dầu trên chuyến này, ta đi cách bờ hơn 300 cây số nên gặp bão to sóng lớn, chiếc ghe chở chú Sáu Nam mang biển số “Sài Gòn 158 TT” bị phá nước nguy kịch. Nhờ tất cả bình tĩnh, liên lạc được chiếc ghe cùng đi mang biển số “Sài Gòn 159 TT” chờ cặp mạn, đưa chú Sáu Nam và 6 thủy thủ sang qua kịp thời. Năm phút sau, ghe Sài Gòn 158 TT bị sóng nhận chìm giữa biển khơi trong nỗi kinh hoàng và thương tiếc của chúng ta. Nhưng rồi ngày 30-11-1973 dương lịch, chú Tư Mau đã đưa chú Sáu Nam an toàn lên bến Hải Phòng để về Hà Nội làm việc.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết