03/04/2022 - 08:37

1C - con đường huyền thoại

►Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương hai mươi chín

TRẠM PHẪU THUẬT DÃ CHIẾN 1C

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Bác sĩ Trần Minh Hữu mới từ chiến trường 1C về Sóc Trăng, tranh thủ tạt qua nhà một buổi. Gần 2 năm dài, chú xa vắng quê hương. Người vợ nghèo và các con nhỏ của chú ở đây, bám vào lòng tốt của bà con để sống, hy sinh mọi thứ để chú đi chiến đấu.

Khi gần tới nhà, bà con nhìn thấy chú từ xa, dù không kêu réo chú vồn vã, nhưng lòng bà con khấp khởi “Vợ nó đau lâu quá, nay nó về, thật là may mắn”. Chú Chín về đến nhà, nào ngờ thím bệnh nặng đang nằm trên bộ vạt tre, không hy vọng gì chú về mà cũng không hy vọng được hết bệnh. Nhưng chú đã về và khi nhận biết chú về là thím Chín nước mắt tuôn trào! Gạo trong thùng đã hết. Qua phút nghẹn ngào. Chú Chín cùng một cán bộ địa phương đến gia đình một tiểu thương người Hoa mua bán ra vào chợ Bạc Liêu, xin vay mấy trăm đồng bạc, về chạy thuốc và mua gạo thóc cho thím Chín và các con của chú. Nhờ chú là bác sĩ, mấy ngày sau thím Chín bớt và chú Chín lên đường, chèo xuồng sang cơ quan Dân y Khu. Cơ quan cũ bao quen thân bạn bè và căn cứ trong tán rừng sầm uất vẫn như xưa. Gặp lại chú, ai ai đều vui mừng, hỏi chuyện tuyến đường và chuyện gia đình ở Sóc Trăng.

Kế đến, chú Chín nhận được quyết định ngày 15-2-1968 của Ban Dân y Khu giao cho chú nhiệm vụ mới: Ðội trưởng Ðội Phẫu thuật dã chiến phục vụ Liên đội I Thanh niên xung phong tuyến 1C. Cùng đi với chú có các y tá: Nguyễn Ái Hữu, Nghĩa, Nguyên, Lữ Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Mai, Nguyễn Hồng Xuân.

Vui mừng nhưng cũng rất lo lắng trách nhiệm nặng nề của mình. Lúc đưa chú Chín Ðào - Phan Minh Tánh lên tuyến 1C, chú Chín đã thấy tình hình thương tật và bệnh hoạn của anh chị em thanh niên xung phong tuyến 1C thế nào. Vì bệnh xá 195 do chú Bảy S. không giải quyết nổi, nên chú Năm Ðoàn có tham khảo với chú Chín trước. Vì trách nhiệm chung và tình bạn, chú Chín Tần Trần Minh Hữu trả lời “Sẵn Sàng”. Như vậy bức điện do chú Năm Ðoàn và cô Út Nhì sang Ðoàn 195 nhờ điện về Khu ủy đã có kết quả. Khu ủy đã chỉ đạo cho Ban Dân y Khu cử chú Chín lập trại phẫu thuật dã chiến.

Chú Chín thu xếp cùng tập thể, nhận tài liệu y học, thuốc men, dụng cụ y tế, dụng cụ phẫu thuật… lên đường sớm.

3. Nghe chú Hai Nô - Khu đoàn Ủy viên, Bí thư Tỉnh Ðoàn Kiên Giang - vừa nhận nhiệm vụ lên tuyến 1C, bổ sung vào Ban lãnh đạo Liên đội I, Văn phòng Khu ủy bắn tin qua chú Chín Tần để chú Chín gặp chú Hai, có thể nhờ chú Hai tiến dẫn cho đội y tế phẫu thuật dã chiến của mình đi thuận lợi, vì chú Hai Nô là dân địa phương, rành đường sá hơn. Chú Chín Tần nói với chú Hai Nô:

- Anh Hai, tôi vừa nhận quyết định đưa đoàn cán bộ y tế gồm 9 người lên Liên đội 1 tuyến đường 1C lập Trạm Phẫu thuật dã chiến… Nghe anh sắp lên thay cho đồng chí Út Nhì làm Chánh ủy, tôi đến liên hệ để bám đuôi anh đi cho tiện, vì tụi tôi không rành đường sá…

- Mấy ông bao nhiêu xuồng?

- Ba xuồng, hoặc bốn xuồng, đang xếp…

- Không được đâu! Ðường khó, giặc ngăn chặn nhiều đoạn mà mấy ông tới 3, 4 xuồng đi cồng kềnh, thuốc, dụng cụ, làm trở ngại chung cho chuyến đi khẩn trương của tôi. Thôi “mất lòng trước được lòng sau”, mấy ông tự lực đi, cuối cùng cũng tới!

Nghe chú Hai Nô nói vậy, chú Chín Tần lui về cơ quan Dân y Khu. Lấy tấm bản đồ không ảnh, xem tỉ mỉ từng con kinh, con rạch, chiều dài, rồi sang “gánh Tư Lanh” (giao liên Khu) nhờ bố trí theo tuyến đường của giao thông liên lạc có sẵn mà đến ngã tư Ðầu Trâu như lần đi với chú Chín Ðào.

Nhưng, đúng như chú Hai Nô nói, đường lên tuyến 1C gian nan chi xiết kể. Khi đoàn chú Chín tới Ba Ðình thì Nguyễn Ái Hữu ở lại phục vụ chiến trường Vòng Cung. Số còn lại theo chú Chín Tần tiếp tục đi. Gánh Tư Lanh trên thực tế, từ bên này bờ Cái Sắn, ghép vào tuyến 1C để qua kinh Vĩnh Tế, lên C112. Cho nên chú Chín đi đúng tuyến đường, nhưng vì địch ngăn chặn mãi, nên đi lòng vòng một tháng mà mới tới khu Tám Ngàn (thuộc khu T80) Nam Thái Sơn. Ðơn vị Ðầu Cầu phía Nam của thanh niên xung phong chốt vững ở đây, chú Chín đã nắm rõ từ trước.

Chú Năm Ðoàn hết sức mừng rỡ và tự hào có đoàn phẫu thuật dã chiến của thanh niên xung phong tới nơi. Anh chị em thanh niên xung phong chuyền tin nhau, nhảy múa ca hát như ai đó cho thuốc trường sinh bất tử. Nhiều đồng chí ôm hôn chú Chín thắm thiết, nước mắt tuôn tràn. Chú Năm Ðoàn nói:

- Tôi tin là anh phải lên với anh em!

Chú Chín Tần đáp:

- Lên chớ, sống chết phải lên với 1C!

Vắn tắt vậy thôi mà rộn rã vui mừng, các cô, các chú tìm ra cá, lươn, tìm mua được gạo và đường sữa cùng nhau liên hoan một bữa thật no nê. Mọi người nói:

- Từ nay tụi em hết sợ chết oan!

Có vài ý kiến nhắc thái độ quá khắt khe nguyên tắc khi nhận bệnh, chiến thương của thanh niên xung phong mà trạm xá 195 không mấy sốt sắng. Nhưng chú Năm Ðoàn lệnh cấm nhắc lại chuyện không hay đó.

4. Hai bạn chung Trường Tiền Phong: Trần Minh Hữu và Bùi Tấn Sĩ che chắn vách rừng, đốt cây đèn bão, cùng vẽ kiểu xây cất Trạm y tế dã chiến. Hai chú hoạch định trên sổ tay xong, treo võng ngủ lấy sức. Chú Năm Ðoàn hỏi:

- Bà chị Chín thế nào?

- Nay chắc hết rồi! Tôi về trễ vài ngày chắc bả chết. Hết tiền, hết gạo lúa, hết bà con… vì bệnh lâu có ai giúp mãi. Thật trời còn có mắt, tôi phải chèo về đúng lúc nhà không còn một nồi gạo! Còn chị Năm, bà Cúc của anh?

- Ðỡ hơn. Bả làm công tác xã đó, có tranh thủ làm vườn, nuôi heo gà, vịt được. Bả còn gởi ủy lạo tôi.

- Ðơn vị thanh niên xung phong mình ra sao?

- Có nghị quyết rút chị Út về Khu đoàn, chắc mấy anh Khu ủy đi ngang thấy chỉ yếu sức mà đói rách quá tội nghiệp, hướng đưa Hai Nô lên thay.

- Ơ, tôi biết. Có tìm gặp ổng đặng “đeo dè” lên đây, nhưng ổng sợ mình bám đuôi nặng, ổng từ chối! Giờ ổng đâu?

- Ðang ở bên Trạm 95 (tức bên K, bạn).

- Chỗ đó sướng hơn đây hả?

- Tất nhiên!

- Chị Út Nhì chừng nào về Khu đoàn?

- Bả còn lưu luyến mấy đứa nhỏ. Coi vậy xa chỗ này chị Út Nhì bả đâu có muốn. Bà đó cao quý tâm hồn lắm đó. Chỉ là người phụ nũ Việt Nam kiên cường. Nói ít, lắm khi không nói mà làm. Giờ trên “đổ xuống” một ông nói nhiều mà làm ít.

- Anh em thanh niên xung phong?

- Mấy đứa nhỏ “rêm”ổng lắm!

Khu rừng chìm vào sương mai. Mặt trời chói lọi trên ngọn tràm xanh thắm. Chú Năm Ðoàn gọi chú Sáu Thiện xem có khói bếp hay có khăn áo gì làm mục tiêu cho máy bay không. Xong, mấy chú uống trà. Chú Chín lấy mấy củ sâm Cao Ly trao cho chú Năm:

- Anh thủ phòng khi kiệt sức. Phần này chị Út Nhì, bả gầy quá.

Mấy cô chú trong tổ lao động bắt đầu đi vào sâu trong vạt tràm lớn tìm cây về làm cột chòi và làm trụ hầm chữ A cho bệnh  xá dã chiến Thanh niên xung phong 1C.

Ai đó, cất lên tiếng hát tươi vui lảnh lót bài “U minh vầy đoàn” của nhạc sĩ Trần Quang Ngọc: “U Minh ấy gió xuyên qua rừng cây…”. Tiếng hát trong rừng cây, ngợi ca rừng cây cao vút lên tận trời. Con đường 1C trải dài dưới nắng…

     (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết