26/03/2022 - 11:57

1C - con đường huyền thoại

Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi sáu

HỒNG LÁNG - NỮ THẦN

(Tiếp theo)

 

4.Hai cố vấn Mỹ lần đầu tiên nán lại nghỉ đêm ở một đồn biên giới. Họ trò chuyện nhau như hai chiến binh lần đầu mới gặp. Wilson:

- Ðây là lần thứ hai tôi tỏ rõ sự can đảm của “Người Mỹ thầm lặng”. “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con” - đó là câu nói của xứ Á Ðông mà tôi học được. Nhưng Philip Habib còn nhớ danh ngôn của W.Gớt “Mọi việc làm không có nguyên tắc đều dẫn đến đổ vỡ”. Ðó là tiền đề của chúng ta.

Philip Habib:

- Ngài Wilson làm tôi nhớ W.Durant, ông từng nói “Nếu người ta ném quá khứ qua cửa sổ, thì vật bị ném sẽ trở lại qua cửa lớn”. Nếu người Mỹ chúng ta “ném” quá nhiều tội ác xuống đất nước gầy gầy hình chữ “S” kiên cường này, thì tất cả hậu quả sẽ ném trở lại người Mỹ. Ðó là những việc có thể trông thấy bằng mắt thường. Ngay như cánh đồng Gộc Xây - Vĩnh Tế này. “Mấy tên Mỹ” như chúng ta vừa đến liền “ăn đạn”.

- Ðó là lời chào hào hiệp, đúng mốt giữa con người đối với con người trên hành tinh mà lẽ ra chúng ta đã “Giã từ vũ khí” từ lâu như nhà văn được giải Nobel - Hemingway đã viết… Những thanh niên xung phong ở cánh đồng chiến trận Gộc Xây của họ, không còn cách đón tiếp nào khác hơn là họ đã dành cho chúng ta một trận pháo kích kinh hồn mà với tôi và ngài trọn đời không dễ quên.

- Ngài Wilson, khi chúng ta ngồi giữa đồn Vĩnh Ðiều sau một trận thoát chết vì mấy trái pháo và mấy loạt đại liên 12 li 8, tôi chắc ngài cũng như tôi, ta lo âu về số phận của người Mỹ trong cuộc chiến tranh phi lý này.

- Ðúng như vậy, ngài có nhớ Mario Puzo với tác phẩm “Bố già”. Ðó là hình tượng rất Mỹ trong những năm nửa cuối thế kỷ hai mươi về sau. Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ nhận lấy bi kịch do một ông trùm là Vito Corleone, do căm thù nung nấu đã trở thành “ông trùm thế giới ngầm” với quyền lực và tiếng tăm lừng lẫy khắp châu Mỹ. Ông trùm là một biểu hiện sức mạnh của lớp người cần lao không lối thoát, khát khao quyền lực được cai trị, được trả thù, cầu mong sự ấm no đến giàu sang phú quý mà Thượng Ðế có thể cho con người được hưởng. Tiếc thay việc này nhà cầm quyền Mỹ hiện hữu không ban phát cho họ, nên họ phải tự làm lấy. Ðiều này tạo nên một cuộc sống phức tạp rất Mỹ, và xã hội Mỹ từng dung chứa mà ta nghe thấy. “Bố già” thấm nhuần tính nhân bản, nhân hậu và sự khôn ngoan cần mẫn của mỗi con người, được Mario Puzo thể hiện tập trung ở nhân vật Corleone và con trai của ông - Micheal Corleone.

- Tôi hoàn toàn đồng cảm với ngài về ví dụ trên. Người Mỹ chúng ta cần nhận diện lại quá khứ đầy bi thương của đồng loại mà mình là kẻ chủ mưu. Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ phải tìm một hướng đi khác phù hợp với hướng đi chung của nhân loại để chúng ta có thể tự hào về mình, hướng vọng cho cuộc sống tốt đẹp - chớ không phải dùng vũ khí để chinh phục con người và chiếm lĩnh đất đai của người khác. Những chiến sĩ quân Bắc Việt mà ta từng chạm trán khốc liệt ở Ðắc Tô vào ngày 23-11-1967 - ở những ngọn đồi mang số 1388, 875 - nơi Lữ đoàn dù 173 Mỹ đã biến thành xác chết không nguyên vẹn. Cũng như cánh đồng Gộc Xây này, những ngọn đồi mang số nói trên qua trận đánh giữa quân Mỹ và quân Bắc Việt khốc liệt đến nỗi chẳng còn thấy ai cả. Khi quân Bắc Việt rút đi họ đem theo xác chết cuối cùng của đồng đội. Phía Mỹ còn lại 280 xác chết… hoặc nhiều hơn nữa mà vị tướng chỉ huy không thể đếm xiết, ông ta không thể báo cáo là sĩ quan dưới quyền và lính của ông chết bao nhiêu.

- Xác chết lính Mỹ, đó là những chàng trai có văn hóa được đào tạo từ những trường đại học Hoa Kỳ, đã chết bởi những bước đi sai lầm của chúng ta. Trở lại ý tưởng của nhà văn Mario Puzo. Những chiến sĩ thanh niên xung phong trên cánh đồng Gộc Xây loang lổ chiến tranh, họ đang trở thành những ông trùm lợi hại, mưu cầu sự kết liễu số phận người Mỹ tại đất nước Việt Nam thân yêu của họ. Từ Ðắc Tô với những ngọn đồi mang số… đến hai bờ Vĩnh Tế - Gộc Xây đều nằm trong chủ đề mà nhà văn khái quát trong tác phẩm của mình…

- Cũng như ngài, tôi thực sự đã hai lần “vào hang cọp”, thiếu điều mất thở mà vẫn chưa “bắt được cọp con”. Lần thứ nhất đó là lần tôi cùng một cố vấn Mỹ ngành cảnh sát tên là Laurens đến chất vấn trung tướng Mai Hữu Xuân - Ðô trưởng Sài Gòn, sau vụ Diệm - Nhu bị giết ngày 2-11-1963 lúc đảo chính. Thấy Laurens lên mặt dạy khôn mình, Mai Hữu Xuân bực tức mắng vãi. “Tôi cho ông biết tôi phụ trách ngành này có cả chục năm rồi. Từng nắm nhiều chức vụ quan trọng từ thời Pháp tới bây giờ. Ông còn ít tuổi, chưa đủ khả năng với kinh nghiệm chỉ dạy tôi đâu, các ông không đủ khả năng để bảo vệ Tổng thống Kennedy, để ông ấy bị ám sát chết vừa rồi đó… Mời ông ra khỏi văn phòng tôi!”

- Thế là ngài cùng bị đuổi?

- Ðúng vậy, cả hai phải tiu nghỉu lui ra chớ còn nói gì nữa giờ, lui ra mà thấy nhục. Nỗi nhục này đối với tôi là một “kỷ niệm” khó quên.

- Theo ngài thì bấy giờ ai hạ sát Diệm - Nhu?

- Chúng tôi nghi ông Xuân đã hạ sát Diệm - Nhu, vì sáng ngày 2-11-1963 chính ông Xuân cùng một số vệ sĩ đi rước Diệm - Nhu. Nhưng ông không giết, mặc dù ông lên án Diệm - Nhu đàn áp phong trào Phật giáo là tàn ác, vô nhân đạo. Ông Xuân nói sáng đó Dương Văn Minh lệnh cho các sĩ quan đến nhà thờ Cha Tam có dân chúng bao quanh, Xuân bước vào gặp ông Diệm đi ra, bận bộ đồ xám. Ông Xuân không muốn đưa tay chào, ông giấu bộ mặt mình với Diệm. Ông Diệm nói: “Cho tôi ghé qua dinh Gia Long đặng tôi lấy ít tài liệu giấy tờ, đồ cần thiết”. Xuân đáp: - “Dạ tôi biết. Nhưng tôi được lệnh đưa thẳng hai ông về Bộ Tổng tham mưu”.

- Rồi sau đó thế nào?

- Trước khi ra xe, ông Xuân yêu cầu Diệm giao lại cặp hồ sơ Diệm đang cầm trên tay. Ông Diệm đưa ngay, không nói gì. Diệm - Nhu theo Xuân ra cổng nhà thờ. Xuân mời hai ông lên chiếc thiết vận xa M113 đậu sẵn. Ông Diệm cũng không nói gì, còn Nhu bực tức hỏi: “Không có xe nào khác mà phải đi xe này?”, Xuân trả lời: “Thưa ông, dân chúng đang nổi giận tìm giết hai ông, nên Hội đồng tướng lĩnh cho xe này đi để bảo vệ!”.

- Rồi sau đó thế nào?

- Sau đó Nhu cúi đầu chui vào xe theo Diệm. Ðao phủ Nguyễn Văn Nhung đang ôm súng ngồi chờ. Nhung là đại úy cận vệ của tướng Dương Văn Minh.

- Tôi nhớ rồi, Nguyễn Văn Nhung là tay sát thủ có cỡ, lúc Ba Cục - tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh, bị Diệm xử tử ở Cần Thơ, Nhung lấy xác Ba Cục chặt từng khúc, thả nhiều nơi, để tín đồ của ông Vinh không tìm đủ xác ráp lại xây mộ thờ cúng. Thời Pháp, Nhung đi lính Commando, hạ sát cỡ 40 người, mỗi lần giết một người, Nhung khắc vào cán dao găm một cái dấu. Hôm chở Diệm - Nhu trên chiếc thiết xa M113 qua cổng xe lửa - Hồng Thập Tự, cổng đóng chờ tàu qua nên xe phải chờ lâu, lúc xe lửa chạy tới, cả đoàn xe lửa nghe tiếng súng nổ thành tràng dội lại từ cỗ xe định mệnh của Diệm - Nhu. Nhung đã hạ sát hai anh em nhà họ Ngô. Họ thọ hình ở đó - chỗ cổng xe lửa qua đường Hồng Thập Tự...

- Ngài nhớ rất hay, nhất là về lai lịch tên Nhung sát thủ. Ngay tối hôm ấy, Nhung theo ông Minh đến nhà Lê Văn Kim - em rể Trần Văn Ðôn, móc con dao găm trong người ra khắc thêm hai gạch và khoe với đám trẻ: “Ðây là con dao găm lịch sử”.

- Theo tôi biết, Nhung chấm dứt giết người khi Nguyễn Khánh mở cuộc “chỉnh lý” bắt Nhung đem giam và bức tử, bắt Nhung phải treo cổ mà chết.

- Như chuyện ngài đã biết, sau đó tôi cùng Laurens phải vào bệnh viện Saint Paul ngày 3-11 để giám sát việc tẩn liệm xác Diệm - Nhu vì phong trào sinh viên và nhân dân Sài Gòn đòi băm thây xé xác hai ông để trả thù.

- Còn vụ Ngô Ðình Cẩn thế nào?

- Bấy giờ tôi đã cho thu xếp ra nước ngoài. Nhưng theo ý Cẩn, tôi phải nhờ tướng Ðỗ Cao Trí đưa Cẩn đến nhà dòng Chúa Cứu Thế, rồi xin tị nạn tại Tòa lãnh sự Mỹ. Ðó, hang cọp tràn tới đó. Dân chúng Sài Gòn biết tin Cẩn vào tòa Tổng lãnh sự Mỹ, họ kéo ùn ùn tới bao vây Tổng lãnh sự. Không cách nào thoát nạn, ông Cabot Lodge mới điện cho ông Ðôn “Tôi không thể giữ ông Cẩn với tư cách tị nạn chính trị. Tôi phải giao trả Ngô Ðình Cẩn lại cho Chánh phủ Nam Việt. Nhưng tôi cần Trung tướng bảo đảm sinh mạng cho ông Ngô Ðình Cẩn”. Ông Ðôn nói chắc nịch “Tôi cam đoan”.

- Rồi sau đó thế nào?

- Ngô Ðình Cẩn bị đưa ra pháp trường xử bắn. Bản án tử hình được tuyên sau khi Cẩn từ chối giao 6 triệu đô la tại ngân hàng Thụy Sĩ để đổi lấy chuyến bay Dakota sang Singapore. Hung thần miền Trung đã chết!

     (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết