26/01/2022 - 21:49

1C - con đường huyền thoại

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương mười hai

ÔNG GIÀ CHÍN ĐƯỢC GIẢI THOÁT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

5. Trong một sam lính, như thường nhật, ánh điện lờ mờ, loại điện được vận hành bằng máy nổ, không đủ sáng để nhìn rõ chi tiết trên khuôn mặt từng người. Những tên lính mặc đồ rằn ri tiến về phía ông Chín. Hai tên lính vừa tháo dây vừa quát thị oai.

- Ông sướng rồi nhé, được Thiếu tá cưng chìu cho vô nhà ngủ, ngày mai ông có ra đi cũng nên nhớ cầu phước cho ngài Thiếu tá đã ban ân cho ông trước phút lâm chung.

Ông Chín ngạc nhiên vì hai người mang súng đưa ông đi đến “phòng khách” là chiến sĩ của Ðoàn 195, tên lính còn lại nói rất khẽ đủ để ông Chín nghe:

- “Giải thoát” chú! Bằng mọi giá, thoát!

Tên Hứa thấy “mấy tên lính của mình” ba hoa, nên quát:

- Thôi, nhanh lên, trời tối rồi!

Hai tên lính - người của ta, “dạ” một tiếng rõ to.

Cao hứng bên “người vợ mới” trẻ đẹp, Hứa mở tiệc rượu chiêu đãi, rước ca sĩ Sài Gòn xuống hát. Kế hoạch này hắn đã tính từ sớm để chúc mừng thắng lợi việc bắt ông già Chín.

*

*                  *

Bấy giờ, một “Trung úy thủy quân lục chiến” lại nói nhỏ với ông già Chín: “Cháu đưa chú đi tạt ra ngoài thay quần áo Thủy quân lục chiến”. Ông Chín nhìn viên Trung úy ngạc nhiên: “Ủa, chú Tám hả?”. Viên Trung úy khoát tay: “Chú Chín yên chí. Anh em ta tiếp cận hết rồi!”. Ông già Chín thay trang phục xong khiến ông trẻ hơn, khác hẳn người chủ ghe bán khoai bán khóm nghèo nàn, càng không còn một chút dấu vết nào ông là người tù của tên Hứa ác ôn, người bị Hứa ghịt vào cột cờ cho muỗi cắn đến chết, nếu không khai báo…

Như vậy, từ 5 phút sau khi có lệnh Ðại úy Hứa bảo đưa ông Chín vào “phòng khách” thì một người khác tương tự ông Chín vào đó (nơi biệt giam ông Chín) còn ông Chín thì trở thành sĩ quan thủy quân lục chiến, mắt mang kính đen, đường hoàng từ sân đồn Tắc Thủ đi ra lộ, lên xe zeep chạy về thị trấn Quản Long và sau đó qua cầu Gành Hào đi về hướng Năm Căn, biến mất ở đoạn lộ Cái Rắn. Chiếc xe zeep, nội tuyến ta lái về hoàn trả lại đúng chỗ của nó.

6. Mọi việc xảy ra như có phép màu, khi Ðại úy Hứa mắc tiếp khách Sài Gòn và các vũ nữ xinh đẹp - có cả vũ nữ Cẩm Nhung khi chị chưa bị đánh ghen tạt axít vào mặt (sau này vũ nữ Cẩm Nhung bị mù mắt, đi ăn xin).

Rượu có thuốc an thần, các mỹ nữ chuốc rượu tới tấp cho Hứa. Một “sĩ quan thủy quân lục chiến” cấp Thiếu tá đến bắt tay Hứa, đó là đồng chí Ðại úy Năm Thái của ta, chiến sĩ Mùa Thu (hồi kết) về, đến theo lời giới thiệu của các vũ nữ:

- Ðại úy Ðồn trưởng. Tôi xin trân trọng giới thiệu, cuộc vui hôm nay có Thiếu tá Ðặng Văn Quân, em chú bác của tướng Ðặng Văn Quang, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, Tư lệnh Quân đoàn 4 Cần Thơ, nghe chị em chúng tôi đi Cà Mau - An Xuyên du lịch, Thiếu tá Quân cùng tháp tùng đi để đựơc vinh hạnh bảo vệ chúng tôi.

Tiếng vỗ tay rôm rốp. Họ lấy rượu làm nư, ôm hôn nhau túi bụi. Ngay cô gái xinh đẹp (đóng vai vợ chưa cưới của Hứa) cũng bị ôm hôn túi bụi. Không sao - cô nghĩ, miễn hoàn thành nhiệm vụ, giải thoát được ông già Chín.

Cuối cùng, Hứa say mèm. Bọn tay em của Hứa, được các vũ nữ và ca sĩ mời đến cũng say mèm. Chúng gật gù nghe các nghệ sĩ do ta huy động đến ca bài “Ðường lên sơn cước” với nhịp bước, tay múa tuyệt vời.

“Ðường lên núi rừng, ôi hãi hùng trong gió lộng, trong lá động cành muôn bóng thê lương.Bao la trời mây. Cao nguyên là đây! Nương theo cánh gió có đàn chim bay… Ra đi vì ai? Chia ly vì ai? Xa xôi còn nhớ bao ngày.

Chiều nay hướng về mái tóc huyền, đôi mắt đẹp, đôi mắt đẹp làm xao xuyến tim tôi. Mây bay về đâu, chim bay về đâu cho ta xin nhắn tới nàng đôi câu”.

Hứa bí tỉ, bò tới bò lui ôm chân các vũ nữ hun hít chân cẳng, giầy vớ của họ.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết