16/10/2015 - 20:15

“Whiplash” – Cái giá của sự hoàn hảo

"Whiplash"- phim độc lập kinh phí thấp của đạo diễn Damien Chazelle- là câu chuyện khắc nghiệt về sự hoàn hảo trong nghệ thuật, để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Phim từng đoạt giải thưởng của khán giả lẫn giám khảo tại Liên hoan phim độc lập Sundance năm 2014 và 2 giải Oscar 2015 "Dựng phim xuất sắc nhất" và "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" cho diễn viên J.K. Simmons.
Phim phát sóng lúc 20 giờ thứ bảy, ngày 17-10-2015 trên kênh Star Movie.

Mở đầu bằng nhịp trống và kết thúc cũng là giai điệu và tiết tấu của trống, "Whiplash" dẫn dắt người xem bước vào hành trình vượt qua giới hạn bản thân, vươn đến sự hoàn hảo của Andrew Neyman- chàng sinh viên chơi trống nhạc jazz. Là sinh viên năm nhất của Nhạc viện Shaffer, Andrew chăm chỉ tập luyện với ước mơ sẽ trở thành một tay trống vĩ đại, sánh ngang với huyền thoại Buddy Rich. Cậu lọt vào mắt xanh của thầy giáo khét tiếng Terrence Fletcher và được thầy chọn vào ban nhạc danh tiếng của trường. Những tưởng đây là cơ hội để tỏa sáng nhưng dưới sự dạy dỗ khắc nghiệt và đòi hỏi cao của thầy giáo khó tính, Andrew chịu nhiều áp lực, cay đắng. Để đạt đến sự hoàn hảo, cậu đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu… Dù biết rằng đường đến vinh quang phải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng câu chuyện và cách kể của đạo diễn Damien Chazelle quá sức tưởng tượng của người xem, để lại nhiều ám ảnh và suy ngẫm.

Andrew tập luyện dưới sự hướng dẫn của thầy Terrence.

Trước hết, đó là cách xây dựng nhân vật "dị biệt". Khó tìm thấy thầy giáo nào độc đoán như Terrence Fletcher trong phim. Terrence phát hiện và đào tạo nhiều tài năng nhưng cũng chính ông sẵn sàng lăng nhục, đánh đập và đuổi thẳng những ai chơi nhạc không đúng ý ông. Tất cả chỉ với một mục đích duy nhất: thúc đẩy các học trò cố gắng hơn nữa để đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối. Chàng trai trẻ Andrew cũng khiến người xem vừa thương, vừa giận khi cậu bất chấp tất cả để cố gắng đạt được yêu cầu của thầy. Cậu tập luyện xuyên suốt đến nỗi tay chảy máu vẫn không ngừng lại; chia tay với bạn gái để dành thời gian cho đam mê nghệ thuật; thậm chí dám đánh đổi cả sinh mạng để giữ được vị trí chơi chính trong ban nhạc…

Trong một chừng mực nào đó, người xem khó đồng cảm với hành động của 2 nhân vật này bởi quá cực đoan và khắc nghiệt. Tuy nhiên, chính sự cực đoan và khắc nghiệt ấy đã đẩy con người vượt qua giới hạn của bản thân để đạt đến sự hoàn hảo. Những lần Andrew biểu diễn thành công và nụ cười hài lòng trên gương mặt khó tính của thầy Terrence cũng là những giây phút thăng hoa cảm xúc đối với người xem.

Nếu dừng lại như thế thì "Whiplash" cũng chỉ là một bộ phim xem được. Điều khiến phim tạo được ấn tượng mạnh với khán giả chính là lật được mặt trái của vấn đề. Sự hà khắc quá mức của thầy Terrence đã không ít lần phản tác dụng khi nhiều sinh viên rơi vào trầm cảm hoặc chuyển học ngành khác. Và Andrew, khi vượt quá giới hạn chịu đựng, đã cãi nhau và nổi điên với thầy. Đây cũng là bước ngoặt khiến hai thầy trò rời nhạc viện, rẽ sang một hướng đi mới. Thế nhưng, trong một cuộc gặp tình cờ, ngọn lửa đam mê nghệ thuật một lần nữa kết nối hai người với nhau, dẫn họ đi tới vinh quang… Đỉnh điểm chính là màn trình diễn ngoạn mục của Andrew trên sân khấu rực rỡ ở cuối phim. Đặc biệt là màn solo trống dài 9 phút với tiết tấu, giai điệu đầy bi hùng của chàng trai trẻ khiến bộ phim khép lại trong sự vỡ òa của cảm xúc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết