25/04/2017 - 08:42

“Trường đại học Genk”- Nơi ươm mầm tài năng bóng đá Bỉ

Dù sản sinh và bán đi những tài năng lớn của bóng đá Bỉ như Kevin De Bruyne, Thibaut Courtois, Yannick Carrasco và Divock Origi, nhưng đội bóng được mệnh danh là "Trường đại học Genk" vẫn duy trì khả năng cạnh tranh trên đấu trường châu Âu.

 4 tuyển thủ Bỉ từng tốt nghiệp “Trường đại học Genk” (khoanh tròn). Ảnh: Goal

Bằng chứng là mùa giải này Genk vào đến tứ kết Europa League (thua sát nút 2-3 trước Celta Vigo ở lượt đi hôm 13-4) dù hồi tháng 1, họ đã bán đi 2 "sao mai" Leon Bailey (19 tuổi) và Wilfred Ndidi (20 tuổi) lần lượt cho Bayer Leverkusen và Leicester City, với tổng chi phí chuyển nhượng 26,5 triệu bảng. Đặc biệt, đây là bản hợp đồng lớn nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông của giải Bundesliga và lớn thứ 3 tại giải Ngoại hạng Anh (EPL).

Giám đốc điều hành Genk- Patrick Janssens thừa nhận CLB buộc phải bán lứa cầu thủ tài năng, nhưng sẽ không ngừng cho ra lò những cầu thủ đẳng cấp. "Liệu chúng tôi đang tự coi mình là CLB chuyên bán cầu thủ hay không? Đây không phải là tham vọng của chúng tôi, nhưng lại là sự thật. Chúng tôi xem mình như trường đại học bóng đá- một CLB sản sinh những cầu thủ chất lượng"- Janssens giãi bày.

Genk sở hữu một trung tâm đào tạo rất tốt. Các cầu thủ trẻ tại đây được đào tạo thiên về kỹ thuật, chứ không dựa trên sức mạnh. Theo Janssens, chương trình huấn luyện chú trọng vào kỹ năng chơi bóng, sự thông minh và thái độ tấn công tích cực. Phần lớn những cầu thủ từng có thành tích nổi bật của Genk đều là người Bỉ, nhưng CLB lại đang thành công trong việc tìm và mang "ngọc thô" từ nước ngoài về để giũa thành "ngọc sáng". Đó là trường hợp Kalidou Koulibaly gia nhập Genk năm 2012 và nay thuộc biên chế CLB Ý Napoli. Trung vệ thép này từng là mục tiêu giành giật quyết liệt giữa Chelsea và Manchester United. Trong khi đó, tiền vệ phòng ngự Ndidi được đưa sang Bỉ sau khi tuyển trạch viên Roland Janssen phát hiện tài năng của anh tại quê nhà Nigeria. Từ bệ phóng Genk, Ndidi đã nhanh chóng thích nghi với môi trường khắc nghiệt ở EPL và cả đấu trường Champions League trong màu áo Leicester.

Việc Genk từng loại Tottenham trước khi dừng bước tại vòng 16 đội và Anderlecht vừa thủ hòa 1-1 với Manchester United ở tứ kết Europa League cho thấy các CLB Bỉ đang hái "trái ngọt" từ thế hệ vàng của họ. Tuy nhiên, về mặt tài chính, giải quốc nội của Bỉ vẫn chưa thể sánh bằng 5 giải hàng đầu châu Âu, đơn giản vì các CLB Bỉ thường sử dụng trận đấu để giúp đỡ các cộng đồng địa phương hơn là tìm kiếm các hợp đồng truyền hình lớn từ nước ngoài.

Thế nên, trong khi Manchester United đạt doanh thu kỷ lục hơn 500 triệu bảng hồi tháng 9-2016, thì Genk chỉ như một tổ chức hoạt động không tìm kiếm lợi nhuận. Genk không phải là đội bóng mà ai cũng có thể mua hoặc bán. Patrick Janssens giải thích: "Chúng tôi đang bơi ngược dòng ở thời đại mà phần lớn các đội bóng đều đang trở thành công ty. Genk khởi đầu là một CLB với tham vọng vì cộng đồng".

BÌNH DƯƠNG (Theo ESPN, Goal)

Chia sẻ bài viết