20/03/2009 - 19:58

“Thạc sĩ cá hô”

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh giới thiệu những dụng cụ anh cùng các cộng sự tự chế để phục vụ công tác nghiên cứu.

Ở ĐBSCL, rất nhiều bậc đàn anh trong giới khoa học từng nghiên cứu về con cá hô, nhưng có lẽ Thi Thanh Vinh là một trong những người đầu tiên làm hẳn một đề tài nghiên cứu thạc sĩ về cá hô- một loài cá quý hiếm của dòng Mekong và có tên trong sách đỏ của Việt Nam. Vinh hiện công tác tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

* Tình yêu loài cá

Vinh năm nay 39 tuổi, quê ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) nhưng lại chọn tỉnh Tiền Giang lập nghiệp. Dáng anh gầy, nước da ngăm đen, nên ai gặp anh lần đầu cũng nghĩ đây là chàng nông dân miệt đồng thứ thiệt. Ít ai biết, anh là một thạc sĩ, có bề dày 18 năm gắn bó với các loài cá nước ngọt ở ĐBSCL. Hiện Vinh là chủ nhiệm đề tài nhanh: Bảo tồn, lưu giữ nguồn gien và giống thủy sản nước ngọt.

“Tôi tốt nghiệp phổ thông rồi theo học Trung cấp thủy sản ở Bến Tre. Năm 1991, tốt nghiệp trung cấp tôi xin vào làm tại trung tâm. Mới chân ướt chân ráo ra trường, đi làm khá bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự dìu dắt của những người đi trước, tôi từng bước trưởng thành trong công việc” - Vinh kể. Vừa lo chuyện cơ quan, Vinh vừa tranh thủ học tiếp lên hệ đại học và đến năm 1997, anh tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang. Đến tháng 6-2008, Vinh bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ với đề tài “Một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm nghiên cứu sinh sản cá hô”. Vinh khiêm tốn: “Tôi là người đi sau, chỉ làm sáng tỏ thêm chút ít về con cá hô mà thôi”. Nhưng có trực tiếp “chém vè” cùng anh và các cộng sự để chứng kiến việc chăm sóc những chú cá hô mới thấy hết tình yêu mà các anh dành cho loài cá quý.

Chưa hết, gần chục năm nay, Vinh còn cùng các cộng sự ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ miệt mài với dự án bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt ĐBSCL. Không đơn giản chỉ bảo tồn, mà có những loại cá cứ ngỡ chỉ còn tồn tại trong sách đỏ, nhưng nhờ nguồn gien được bảo tồn nên giờ được di truyền lai tạo và chuyển giao cho người dân nuôi thành cá thương phẩm. Dự án này bắt đầu từ năm 1993, khi Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giao phó cho trung tâm nhiệm vụ bảo tồn các loài cá nước ngọt. Vinh gắn bó luôn với dự án từ đó. Việc tìm kiếm, lai tạo và thuần chủng các loài cá quý dù có nhiều khó khăn và thất bại, nhưng Vinh cùng các đồng sự không bao giờ nản lòng, bởi việc bảo tồn cá không chỉ là niềm đam mê mà đã trở thành một phần cuộc sống của anh.

Sau khi dẫn tôi rảo một vòng trung tâm, Thi Thanh Vinh đưa tôi và anh bạn đồng nghiệp vào một căn phòng nhỏ nằm gần khu hành chính, chưa tới 40m2 với một hàng kệ đặt các bình thủy tinh trong suốt, bên trong đựng đủ thứ cá, có loại cá quen thuộc ở miệt đồng bằng như cá lóc, cá tra, cá ba sa, cũng có loại, tôi (và có lẽ rất nhiều người khác) chưa bao giờ được thấy. Đó là những mẫu cá hiện vật phục vụ cho việc bảo tồn và di truyền gien, lai tạo nòi giống các loại cá như cá tra, ba sa, cá lóc, mè vinh... Trung tâm không chỉ có cá hiện vật mà còn lưu giữ gien của 30 loài cá nước ngọt ĐBSCL, trong đó nhiều loại cá có tên trong sách đỏ Việt Nam hoặc thế giới. Mỗi con cá đưa về trung tâm đều được lập hồ sơ lý lịch và lưu trữ cẩn thận, đó là những dữ liệu phục vụ nghiên cứu lâu dài.

* Bảo tồn và phát triển

Một con cá hô nuôi ở trung tâm.

Trong câu chuyện, khi tôi nhắc đến con cá hô, Vinh cho biết đây là loài cá thuộc họ với cá chép nhưng to hơn. Con cá hô 5-6 tuổi mới trưởng thành và nặng bình quân gần 10kg, ở môi trường tự nhiên, con cá nặng 20kg trở lên là bình thường. Ngày trước, cư dân sống ở thượng nguồn hệ thống sông Mekong thường giăng lưới bắt cá hô; muốn bắt được cá, mắt lưới phải rộng đến một tấc và chắc chắn, nếu không, con cá khỏe sẽ vùng vẫy, làm rách hết lưới. “Nhiều năm nay, không còn ai hành nghề đánh bắt cá hô nữa, gần 10 năm qua, loài cá này gần như biến mất, thỉnh thoảng mới có người bắt được một con, nhưng trọng lượng không đáng kể” - Vinh cho biết.

“Cuộc chiến” bảo vệ con cá hô khỏi nguy cơ tuyệt chủng gồm nhiều công đoạn: sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá trước khi thả về môi trường tự nhiên. Nhóm thực hiện chương trình của thạc sĩ Vinh chỉ gồm có 6 người phải thực hiện tất cả các khâu. Vinh tâm sự: “Khó nhất vẫn là việc sưu tầm con cá hô. Để có được một con cá, anh em ở trung tâm chia nhau đi khắp các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL tìm kiếm, trong đó địa bàn chủ yếu là An Giang, Đồng Tháp. Chưa hết, Vinh và đồng nghiệp phải thường xuyên liên hệ với nông dân, thương lái... bất kỳ ai có cá hoặc có thông tin về cá hô. Khi biết được thông tin có hộ dân nào đang nuôi cá, cả nhóm phải tìm đến nhà để “đặt hàng” trước khi thương lái kịp tìm đến, nếu chậm chân thì con cá sẽ bị bán mất. Khó nhất vẫn là việc thuyết phục người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn loài cá này. Vì là loài cá có giá trị cao nên hầu hết nhiều người đều không muốn bán ngay, nhiều hộ dân còn tưởng những cán bộ nghiên cứu như Vinh là thương lái “giả danh” để mua cá quý giá rẻ.

Trong vòng 3 năm, Vinh cùng các đồng nghiệp trong nhóm đã sưu tầm được 40 con cá hô. Đó là một kỳ tích. Từ 40 con cá ban đầu, nhóm của anh đã lai tạo thành công thế hệ cá hô đầu tiên. Dự tính cuối năm nay, những con cá hô đầu tiên sẽ được thả tại Búng (hồ) Bình Thiên của huyện An Phú (An Giang) gần thượng nguồn Mekong. Không chỉ có vậy, trung tâm còn lai tạo gần 10 ngàn con cá hô bột. Trước đó (năm 2008), trung tâm đã chính thức cung cấp đại trà cá giống cho người dân có nhu cầu. Quy cách cá giống là mỗi con trên dưới 5g và có lòng 1 phân (chiều cao của cá đo ở bụng) với giá dao động từ 5 - 7 ngàn đồng/con. Còn cá hô khi hộ dân nuôi và bán thương phẩm dao động từ 150 ngàn đồng -180 ngàn đồng/kg, nhưng muốn mua cũng không dễ, vì lượng cung không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo thạc sĩ Vinh, hiện nay ở An Giang một công ty đã làm cầu nối lấy con giống từ trung tâm rồi cung ứng cho một số hộ dân nuôi công nghiệp. Ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã có 2 hộ dân tự liên hệ với trung tâm mua gần 20 ngàn con cá giống về nuôi theo dạng lồng bè và ao. Cá hô nuôi 3 năm có thể đạt 5-6kg, 5 -7 năm cá nặng từ 20-25kg/con.

Khi việc bảo tồn cá hô chưa kết thúc, nhóm củaVinh tiếp tục dự án với cá vồ cờ và trà sóc (những loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao). Vinh cho biết: “Việc bảo tồn gien cá là việc lâu dài, các loại cá tại ĐBSCL phải được thu thập và bảo quản nghiên cứu phục vụ sản xuất hoặc bảo tồn. Với chúng tôi, công việc ấy không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm đam mê”. “Cứ mải mê đuổi theo mấy con cá hoài, có khi nào bỏ bê gia đình không?” - tôi hỏi vui. “Cũng phải tranh thủ thôi - Vinh bày tỏ- Bà xã là dân gốc Cái Bè, nhà ở sát trung tâm nên chia sẻ và thông cảm cho công việc đi liên tục cả tháng trời của tôi. Hồi yêu nhau và đến khi cưới (năm 2001 -PV) và nay có với nhau 2 mặt con, chưa việc làm nào của tôi bị vợ phàn nàn cả. Với lại bà xã là thợ may rồi buôn bán nhỏ nên có nhiều thời gian lo cho con cái. Nhờ vậy tôi có thời gian tập trung cho công việc”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết