14/06/2013 - 14:22

“Tăng huyết áp – Căn bệnh không thể xem thường”

Trong Chương trình Thầy thuốc gia đình, do Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long phối hợp với VTVCần Thơ 2 phát sóng vào 20 giờ Chủ nhật 26-5-2013, có những câu hỏi chưa được 2 diễn giả là BS. CKI. Nguyễn Hữu Trâm Em, Chuyên Khoa Tim Mạch, PGĐ Chuyên môn – BV Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn và BS. CKI. Trần Thị Mỹ Phượng, Phó trưởng Khoa khám bệnh – BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long, trả lời trực tiếp. Chuyên trang Sức khỏe của Báo Cần Thơ xin giới thiệu những câu hỏi điển hình.

Dương Công, H. Châu Thành, Sóc Trăng, SĐT: 01887.672.663

Hỏi: Xin hỏi vì sao mỗi lần tôi thay đổi tư thế, từ nằm chuyển sang ngồi và ngược lại thì chóng mặt rất nhiều, có phải tôi bị tăng huyết áp hay không?

Trả lời: Chóng mặt khi thay đổi tư thế có thể là do tụt huyết áp tư thế. Muốn biết có tăng huyết áp hay không thì phải đo huyết áp.

Nguyễn Phước Liễng, Q. Cái Răng, TPCT, SĐT: 0909.070.753

Hỏi: Bệnh huyết áp có cách nào phòng ngừa và điều trị tận gốc hay không?

Trả lời: Phải phòng ngừa tăng huyết áp bằng cách: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia, giảm cân nếu thừa cân, điều trị đái tháo đường và rối  loạn lipid máu nếu có, tập thể dục mỗi ngày và nên có một cuộc sống vui tươi. Bệnh tăng huyết áp là bệnh mãn tính, người bệnh phải phối hợp tốt với bác sĩ để điều trị lâu dài.

Đường Thị Hồng Cúc, Q. Cái Răng, TPCT, SĐT: 0120.286.2389

Hỏi: Dùng Amlo 5mg thường xuyên thì có tác dụng phụ, gây hại cho thận?

Trả lời:  Dùng Amlor 5mg có thể gây tác dụng phụ là phù chân. Nhóm thuốc này được chứng minh là an toàn cho thận.

Lê Thị Kim Như, H. Châu Thành, Kiên Giang, SĐT: 0947.722.661

Hỏi: Chồng tôi 43 tuổi, thường hay đau đầu mỗi khi ra nắng và đau vai nữa. Xin hỏi có phải đó là bệnh liên quan đến huyết áp, làm sao để khắc phục?

Trả lời: Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân (tăng huyết áp, căng thẳng, viêm xoang, bệnh lý thần kinh). Chồng chị nên đến bệnh viện để xác định bệnh, điều trị nguyên nhân tích cực thì mới có thể khắc phục.

Đặng Văn Tấn 50 tuổi, H. Thoại Sơn,  SĐT: 0939.971930

Hỏi: Tôi bị hở van tim 3 lá và cao huyết áp, uống các loại thuốc điều trị 2 loại bệnh này, có tác động với nhau?

Trả lời: Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ làm suy tim, lúc đó mức độ hở van tim sẽ nặng hơn. Hở van ba lá thường liên quan với bệnh phổi hoặc suy tim có tăng áp phổi. Chú nên khám BS tim mạch, để được chỉ định thuốc phù hợp !

Hà Thị Huệ, 44 tuổi, H. Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, SĐT: 01869.701.194

Hỏi: Tôi bị cao huyết áp đã 3 năm, đo từ 180-200 mmHg . Bác sĩ cho uống Amlor  1 viên/ngày, uống liên tục đã 3 năm, như vậy có ảnh hưởng gì?

Trả lời: Mức huyết áp của chị khi đo từ 180 đến 200 mmHg là rất cao, việc sử dụng 1 viên Amlor mỗi ngày có thể chưa đủ, chị cần đo huyết áp ngày 3 lần với máy đo điện tử. Hai loại máy đo huyết áp có băng quấn cánh tay sử dụng tốt là OMRON và MICROLIFE, hiện có bán ở các cửa hàng dụng cụ y tế. Chị cần đến khám tại bác sĩ chuyên khoa  Tim mạch để được điều chỉnh huyết áp tốt hơn (<140/90 mmHg) nhằm  ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Nguyễn Thành Vũ, H. Ô Môn, TPCT, SĐT: 0168987.0099

Hỏi: Bệnh tăng huyết áp có triệu chứng ban đầu thế nào? Tôi phải phòng trị ra sao, bao lâu khám định kỳ 1 lần?

Trả lời: Các dấu hiệu gợi ý của tăng huyết áp: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mệt hồi hộp… Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì dù cao huyết áp. Có khi triệu chứng đầu tiên là liệt nửa người do nhũn não, xuất huyết não hoặc hôn mê, tử vong. Do đó bệnh này được mệnh danh là “Kẻ giết người thầm lặng”. Việc xác định chắc chắn nhất là đo huyết áp. Khám sức khỏe định kỳ hàng 6 tháng, khi có bệnh lý như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

Huỳnh Thanh Lễ, H. Kế Sách, Sóc Trăng, SĐT: 01659801221

Hỏi: Vì sao bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật?

Trả lời: Việc ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng có nguy cơ rối loạn lipid máu, dẫn đến xơ vữa mạch máu. Bệnh xơ vữa động mạch sẽ gây ra những biến cố tim mạch: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, phình bóc tách động mạch chủ. Quá trình xơ vữa động mạch cũng diễn ra âm thầm và nguy hiểm không kém gì tăng huyết áp.

Võ Văn Hải, ấp H. Trà Ôn, Vĩnh Long, SĐT: 016555.28366

Hỏi: Xin BS hướng dẫn cách chọn mua máy đo huyết áp và cách sử dụng?

Trả lời: Khi mua máy đo huyết áp nên chọn thương hiệu có uy tín và loại có băng quấn cánh tay. Cách đo huyết áp đúng: nên nằm, có thể ngồi với ghế có tựa lưng, tay để ngang tim. Vị trí băng vải quấn 2/3 chiều dài cánh tay, quấn không quá chặt cũng không quá lỏng. Lưu ý: đo 2 lần trong ngày: sáng trước ăn, tối trước khi ngủ; nghỉ ngơi khoảng 10 phút trước khi đo; không dùng thuốc lá, rượu bia, cà phê một giờ trước khi đo.

Võ Văn Đấu, H. Mỹ Tú, Sóc Trăng, SĐT: 01686821339

Hỏi: Bệnh tăng huyết áp có thường xuyên bị đau đầu hay nôn ói?

Trả lời: Theo tỷ lệ, trong 4 người tăng huyết áp có 1 người không có triệu chứng. Đau đầu, nôn ói là triệu chứng không chắc chắn, phải đo huyết áp mới xác định.

Huỳnh Văn Thương, H. Châu Thành, Hậu Giang, SĐT: 0126.290.8386

Hỏi: Tôi đo huyết áp ở nhà thì bình thường, nhưng đến cơ sở y tế thì tôi bị tăng huyết áp, tim đập mạnh. Xin hỏi, vì sao tôi bị vậy?

Trả lời: Huyết áp gia tăng khi ở phòng khám nhưng bình thường ở nhà được gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng. Những trường hợp này cần được xác định chắc chắn là có tăng huyết áp thật sự hay không. Bác sĩ có thể sử dụng máy đo huyết áp liên tục 24 giờ để xác minh. Hãy đến bác sĩ Tim mạch để làm rõ chẩn đoán anh nhé !

Bùi Thị Kim Sang, 54 tuổi, H. Lấp Vò, Đồng Tháp, SĐT: 0949.394.944

Hỏi: Tôi bị cao huyết áp điều trị đã được 1,5 năm, hiện huyết áp đã ổn với mức 120/80 mmHg (hàng tuần tôi đều đo). Vậy xin cho biết tôi có thể ngưng uống thuốc được hay không?

Trả lời: Điều trị tăng huyết áp không chỉ là đạt huyết áp mục tiêu mà còn ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra. Vì vậy, cô nên tiếp tục duy trì liều thuốc hạ áp tối thiểu có hiệu quả. Xin xem thêm phần giải thích ở câu trên.

* Nguồn Bệnh Viện Đa Khoa Hoàn Mỹ® Cửu Long

 

Chia sẻ bài viết