Tiểu thuyết “Sống khó hơn là chết” của nhà văn Trung Trung Đỉnh khắc họa nỗi đau của những người trở về từ chiến tranh và đối diện những áp lực cuộc sống. Tuy khó khăn nhưng họ vẫn nỗ lực sống, dù điều đó khó hơn là chết. Sách do NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam phối hợp ấn hành.
Tuy chỉ hơn 200 trang nhưng “Sống khó hơn là chết” là tác phẩm không dễ đọc, bởi đó là những mảnh ghép đan xen của quá khứ với hiện tại, là nỗi ám ảnh hậu chiến tranh và khá nhiều những độc thoại nội tâm của nhân vật.
Truyện lấy nhân vật Hải làm trung tâm, kể về cuộc đời anh từ lúc là chàng lính mới nhập ngũ, rồi trở về đời thường khi chiến tranh kết thúc đến khi thành người đàn ông tuổi trung niên.
Trong cuộc đời Hải, có lẽ vui vẻ và ấn tượng nhất chính là những giây phút ở bên đồng đội trong chiến tranh và cả lúc hòa bình. Những trang viết ở các giai đoạn này khiến người đọc ấn tượng vì những chuyện bi hài và ấm áp tình người. Chiến tranh kết thúc, Hải lạc lõng và bi kịch xảy đến khi anh bị những kẻ khác đố kỵ, hãm hại vì công trình nghiên cứu khoa học đầy tính phản biện và những biểu hiện khác lạ của anh do dư chấn tâm lý sau chiến tranh. Anh bị đẩy vào bệnh viện tâm thần.
Song hành với Hải trong giai đoạn này là tờ tiền lẻ 1.000 đồng và một nhà văn đang tìm tư liệu viết tác phẩm. Những cuộc gặp, trò chuyện giữa Hải với nhà văn, lời độc thoại của Hải cũng như lời tự sự, trần tình của tờ tiền 1.000 là những thủ pháp giúp độc giả đi sâu vào nội tâm nhân vật. Dù đôi lúc, mạch truyện bị đứt đoạn hay rời rạc nhưng cảm xúc và tâm lý nhân vật được giữ vững suốt tác phẩm. Trong hành trình của mình, dù luôn loay hoay đi tìm chân lý, hay có lúc bất mãn, giận dữ, buông xuôi nhưng chưa bao giờ Hải bỏ cuộc. Anh vẫn sống kiên cường.
Ngoài Hải, truyện còn khắc họa những số phận không may nhưng họ vẫn tìm được niềm vui, hạnh phúc. Như chị Nhài, một người đàn bà chịu nhiều bất hạnh đến nỗi phải ôm con đi ăn xin, sau đã ổn định cuộc sống với nghề buôn bán và giúp việc nhà. Như đội trưởng Lâng bị thương mất tích, bị đổ tội oan nhưng không cần làm sáng tỏ, chỉ cần sống yên bình bên người vợ hiền trên núi cao. Như cậu lính trẻ Chung nhát gan trong chiến tranh nhưng khi giải ngũ đã chọn cuộc sống thanh đạm, hành nghề y cứu người. Như thương binh Tụng tuy cụt tay lại có chí làm giàu, trở thành điển hình tiêu biểu của địa phương…
Với giọng văn lúc hài hước, nghiêm trang, khi châm biếm, tác giả Trung Trung Đỉnh lột tả rõ nét những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời qua những số phận cụ thể.
CÁT ĐẰNG