29/04/2018 - 07:01

“Phép thử” của múa Cần Thơ 

Cuối tuần này, đoàn diễn viên múa của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ sẽ thi diễn tại Cuộc thi Múa hài toàn quốc do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên thể loại múa hài có cuộc thi chuyên nghiệp, bài bản riêng, quy tụ các nghệ sĩ hàng đầu của cả nước. Sự kiện này được xem là “phép thử” của múa Cần Thơ.

Biên đạo múa Huỳnh Nhật Danh (bìa trái) hướng dẫn diễn viên tập luyện. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Biên đạo múa Huỳnh Nhật Danh (bìa trái) hướng dẫn diễn viên tập luyện. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Cần Thơ tham gia cuộc thi với 2 kịch bản do nghệ sĩ Huỳnh Nhật Danh viết và biên đạo là “Tiến sĩ giấy” và “Khởi nghiệp”. Đây là những đề tài được dư luận quan tâm, nhưng mang lại tiếng cười cho khán giả thông qua ngôn ngữ múa là điều không dễ.

“Tiến sĩ giấy” kể câu chuyện về ông Hoa man (người làm hàng mã) chế tác 4 ông tiến sĩ giấy. Khi được Hoa man trang trí “cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai”, 4 tiến sĩ vênh váo, nghênh ngang. Nhưng rồi lão Hoa man chỉ cần sơ suất một mồi lửa, 4 tiến sĩ giấy cháy trơ khung… Lấy ý tưởng từ nghệ thuật chế tác dân gian, tác phẩm múa gửi gắm những tiếng cười thâm thúy qua động tác và biểu cảm của diễn viên. Còn “Khởi nghiệp” là tiếng cười dễ thương, trong sáng và nhiều ý nghĩa. Đó là câu chuyện về cô kỹ sư trẻ mới ra trường về quê khởi nghiệp cùng mảnh vườn, bầy heo của cha, giúp cho bầy heo tròn trịa, cây trái ngọt lành.

Biên đạo Huỳnh Nhật Danh cho biết, ông đã có kinh nghiệm thể hiện một số vở múa hài do nghệ sĩ kỳ cựu Bá Thái dàn dựng, nên không quá xa lạ. Nhưng với các nghệ sĩ trẻ thể hiện “Tiến sĩ giấy” và “Khởi nghệp” lại khác, bởi họ hoàn toàn xa lạ với thể loại múa này. Vì vậy, việc tập luyện động tác, kết hợp biểu cảm, âm nhạc sao cho thật nhuần nhuyễn là điều không dễ. “Cười của múa là đôi khi chỉ là cười nhếch môi, cười trong lòng, nên việc tạo cảm xúc cho khán giả là rất khó”- biên đạo Nhật Danh nói. Đồng thời, nếu không khéo, các tác phẩm múa hài dễ rơi vào chuyện chọc cười thô thiển, thiếu ý tứ.

Có dịp xem các nghệ sĩ tập hai kịch bản này, sự cuốn hút và tiếng cười ý nhị là điều dễ cảm nhận được. Sự đầu tư đạo cụ, trang phục với những ông tiến sĩ giấy cháy trơ khung; hay những chú heo ủn ỉn, no tròn tạo cảm giác dễ chịu cho người xem. Các nghệ sĩ dù còn trẻ nhưng đa phần đều tham gia nhiều cuộc thi toàn quốc, khu vực nên múa khá chắc tay, thể hiện rõ tâm lý và tính cách nhân vật.

Diễn viên Huỳnh Ngọc Tuấn Kiệt, thủ vai Hoa man trong “Tiến sĩ giấy” cho biết, khác với hài kịch, múa hài không có thoại cũng chẳng có mảng miếng nên việc chuyển tải để khán giả hiểu được lai lịch, tính cách nhân vật khiến anh trăn trở. Còn với Thái Trung, diễn viên thủ vai người cha trong vở “Khởi nghiệp” thì khá tự tin với vai diễn và cho biết: “Càng tập luyện tôi mới thấy múa hài tuy khó nhưng rất thú vị. Từng mảng miếng nếu biết khai thác đều có thể lấy tiếng cười khán giả”.

Ở lần “vươn khơi” này, đội thi của Cần Thơ đến từ Câu lạc bộ Múa của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Do vậy, anh em diễn viên tập luyện rất nỗ lực và tự tin.

Múa hài đã có từ rất lâu trong nghệ thuật múa Việt Nam, chẳng hạn trong kháng chiến chống Mỹ, các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Đoàn Long, NSND Trần Minh, NSND Kim Tiến… đã có những tác phẩm múa hài hấp dẫn công chúng như “Một ông hai bà”, “Ong vò vẽ”, “Bù nhìn rơm”... Sau này, NSND Lê Huân cũng sáng tác các tác phẩm múa hài đoạt nhiều giải thưởng như: “Anh nuôi say súng”, “Mưu Thị Hến”, “Học trò xứ Quảng”…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết