19/01/2023 - 08:18

Ðột phá trong kỹ thuật ghép và tạo hình dưa Tết 

KIẾN QUỐC

Dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa lưới,… là những loại trái cây vốn dĩ rất quen thuộc với người Việt Nam, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về. Bằng kỹ thuật ghép và tạo hình trái vuông, PGS.TS Trần Thị Ba, nguyên giảng viên cao cấp Trường Ðại học Cần Thơ và TS. Võ Thị Bích Thủy, giảng viên khoa Khoa học cây trồng, Trường Nông Nghiệp (thuộc Trường Ðại học Cần Thơ) đã cùng nghiên cứu thành công quy trình công nghệ trồng dưa hoàng kim kiểng độc đáo. Quy trình này vừa được Trường Ðại học Cần Thơ công nhận.

Lãnh đạo UBND quận Bình Thủy tham quan quy trình làm dưa kiểng ghép và tạo hình trái vuông. Ảnh: CTV

Tại nhà màng nghiên cứu của Trường Nông nghiệp (thuộc Trường Ðại học Cần Thơ), hàng trăm gốc dưa Tết đẹp mắt đang cho trái chín rộ. Cũng là trái dưa hấu, dưa lưới nhưng vườn dưa ở đây lại khá đặc biệt khi cây chỉ cao chừng 60cm; trái hình vuông, tròn mang ý nghĩa thiêng liêng trời và đất. Ngoài ra, trái được tạo hình bắt mắt với hình đồng tiền vàng, trái tim, hoa mai, chữ “Tài”, “Lộc”,… PGS.TS Trần Thị Ba cho biết, hiện nay, khuynh hướng người tiêu dùng chuộng các loại kiểng chậu từ cây ăn trái, như: me, khế… Riêng các loại dưa thân leo bò sum suê, tuy đẹp nhưng rất khó làm kiểng. Mặt khác, đặc thù của các giống dưa có thời gian sinh trưởng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, khi trái chín thì bộ lá cũng tàn theo nên có thời gian chưng Tết rất ngắn. Vì vậy, ý tưởng trồng dưa kiểng vẫn là bài toán khó.

Từ thực tế này, PGS.TS Trần Thị Ba và TS. Võ Thị Bích Thủy đã tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật “ghép và tạo hình trái” để phục vụ chưng Tết. Với kiến thức tích lũy hơn 30 năm về cách ghép giống trên nhiều loại cây trồng, như: khổ qua ghép trên gốc mướp, dưa hấu và dưa leo ghép bầu,… PGS.TS Trần Thị Ba đã thực hiện việc ghép dưa hấu, dưa hoàng kim và dưa lưới trên gốc mướp. Trước đây, ứng dụng ghép chủ yếu giúp cây kháng bệnh, chịu ngập úng. Nay, với cách ghép này, cây dưa được “thu nhỏ” lại đáng kể và giữ được bộ lá xanh tươi, sung mãn qua 2 tuần Tết. PGS.TS Trần Thị Ba bật mí: “Khi cây dưa và cây mướp trồng chậu được khoảng 1 tháng, tôi tiến hành ghép. Cách làm này không chỉ bỏ được một đoạn gốc dưa già mà còn cho ra trái gần sát gốc mướp”. Ðáng chú ý, cây mướp có thời gian sinh trưởng gấp 2-3 lần so với cây dưa. Việc ghép dưa vào gốc mướp sẽ tạo cây có bộ tán nhỏ và tăng tuổi thọ “nuôi” được bộ lá xanh. Qua nghiên cứu, theo dõi quy trình, sau khi thu hoạch dưa, người trồng vẫn có thể chăm sóc và thu hoạch được lứa trái tiếp theo.

Dịp Tết Nguyên đán 2023, PGS.TS Trần Thị Ba và TS. Võ Thị Bích Thủy trồng khoảng 600 chậu dưa kiểng các loại. Kết quả đạt trên 95% tỷ lệ cây sống sau ghép và 70% tỷ lệ trái đạt hình vuông với loại khuôn chuyên dùng, nâng tầm thành công giá trị của cây dưa. Mỗi chậu dưa có trái chín mang dáng hình độc đáo, dễ chăm sóc, có thể trang trí trước hoặc trong nhà mà không chiếm quá nhiều diện tích. Giá mỗi chậu dưa kiểng từ 700.000-1 triệu đồng/chậu, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Một lý do đặc biệt khiến nhiều người lựa chọn dưa kiểng là vì thân mướp đâm chồi rất mạnh, phù hợp với ước mong đem lại nhiều may mắn cho gia chủ.

“Do quy trình đạt tỷ lệ thành công cao nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình, chuyển giao cho bà con nông dân và các đơn vị sản xuất dưa ứng dụng công nghệ cao trồng nhà màng. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu tạo hình cho cây trái bắt mắt hơn” - PGS.TS Trần Thị Ba chia sẻ trong sự phấn khởi.

Chia sẻ bài viết