22/08/2020 - 07:30

Ðồng vợ, đồng chồng 

Có khách, chú lo tư vấn bán hàng, còn cô thì “thế chân” chú, tiếp tục công việc còn đang dang dở bên bể nước lọc. Không chỉ trong mua bán, mà cả việc nhà, cô chú cũng luôn chia sẻ với nhau. Đồng vợ, đồng chồng, cô Phan Thị Thanh Vân và chú Nguyễn Hồng Vân, ngụ khu vực Thới An 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, luôn giữ được hạnh phúc, cùng nhau vượt khó.

Cô Vân tận dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi, ủng hộ ông xã phát triển việc mua bán cá kiểng tại nhà.

Gần 30 năm trước, cô chú nên duyên trong cảnh gia đình đôi bên đều khó khăn. Cô chú tự bươn chải, làm thuê, đắp đổi qua ngày. Chú chạy xe lôi, cô mua bán rau cải ngoài chợ. Sau khi có con, cô ở nhà làm nghề may. Cuộc sống khó khăn nhất là khi chú không còn chạy xe lôi, mọi chi tiêu trong nhà hầu hết phụ thuộc vào việc may vá của cô. Khó khăn nên cô chú thống nhất chỉ sinh một người con để chuyên tâm lo làm kinh tế và nuôi dạy con tốt.

Giữa lúc thắt ngặt, chú được vận động tham gia lực lượng bảo vệ dân phố. Cô không ngại khó mà còn động viên, quán xuyến việc nhà để chú yên tâm tham gia công tác địa phương. Còn chú không hề phân biệt việc anh, việc em, cứ lúc nào rảnh, ở nhà là chú sẵn sàng phụ vợ lo cơm nước, nhà cửa. Biết gia cảnh cô chú khó khăn, anh em trong Tổ Bảo vệ dân phố gợi ý, động viên chú mở cửa tiệm bán tạp hóa, kiếm “đồng ra, đồng vào”. Cùng lúc đó, Hội LHPN phường giới thiệu cô vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho con đi học, giúp cô chú nhẹ bớt gánh lo. Năm 2017, Hội tiếp tục giới thiệu cho cô vay 30 triệu đồng tín dụng chính sách để đầu tư, kinh doanh tiệm tạp hóa. Nhờ bạn bè ủng hộ, tiệm của cô chú duy trì thu nhập ổn định.

Chú Vân kể: “Bán tạp hóa được hơn 1 năm, một lần tình cờ thấy người bạn chơi cá kiểng, tôi bị thu hút bởi những con cá nhiều màu sắc, bơi lội tung tăng. Vậy là tôi tìm mua một con cá la hán để chơi trong nhà. Sau vài tháng chăm sóc, cá lớn, ra dáng đẹp, một người bạn đến chơi thấy, ngỏ ý mua lại. Tôi bén duyên với nghề mua bán cá kiểng từ đó”. Cô Vân tiếp lời: “Quan sát quanh khu vực, không có ai kinh doanh cá kiểng, trong khi khách hàng tiềm năng có nhiều; còn ông xã mê cá kiểng, chịu khó mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người kinh doanh trước, nên tôi hoàn toàn yên tâm ủng hộ ông xã thử sức”. Ban đầu, chú Vân chỉ mua, bày bán vài chục con cá lia thia, cá vàng, cá molly ở không gian khiêm tốn phía trước nhà. Có duyên với nghề, không bao lâu, cô chú kinh doanh ổn định, số lượng cá tăng dần đều. Ðến nay, cô chú sở hữu cơ sở kinh doanh cá kiểng khá tươm tất trong khoảng sân 20m2 trước nhà với số lượng hàng ngàn con cá nhiều loài khác nhau.

Chú Vân còn nắm vững kỹ thuật ép phối giống cá, chủ động nguồn hàng một số loài cá được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cô Vân khoe: “Phía sau nhà, ông xã bày binh bố trận cho việc ép, phối giống và chăm sóc cá con. Bên cạnh đó là mấy lồng nuôi chuột hamster”. Chú Vân bắt đầu mua bán chuột hamster làm thú cưng được 1 năm nay. Chú chia sẻ: “Lắng nghe nhu cầu của khách, tìm mua thêm những loại khách cần nên số lượng cá và chuột hamster cứ tăng lên từng ngày. Hồi mới nuôi, chưa quen kỹ thuật, tôi cũng gặp sự cố, nhất là với cá kiểng. Có lứa cá mới mua về nhưng mới 2 ngày đã chết sạch. Rồi quá trình nuôi, cá hao hụt do bệnh nấm, ghẻ,… Rút kinh nghiệm, thua keo này bày keo khác, có bà xã ủng hộ, tôi kiên trì học hỏi, làm lại, riết rồi cũng quen tay”. Năm 2019, cô chú được xét cho vay nâng vốn lên 50 triệu đồng, đầu tư mua bán các vật dụng, phụ kiện liên quan nuôi cá kiểng, như: máy thổi oxy, sỏi, san hô, bông lọc nước,… Ngoài thời gian làm việc nhà, phụ giúp ông xã thay nước, dọn rửa bể cá, đón tiếp khách hàng, cô Vân vẫn duy trì nhận may, sửa quần áo. Nói đến bí quyết giữ gìn hạnh phúc và làm ăn thoát nghèo, chú Vân tiết lộ: “Cứ đồng vợ, đồng chồng, khó khăn nào cũng qua!”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết