Những năm qua, các nền tảng trực tuyến phát triển mạnh mẽ và châu Á đang bùng nổ với sự thay đổi về công nghệ, trở thành nơi thu hút đầu tư. Trong đó, một thị trường tiềm năng và mới mẻ là khu vực Ðông Nam Á đang trở thành điểm đến của nhiều công ty phát triển nền tảng trực tuyến.

“Pretty Little Liars” phiên bản tiếng Indonesia.
Doanh thu từ các thuê bao sử dụng dịch vụ xem video trực tuyến liên tục gia tăng tại Ðông Nam Á, với mức tăng trưởng dự báo từ 28% lên 37% giai đoạn 2020-2025, đạt mức 4,5 tỉ USD vào cuối năm 2025. Khu vực này đang thu hút sự đầu tư của nhiều ông lớn đầu ngành của thế giới, như: Netflix, Walt Disney, WarnerMedia, iQiyi, iflix, WeTV. Tuy nhiên, thực tế những đơn vị này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng.
Nhiều công ty châu Á và Ðông Nam Á cũng đã thành lập và tự vận hành nền tảng xem video trực tuyến. Cụ thể, Viu - nền tảng trực tuyến của Tập đoàn viễn thông và truyền thông PCCW (Hong Kong) ra đời từ năm 2016 và sau gần 5 năm phát triển Viu có lượng người dùng và đăng ký thuê bao không thua Disney+ tại Ðông Nam Á. Thị trường chủ lực của Viu là Thái Lan và Indonesia. Nền tảng trực tuyến Vidio thuộc tập đoàn truyền thông Emtek (Indonesia) ra đời từ năm 2014 và đến nay dù chỉ cung cấp dịch vụ tại Indonesia, cũng thu hút hơn 1 triệu thuê bao trả phí trong năm 2021. Ðây là nền tảng trực tuyến được yêu thích thứ ba tại Indonesia sau Hotstar của Disney+ và Viu. Với tuổi đời hơn 5 năm, dịch vụ xem video trực tuyến Catchplay+ của công ty phát hành phim điện ảnh Catchplay (Ðài Loan) cũng sở hữu 8 triệu người dùng, với 20% trong số này là thuê bao trả phí, thị trường chính là Ðài Loan, Singapore và Indonesia.
Chuyên gia phân tích dữ liệu Kia Ling Teoh, cho biết: “Các nền tảng trực tuyến do doanh nghiệp ở khu vực phát triển có lợi thế nhờ nắm bắt đúng nhu cầu và xu hướng người dùng bản địa. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có quan hệ tốt với nhiều nhà cung ứng dịch vụ, cơ quan quản lý văn hóa và các nhãn hàng địa phương, nên việc cung cấp sản phẩm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cái khó là khâu sản xuất nội dung và tài chính”. Quả thật, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xem video trực tuyến tại Ðông Nam Á thường phải bỏ ra số tiền lớn để mua bản quyền phát sóng chương trình từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ… Mặt khác, để tạo nội dung có bản sắc riêng, các đơn vị cũng phải đầu tư những sản phẩm có nội dung nguyên bản và đó là cả vấn đề. Cụ thể, Hooq - nền tảng video trực tuyến từ Singapore, đã phải đóng cửa hồi tháng 4-2020 vì không cân đối được tài chính. Trường hợp của iflix (Malaysia) tương tự và bị tập đoàn Tencent của Trung Quốc mua lại.
Theo các chuyên gia, các công ty này thất bại do tốc độ phủ thị trường quá chậm và mô hình kinh doanh không phù hợp. Janice Lee, Giám đốc điều hành của Viu và PCCW Media, cho rằng mô hình kinh doanh phù hợp ở thị trường Ðông Nam Á là sự kết hợp nội dung, có chèn quảng cáo và dịch vụ tính phí. Janice Lee nói: “Ở châu Á nói chung, khán giả vẫn còn thói quen xem video mà không trả phí thành viên. Do đó, các nội dung có chèn quảng cáo chính là giải pháp hai bên cùng có lợi trong trường hợp này. Khi khai thác ở thị trường Ðông Nam Á, chúng tôi không nhắm đến việc bắt tất cả người dùng phải trả tiền, thay vào đó là lựa chọn tính tiền những nội dung nào”. Vidio cũng áp dụng cách thức này. Ban đầu Vidio cung cấp cho người xem các video miễn phí có chèn quảng cáo, từ năm 2020 bắt đầu triển khai dịch vụ thu phí Vidio Premier. Sutanto Hartono, Giám đốc điều hành công ty Emtek, chủ quản của Vidio, cho biết: “Vẫn cần phải xây dựng hệ sinh thái truyền hình trực tuyến tính phí dù người dân Indonesia chưa quen với việc trả tiền duy trì thuê bao. Ðể tăng sức hút, chúng tôi đang đầu tư nhiều chương trình thể thao, các loạt phim bản địa”.
Lựa chọn sản xuất những nội dung gần gũi với khán giả Ðông Nam Á cũng đặt ra không ít thách thức cho các nền tảng trực tuyến. Ðó là không chỉ đầu tư tài chính, mà còn phải chọn đúng ngôn ngữ do ở một số nơi người dân không nói một ngôn ngữ duy nhất. Các nền tảng trực tuyến tại Ðông Nam Á thường tập trung sản xuất các chương trình và nội dung nói tiếng Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia - những ngôn ngữ có số lượng người sử dụng lớn và có sức hút với khán giả. Do đó, trong năm 2021 Vidio đã sản xuất đến 15 loạt phim nói tiếng Indonesia, riêng trong năm 2022 dự kiến là 36 phim. Janice Lee - Giám đốc điều hành của Viu và PCCW Media, chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng mối liên hệ với khán giả địa phương. Ban đầu, chúng tôi sản xuất các chương trình nói một thứ tiếng cho một quốc gia nhất định. Nhưng những năm qua, chúng tôi bắt đầu sản xuất nhiều nội dung có sự giao thoa văn hóa hơn”. Ðơn vị đã làm lại “Pretty Little Liars” phiên bản của Mỹ thành phiên bản Indonesia, thu hút khán giả ở Indonesia, Malaysia.
Một cách làm khác cũng hiệu quả được Catchplay+ sử dụng đó là bắt tay với đài truyền hình địa phương để gia tăng nguồn vốn, nâng cao chất lượng chương trình. Cụ thể là sự thành công của tác phẩm “The World Between Us”. Ðiều này tạo đà để Catchplay+ bắt tay với Screenworks Asia, TAICCA để mở rộng sản xuất thêm nhiều phim. Việc hợp tác góp phần chia sẻ gánh nặng kinh phí, giảm thiểu rủi ro và xây dựng mạng lưới truyền thông cho tác phẩm.
Dù còn mới và nhiều thách thức nhưng Ðông Nam Á là thị trường lớn và thu hút nhiều ông lớn trực tuyến tham gia đầu tư.
BẢO LAM (Tổng hợp từ ScreenDaily, Nytimes, Variety)