11/09/2020 - 07:30

Ðông Nam Á hướng tới y tế số 

Theo Công ty chiến lược thị trường Solidiance, chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á được dự báo đạt 740 tỉ USD vào năm 2025, so với 420 tỉ USD hồi năm 2017. Đặc biệt, mức chi cho chăm sóc sức khỏe ở các nước ASEAN-6, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này.

Bệnh nhân Thái Lan được bác sĩ chẩn bệnh từ xa. Ảnh: Bangkok Post

Trong đó, Thái Lan được xem là nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt thứ 6 thế giới trong cuộc khảo sát hồi năm 2019 trên 89 quốc gia của tạp chí CEOWorld. Hiện Bangkok đang trên đường trở thành trung tâm y tế khu vực nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ khu vực chăm sóc sức khỏe nhà nước và tư nhân. Trong khi đó, Indonesia và Philippines trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân. Năm 2018, Tập đoàn y tế hàng đầu Mỹ GE Healthcare đã ký thỏa thuận trị giá 16 triệu USD với một đối tác Indonesia để cung cấp tư vấn chiến lược về hoạch định bệnh viện, quản lý lối sống và nâng cao năng lực cho 6 bệnh viện tại quốc gia vạn đảo này.

Tại Malaysia, các bệnh viện, nhà sản xuất thiết bị y tế, nhà cung cấp công nghệ y tế cũng như các nhà đầu tư tư nhân đang chuyển sang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe số. Còn ở Singapore, vốn nổi tiếng là trung tâm kinh doanh và công nghệ, đang thu hút nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và y tế, trong khi Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp xu hướng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chăm sóc sức khỏe ở các khu vực nông thôn và thành thị.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có tác động sâu sắc và lâu dài đối với nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận khẩn cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, đồng thời bảo vệ sự an toàn của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Theo đó, các bệnh viện đang tìm cách sử dụng tối ưu các thiết bị được kết nối kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và triển khai các giải pháp kỹ thuật số cho các hoạt động hàng ngày. Ðơn cử như tại Thái Lan, Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad đã trang bị cho khoa ung thư siêu máy tính Watson, vốn có khả năng xử lý 80.000 tỉ phép tính mỗi giây và truy cập 90 máy chủ với bộ lưu trữ dữ liệu lên tới hơn 200 triệu trang. Watson được khoa ung thư Bệnh viện Bumrungrad dùng để xử lý dữ liệu cá nhân, tài liệu y tế cũng như đưa ra các phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Tại Singapore, Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã bắt tay phát triển chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự báo tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trong vòng 4 tháng tới. Hiện đảo quốc sư tử được xem là “ông trùm” trong lĩnh vực y tế số tại khu vực. Chính phủ nước này không ngừng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đổi mới trong chăm sóc sức khỏe. Năm 2017, Singapore tuyên bố bơm hơn 13 tỉ USD cho kế hoạch 5 năm nghiên cứu và phát triển y tế, hướng tới đổi mới chăm sóc y tế bằng CNTT.

Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn L.E.K. và Công ty nghiên cứu GRG Health, 60% bệnh viện ở Ðông Nam Á, Ấn Ðộ và Úc sẽ tiếp tục phát huy các chương trình chăm sóc sức khỏe từ xa khi COVID-19 qua đi. Tương tự, các chuyên gia y tế cũng sẽ áp dụng các cách làm việc mới, sử dụng công nghệ theo những cách khác nhau để đạt được kết quả tốt hơn, song vẫn duy trì các tiêu chuẩn về an toàn.

Trong tương lai, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Chẳng hạn, AI và phân tích dữ liệu có thể được dùng để dự đoán, tự động hóa và nâng cao hiệu quả quy trình làm việc cũng như cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Các phần mềm tích hợp AI sử dụng công nghệ điện toán đám mây để tổng hợp dữ liệu, cho phép các chuyên gia y tế chẩn bệnh từ xa. Và khi đó, các thiết bị được kết nối kỹ thuật số sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các bác sĩ chuyên khoa ở thành phố, nhờ đó bệnh nhân ở các tỉnh và vùng nông thôn có thể được tiếp cận với các dịch vụ chuyên khoa.

TRÍ VĂN (Theo Bangkok Post, The Asean Post)

Chia sẻ bài viết