15/10/2020 - 08:55

Ðồng hành cùng người cao tuổi 

Toàn TP Cần Thơ hiện có 45 xã, phường triển khai các mô hình thuộc Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (gọi tắt là Đề án). Theo đó, có nhiều hoạt động đồng hành, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe tại cộng đồng.

Các địa phương thực hiện Đề án góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.    

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) TP Cần Thơ vừa kết thúc đợt kiểm tra, giám sát 15 xã, phường thực hiện Ðề án. Ðoàn kiểm tra ghi nhận, các địa phương đều có kế hoạch triển khai hoạt động Ðề án. Tổ tình nguyện viên đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại hộ gia đình, với mỗi tình nguyện viên chăm sóc từ 6 - 10 cụ. Ðồng thời, thực hiện ghi chép, theo dõi quá trình hỗ trợ người cao tuổi, báo cáo định kỳ về trạm y tế. Các câu lạc bộ (CLB) Người cao tuổi giúp người cao tuổi đã tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức phong phú mang lại niềm vui tinh thần cho hội viên. Các trạm y tế khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm.

Ðoàn kiểm tra đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy - UBND xã, phường và vai trò giám sát của trạm y tế đối với mô hình. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số và lực lượng tổ y tế tích cực chăm lo cho người cao tuổi. Ðề án giúp ích trực tiếp cho bộ phận người cao tuổi neo đơn, gia cảnh khó khăn, có nhu cầu được hỗ trợ; đồng thời tạo sự đồng tình, quan tâm của cộng đồng đối với người cao tuổi.

Theo ông Ðinh Công Thức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện mô hình còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số tình nguyện viên thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa thuần thục cách thức tập luyện phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Tình trạng biến động nhân lực phụ trách công tác dân số xã, phường ảnh hưởng đến việc quản lý hồ sơ, sổ sách. Ðoàn kiểm tra nhắc nhở lãnh đạo các trạm y tế khắc phục hạn chế trên, nhất là mở sổ quản lý và sử dụng kinh phí của Ðề án năm 2020. Tiếp tục tổ chức khám, tư vấn sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; quản lý trang thiết bị được cấp, đảm bảo hiệu quả sử dụng và an toàn.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ cho biết, Ðề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi TP Cần Thơ được thành phố phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2025. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 85/85 xã, phường triển khai Ðề án. Trong khuôn khổ Ðề án, mỗi địa phương hoạt động 2 mô hình là CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi và Tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Ðội ngũ Ban Chủ nhiệm các CLB và tổ tình nguyện viên đều được tập huấn kỹ năng hoạt động. Chi cục Dân số - KHHGÐ thành phố biên soạn cẩm nang về những kiến thức chăm sóc sức khỏe thường thức cho người cao tuổi. Ðề án còn cung cấp các phương tiện như máy đo huyết áp, đo đường huyết cho các tổ tình nguyện viên thuận tiện thăm khám cho các cụ mỗi dịp đến thăm nhà. Hiện mỗi xã, phường được trang bị 3 máy đo huyết áp. Ngoài ra, các chương trình sinh hoạt CLB đều mời cán bộ trạm y tế, trung tâm y tế địa phương tham gia làm diễn giả về các vấn đề chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho người cao tuổi. Hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGÐ thành phố tổ chức sơ kết Ðề án. Qua đó, biểu dương những cá nhân, tập thể hoạt động tích cực, mang lại kết quả đáng kể, đồng thời tháo gỡ kịp thời những vướng mắc các đơn vị gặp phải để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh cho biết thêm, Ðề án bị cắt giảm kinh phí, kinh phí được cấp trễ, năm nay Ðề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chỉ được cấp gần bằng 50% kinh phí so với năm trước. Tuy nhiên, Chi cục Dân số - KHHGÐ thành phố vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động hướng tới người cao tuổi. Những địa phương triển khai các mô hình đều được tập huấn kỹ năng phục hồi chức năng cho đội ngũ tình nguyện viên; đồng thời, tập huấn lại cho những đơn vị đã triển khai mô hình trước đó nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Hội Người cao tuổi các địa phương, lồng ghép tuyên truyền hoạt động, thu hút sự tham gia của người cao tuổi. Vai trò Ban Chủ nhiệm CLB chủ yếu do Chủ tịch Hội Người cao tuổi đảm trách, thư ký CLB  được giao cho cán bộ chuyên trách dân số. Từ sự phối hợp chặt chẽ đó, ban đầu các CLB có số hội viên dao động từ 20 - 25 người, sau một thời gian hoạt động, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Có thể thấy, Ðề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần cải thiện chất lượng sống của người cao tuổi, tạo sự an ủi rất lớn đối với các cụ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết