Nhiều người từng suy đoán tình trạng phong tỏa để chống đại dịch COVID-19 sẽ khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn, dẫn tới sự bùng nổ trẻ sơ sinh. Thế nhưng thực tế tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ ra điều ngược lại.

Các chính sách thúc đẩy sinh đẻ ở Trung Quốc vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: CNN
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh ở nước này chỉ đạt 8,5 trên 1.000 người trong năm 2020. Ðây không chỉ là mức thấp nhất kể từ khi “Niên giám thống kê Trung Quốc” bắt đầu được tổng hợp vào năm 1978, mà còn là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949.
Số liệu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở đất nước hơn 1,4 tỉ dân này ngày càng trầm trọng. Trong năm ngoái, chỉ có 12 triệu trẻ em Trung Quốc chào đời, giảm 18% so với năm 2019.
Các nhà nhân khẩu học từ lâu đã dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ suy giảm dân số trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại điều đó có thể đến sớm hơn. “Theo ước tính của chúng tôi dựa trên dữ liệu thu thập, nhiều khả năng Trung Quốc ghi nhận thậm chí dưới 10 triệu ca sinh trong năm 2021. Với kết quả này, vấn đề lo ngại nhất là tình trạng suy giảm dân số”, James Liang, Giáo sư kinh tế tại Ðại học Bắc Kinh, nói.
Ðể đối phó với dân số giảm, Trung Quốc kể từ năm 2015 đến nay đã thực hiện một số giải pháp, bao gồm cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm con, mở rộng hỗ trợ đối với các gia đình có 3 con. Dù vậy, tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện. Tỷ suất sinh năm 2020 của nước này là 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với 2,1 con/phụ nữ - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Nhật, Hàn trong xu hướng giảm
Tương tự Trung Quốc, số ca sinh của Nhật Bản cũng chạm đáy trong năm 2020. Số trẻ chào đời ở Nhật trong năm ngoái là 840.832, giảm 2,8% so với năm 2019, và đây là số ca sinh thấp kỷ lục kể từ lúc nước này bắt đầu thống kê năm 1899.
Nhật Bản đã phải vật lộn với khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài nhiều năm, khi tỷ lệ sinh liên tục giảm, làm dấy lên lo ngại về dân số già và lực lượng lao động thu hẹp. Ðại dịch càng khiến các cặp đôi ở Nhật ngại lập gia đình. Theo khảo sát, 17,8% phụ nữ và 29,1% nam giới Nhật Bản độc thân từ 25-34 tuổi cho biết lý do chưa kết hôn là vì tài chính. Số trường hợp đăng ký kết hôn tại đất nước Mặt trời mọc năm 2020 đã giảm 12,3%, xuống còn 525.490 (thấp nhất thời hậu chiến). Trong khi đó, tỷ suất sinh của Nhật rớt xuống còn 1,34. Nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, chính quyền Nhật Bản đầu năm nay đã quyết định hỗ trợ tiền điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng.
Báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy dân số nước này tiếp tục lao dốc. Theo đó, dân số Nhật tính đến ngày 1-10-2020 là 126.146.099 người, giảm 948.646 người so với cuộc điều tra năm 2015. Nhật có hơn 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên, tương tương 28,6% dân số nước này. Với hơn 20% dân số trên 65 tuổi, họ là quốc gia “siêu già”.
Không riêng Nhật, Hàn Quốc trong nhiều năm cũng đau đầu vì tỷ lệ sinh thấp. Năm 2020, xứ kim chi lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong cao hơn số trẻ được sinh ra, tức tổng dân số giảm. Khi đó, tỷ suất sinh của Hàn Quốc ở mức thấp kỷ lục - 0,84 con/phụ nữ, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp con số này dưới 1%.
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cũng vừa thông báo tỷ lệ sinh ở nước này đã xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 9-2021. Tháng đó chỉ có 21.920 trẻ chào đời, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020, và là tháng 9 sinh “yếu” nhất kể khi Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu năm 1981. Tính cả quý III/2021, số trẻ mới sinh ở nước này là 66.563, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Ðây cũng là mức thống kê theo quý thấp nhất kể từ năm 1981.
Theo Nikkei Asian Review, trong thập kỷ qua, dù đã dành 116 tỉ USD để ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thu được kết quả đáng kể. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ và giá nhà đất tăng cao, nhiều người trẻ ở Hàn Quốc đã hoãn, từ chối kết hôn hoặc có con.
Thực trạng chung
Tình trạng khó khăn của nhiều nền kinh tế tiên tiến, từ Mỹ, châu Âu đến Ðông Á, được cho là nguồn cơn của tỷ lệ sinh giảm. Sự kết hợp giữa khủng hoảng sức khỏe và tài chính khiến nhiều người chưa muốn có con. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo đây không phải vấn đề ngắn hạn, đặc biệt nếu đại dịch và hậu quả kinh tế của nó kéo dài. Ðợt khủng hoảng càng kéo dài, kế hoạch sinh con càng bị hoãn lại, có nguy cơ không bao giờ xảy ra. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ sinh của Mỹ giảm kỷ lục năm 2008 và tiếp tục giảm kể từ đó đến nay.
HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, NHK)