Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy
Ngoài sân, mấy cội mai vàng ông trồng vẫn chưa bung nở.
Ðông ra hàng rào bưng mẻ mứt gừng ngoại phơi hồi trưa nắng gắt. Mẻ mứt đặng nắng khô dần, nước đường đông lại thành từng mảng trắng tinh. Năm nào ngoại cũng làm đôi ba thứ mứt Tết. Dì Nương bơi xuồng qua nhà chơi thấy ngoại lúi húi làm mứt, dì nói bây giờ ngoài chợ người ta bán đầy, mứt nào cũng có, ngoại làm chi cho cực. Ngoại cười: “Quen rồi!”.
Ðông không thích ăn mứt gừng, song nó cũng ráng tập ăn, dần dần cũng quen. Ngoại thấy Ðông cầm miếng mứt gừng nhai nhóp nhép ngoài hàng rào, giật mình hỏi: “Bây có thích ăn mứt gừng đâu, mỗi lần ăn bây bị cay chảy nước mắt mà?”. Ðông gãi gãi đầu, lí nhí: “Tại má con thích ăn mứt gừng”. Ngoại chợt lặng im.
Chiều nghiêng ngả trên mấy đọt dừa xù xù trong xóm nhỏ. Mấy con chim non bay về tổ trước lúc đêm buông. Thấy Ðông ngồi dưới bến sông hai chân đong đưa dưới làn nước, dì Nương hỏi vọng:
- Sao ngồi buồn hiu vậy con, nhớ má hả? Tết này má có
về không?
Ðông nhoẻn cười, nhưng mắt Ðông lại ươn ướt và lời nói hình như nghẹn lại:
- Má con về chứ! Về với con, với ngoại. Má có điện thoại nói rồi.
Dì Nương thấy vậy cũng không hỏi nữa. Nếu dì hỏi thêm chắc Ðông bật khóc. Nhiều lần Ðông ngồi khóc một mình dưới bến sông. Ðơn giản vì ở nơi này không ai thấy Ðông khóc. Con trai mà, ai đời lại để cho người khác thấy nước mắt bao giờ. Nhưng những lúc một mình ở bến sông lúc chiều muộn, mước mắt Ðông giọt ngắn giọt dài, giọt rơi xuống cổ, giọt rớt xuống hòa tan vào con nước sông quê.
Các nhà trong xóm đã lặt xong lá mai cả rồi, có cây lạ lùng bật ra những nụ biếc rờn và nở hoa trước Tết. Ðông nhìn mà nôn nao. Hôm trước ngoại cùng Ðông lặt lá mai, ngoại lụm khụm nên phụ trách dưới thấp, Ðông bắc ghế lặt lá trên cao, từng đợt lá tuôn xuống gốc cây xanh ngắt. Cây mai này ông ngoại trồng hồi ông đi bộ đội trở về, tính đến nay cũng là cụ mai rồi, tuổi không thua gì tuổi của má Ðông. Nhắc đến má, Ðông lại ngẩn ngơ. Ðông nhớ hôm má đi, má ôm Ðông thật chặt. Ngoại xách giỏ đi sau đưa má ra tận đầu xóm. Má dặn Ðông:
- Ði chuyến này hơi lâu má mới về, Ðông ở lại với ngoại. Má đi tìm ba về cho Ðông. Ba về thì má mới yên tâm.
Má rời đi cùng chiếc đò dọc ghé lại dưới bến sông, người lái đò hối má xuống nhanh để kịp cập bến chợ tỉnh lúc còn nắng. Ðông với ngoại đứng nhìn theo bóng chiếc đò chở má đến khi khuất dạng sau khúc quanh dòng sông.
Ba má gặp nhau như thế nào, cưới hỏi ra sao, Ðông không được má kể cho biết. Ngoại cũng không nói. Ðến khi Ðông hỏi ngoại mới trả lời: “Khi nào bây lớn hơn chút, ngoại kể cho bây nghe”. Nhưng Ðông vẫn nghe người ở xóm này kể rằng dạo nọ xóm xuất hiện chiếc ghe mua lúa của người thanh niên kia, người mà sau này là ba Ðông, nhà cách xóm này mấy lần đò, mấy con sông. Ghe ghé lại bến nhà ngoại, ba gặp má Ðông lần đầu khi má đang gội đầu dưới bến nước, thấy má Ðông xinh đẹp lại hiền lành nên thương, lần nào về ngang qua xóm cũng ghé thăm nhà ngoại, coi ngoại với má như những người thân thuộc. Khi tính đến chuyện cưới xin, ngoại đồng ý nhưng gia đình ba chê ngoại với má nghèo, nên không ưng. Dù vậy, ba má vẫn quyết nên nghĩa vợ chồng và Ðông ra đời.
Một ngày cuối năm nọ, má thấy ba buồn, hỏi thì ba nói muốn về nhà một thời gian. Má không cản. Ai cũng có một mái nhà để trở về, như má rời nhà mấy hôm đã thấy nhớ mái lá ấm cúng trong nắng chiều vàng ửng. Má để ba đi với niềm tin nhất định ba sẽ về, vì má và vì Ðông.
Ba đi, mười bữa, nửa tháng, một năm… rồi hai năm… thời gian cứ trôi. Ba có điện thoại về, có hứa hoài nhưng cũng chưa thể trở lại bên má và Ðông. Ban đầu má buồn lắm, nhưng má tin ba, tin lời hứa dưới bến sông năm nào. Rồi má quyết định đi tìm ba, cùng ba vượt qua khó khăn để thuyết phục nhà nội chấp nhận má và Ðông. Má đi đến Tết này là tròn năm.
Tết đến rất gần, cội mai vàng trước sân đầy nụ chờ ngày bung nở. Ðông ngồi ngoài thềm nhà buồn thỉu buồn thiu. Phải mà má về, dắt Ðông đi sắm đồ Tết như hồi năm ngoái, hay má gội đầu cho Ðông và vuốt mái tóc phất phơ trên trán rồi dặn Ðông đừng chạy ròng ròng ngoài nắng, hoặc má đánh đòn khi Ðông lén má đi vớt cá lìm kìm ngoài ao bèo... Ðông chịu hết, miễn là má về. Không khí của ngày Tết càng gần càng khiến Ðông thêm buồn tê tái.
Ngoại từ sau nhà nhìn chăm chăm ra dòng sông uốn lượn, hấp tấp bước ra nói với Ðông:
- Ðông ơi, ba má bây về kìa.
Ðông đã hiểu rằng mọi cuộc chia xa đều có ngày tương ngộ, chỉ là mình có chờ được hay không. Ba má đã về kịp để cùng Ðông và ngoại đón giao thừa. Ðông nghe kể ông bà nội đau bệnh, nên ba phải ở lại chăm sóc. Tấm lòng của má cũng đã cảm động được ông bà. Má ôm Ðông thủ thỉ:
- Ðầu năm ba má đưa Ðông qua thưa ông bà nội. Thời gian của ông bà cũng không còn nhiều, nên má đã cất hết buồn tủi để cả nhà mình được trọn tình thương, Ðông cũng vậy nghen con.
Ngoài sân, cội mai vàng đã bung nở tự bao giờ.