22/04/2016 - 20:05

“Những giai điệu cuộc đời” vang mãi

"Giữa hai giai đoạn lịch sử từ thời thuộc địa cho đến khi độc lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là viên gạch nối thật dài, thật lấp lánh. Thế hệ chúng tôi cần học hỏi, và mong những bài học đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ mai sau"- với tâm tư đó, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong đã chủ biên cuốn sách: "Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời" (Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức phát hành).

 

Sách không chỉ giúp độc giả hiểu thêm về một lão sư, một bậc thầy âm nhạc truyền thống của Việt Nam, mà còn thêm yêu văn hóa truyền thống.

"Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời" được viết theo thể loại hồi ký, kết hợp cùng thủ pháp nghiên cứu, biên khảo. Ngoài phần "Những giai điệu cuộc đời" do Kim Ửng viết theo lời kể của nhân vật, tái hiện khá đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, còn lại là 11 bài viết của các tác giả, bạn bè, học trò trong và ngoài nước, khắc họa tình cảm, suy nghĩ cùng những nghiên cứu, đánh giá về tài năng và những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Đặc biệt, sách còn có phần hình ảnh và tư liệu rất phong phú về gia đình, sự nghiệp cùng những bài thơ đặc sắc của nhạc sư.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tổng Phong Thạnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ người cha- ông Nguyễn Hàm Ninh, một người am hiểu nhạc lễ, nhạc tài tử và hát bội, từ nhỏ Nguyễn Vĩnh Bảo cùng các anh em trong gia đình đều chơi thành thạo một số nhạc cụ. Tuy nhiên, khi trưởng thành, trong gia đình chỉ còn Nguyễn Vĩnh Bảo theo đuổi âm nhạc và ông đặc biệt yêu thích nhạc truyền thống.

Với sự mẫn cảm đặc biệt, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thường vận dụng thanh âm trong cuộc sống vào nhạc cụ truyền thống. Điển hình là từ tiếng ễnh ương kêu giữa đêm khuya thanh vắng, ông sáng chế ra dây Tỳ, dây Xề trên cây đàn gáo. Với đàn tranh, ông cải tiến cây đàn từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây. Ông còn là một người chơi nhạc truyền thống đầy ngẫu hứng, ứng biến sáng tạo trong lúc độc tấu, hòa đàn để tạo ra những bản nhạc độc đáo, không theo khuôn mẫu… Ngoài giảng dạy trong nước, giao lưu, trình diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc với bạn bè năm châu, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn dạy nhạc trực tuyến qua internet cho người yêu nhạc ở nước ngoài. "Ai học, tôi sẵn sàng dạy. Ai gõ cửa, tôi mở cửa tiếp. Tôi không nghĩ đến chuyện tạo cho mình tên tuổi, danh xưng. Người ta thương nên gán tặng danh hiệu nhạc sư, giáo sư. Thực ra, tôi nghĩ đơn giản mình chỉ là nhạc sĩ, thầy đờn" (Trang 105). Sự gần gũi, bình dị và khiêm tốn của ông càng khiến mọi người yêu mến, kính trọng.

Nhận xét về ông, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong dùng hai chữ: "Tinh tường" và "Tinh tế", ngụ ý tinh tường trong kiến thức âm nhạc, tinh tế trong tiếng đàn và cả trong giao tiếp ứng xử. Với GS.TS Terry E.Miller, Giáo sư Dân tộc nhạc học Kent State University, Hoa Kỳ, thì "Ông luôn là người thủ thành sắc sảo, tinh anh nhất của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam gần trăm năm qua" (trang 267). Riêng GS.TS Trần Văn Khê nhận định: "Chưa có một nhạc sĩ nào gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử trên 90 năm như ông, chưa có một nhạc sư nào có nhiều học trò trong và ngoài nước bằng ông, cách truyền dạy của ông rất đa dạng (truyền khẩu, truyền ngón, hàm thụ qua thư từ, máy vi tính), chưa có một nhạc sư nào vừa có tài đờn hay lại vừa đóng đàn khéo nên trong tâm tôi luôn luôn mến phục ông như một người văn võ toàn tài" (trang 250).

Cứ thế, từng trang sách làm người đọc cảm động vì tình yêu âm nhạc và tài hoa của nhạc sư Vĩnh Bảo, cũng đồng thời thêm yêu quý âm nhạc truyền thống của dân tộc và những con người lưu truyền, gìn giữ vốn quý đó.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết