15/02/2017 - 10:49

“Ngủ sạch” - xu hướng sức khỏe năm 2017

Sau xu hướng nổi lên hồi năm ngoái là "ăn sạch" (clean eating - tức ăn các thực phẩm ít qua chế biến, càng gần với bản chất tự nhiên của chúng càng tốt), trào lưu "ngủ sạch" (clean sleeping) được dự đoán là xu hướng sức khỏe lớn nhất trong năm nay.

Xu hướng "ngủ sạch" được nữ diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ Gwyneth Paltrow giới thiệu đến độc giả qua trang thông tin trực tuyến chuyên viết về lối sống www.goop.com do cô sáng lập. Ngôi sao người Mỹ cho biết lối sống mà cô tiên phong theo đuổi không chỉ là ăn sạch, mà còn ngủ sạch: ngủ ngon giấc từ 7-8 tiếng, lý tưởng nhất là 10 tiếng (mỗi đêm). "Giấc ngủ đóng vai trò to lớn trong việc xác định sự thèm ăn và mức năng lượng của bạn, mà tôi tin nó là ưu tiên số 1, thậm chí trước khi bạn nghĩ tới chế độ ăn uống" – sao hạng A của Hollywood khẳng định.

Ảnh: elitestatic

Đồng tình với Paltrow, các chuyên gia về lối sống cũng đang khuyến khích xu hướng "ngủ sạch" và dẫn chứng vì sao nó quan trọng. Tiến sĩ Robert Oexman tại Viện nghiên cứu Giấc ngủ ở bang Missouri cho biết ngủ ngon tác động đến mức collagen cần thiết cho sắc đẹp, nên nó thay đổi đáng kể diện mạo và ngoại hình của bạn. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ có vai trò rất quan trọng giúp tinh thần tỉnh táo, duy trì chức năng miễn dịch và chống lại bệnh tật. Bởi khi chúng ta ngủ, não bộ giải phóng hoóc-môn tăng trưởng ở người (HGH) vào máu, kích hoạt cơ chế phục hồi cơ bắp cũng như hệ thống giải độc não gọi là glymphatic để đào thải các chất độc hại. Trái lại, Tiến sĩ Frank Lipman cảnh báo thiếu ngủ có thể thay đổi thậm chí làm mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn trao đổi chất, gây căng thẳng tinh thần (stress) và ảnh hưởng sức khỏe thể chất.

Theo Paltrow và các chuyên gia của goop, "ngủ sạch" là tuân thủ 5 nguyên tắc như sau:

1. Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm:

Ngủ không đủ giấc kích thích cơ thể sản sinh hoóc-môn ghrelin gây cảm giác thèm ăn và giảm hoóc-môn leptin chuyển tải tín hiệu no đến não, nên người thiếu ngủ có xu hướng tiêu thụ thêm 385 calorie mỗi ngày. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Laura Lefkowitz cho biết thiếu ngủ dẫn tới stress còn làm giảm lượng hoóc-môn giúp cơ thể đốt cháy mỡ và điều chỉnh đường huyết gọi là glucagon.

2. Ngủ từ 22h:

Từ 22h đêm tới 0h sáng là khung giờ để cơ thể thực hiện chức năng phục hồi tốt nhất. Ngoài ra, tạo thói quen đi ngủ và thức dậy với giờ giấc cố định giúp thiết lập nhịp sinh học cơ thể, từ đó tăng cường chức năng miễn dịch, chống lại bệnh tật.

3. Ăn sạch và hạn chế tiêu thụ caffein cuối ngày:

Thói quen này hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tuyến thượng thận vốn tiết ra hoóc-môn cân bằng cơ thể và giảm stress. Tránh ăn quá trễ bởi quá trình tiêu hóa có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn không ngon giấc. Ngoài ra, nếu tiêu thụ thức uống chứa caffein lúc 17 giờ thì đến 22 giờ, một nửa lượng caffein vẫn tuần hoàn trong máu, gây khó ngủ.

4. Tranh thủ tập thể dục:

Hoạt động thể chất là phương pháp tối ưu giúp điều chỉnh và ổn định nhịp sinh học của cơ thể. Thời điểm lý tưởng tập thể dục là vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Nếu không có thời gian tập vào những khung giờ trên, bạn có thể tranh thủ tập thể dục cách giờ đi ngủ tối thiểu 3 tiếng (khoảng 18 hoặc 19 giờ).

5. Bảo đảm không gian phòng ngủ thật thoải mái:

Để có giấc ngủ ngon, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không mang công việc vào phòng ngủ, không dùng điện thoại trước khi ngủ bởi ánh sáng từ thiết bị có thể ức chế não tiết ra melatonin – hoóc-môn giúp buồn ngủ và ngủ ngon.

Chuyên gia về giấc ngủ, Tiến sĩ Nerina Ramalakhan, cho biết chỉ cần áp dụng chế độ "ngủ sạch" trong 7-10 ngày, mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra những thay đổi sức khỏe tích cực như ngủ sâu hơn, tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daily Mail, Express.co.uk)

Chia sẻ bài viết