23/09/2023 - 14:46

“Mùa thu rồi, ngày hăm ba...”

PV

Cách đây 78 năm, ngày 23-9-1945 đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, ghi đậm dấu ấn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Ðó là ngày “ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” - ngày Nam Bộ kháng chiến.

Mô hình ca-nô Giải Phóng do ông Nguyễn Hùng Minh thực hiện và trao tặng, hiện được trưng bày tại Di tích Lịch sử quốc gia Trường Taberd - nơi đón đoàn chính trị phạm từ Côn Ðảo trở về ngày 23-9-1945. Ảnh: DUY KHÔI

Rước tù chính trị từ Côn Đảo trở về

7 giờ sáng ngày 23-9-1945, 1.866 người gồm các chiến sĩ Cộng sản, cán bộ Việt Minh, những người từng tham gia các cuộc khởi nghĩa... và một số tù thường phạm có tư tưởng tiến bộ, được các ông: Tưởng Dân Bảo, Lý Văn Chương từ Sài Gòn ra đón, đã rời Côn Ðảo về đất liền đợt 1 trên chiếc ca-nô Giải Phóng, tàu Phú Quốc và 25 chiếc ghe.

Trên ca-nô Giải Phóng, vốn là ca-nô của Nhật bị đồng minh oanh kích, được đồng chí Tôn Ðức Thắng và hai anh em Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước sửa chữa, ghi tên Giải Phóng bên hông. Ðây là ca-nô chỉ huy, ngoài 3 người lái là đồng chí Tôn Ðức Thắng, hai anh em Minh - Phước, ca-nô còn chở 10 người khác, trong đó có đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Phan Trọng Tuệ...

Tàu Phú Quốc chở đến 200 người, ưu tiên các đồng chí cao tuổi. Khoảng 1.700 người còn lại thì đi ghe về. Ghe lớn chở được từ 80 đến 90 người, nhỏ hơn thì khoảng 30 đến 40 người.

Ngay thời điểm này, Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn. Các đồng chí bị địch giam giữ ở Côn Ðảo được Ðảng và Chính phủ rước về đất liền có ý nghĩa rất đặc biệt. Chuyến đầu tiên cập bến Ðại Ngãi (Sóc Trăng) có 1.800 đồng chí, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao như đồng chí Tôn Ðức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Lê Văn Lương... 1.800 đồng chí này được bố trí tại Trường Taberd, một ngôi trường nội trú được xây dựng từ năm 1912. Thời điểm ấy, Trường Taberd là phù hợp hơn cả vì có khuôn viên rộng rãi, 2 dãy nhà lầu 2 tầng kiên cố, có nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp và nhà giải trí thể thao… Hàng chục tấn gạo, đường muối, hàng trăm con heo, gà, vịt và hàng ngàn bộ quần áo, chăn, chiếu, mùng, ván… được nhân dân quyên góp để tiếp đón đoàn.

Ðiều quý báu là sau khi Xứ ủy Nam Bộ gợi ý, hầu hết các đồng chí ở miền Trung và miền Bắc đã gác niềm vui đoàn tụ gia đình, tình nguyện ở lại tham gia kháng chiến, chấp nhận sự điều động bố trí công tác của Xứ ủy, cùng đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.

Nam Bộ kháng chiến

Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, dưới dự hỗ trợ của Anh, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Ngay trong chiều 23-9-1945, Ủy ban nhân dân Nam Bộ phát lời Tuyên cáo. Lời Tuyên cáo này nhấn mạnh sự nhân nhượng và khát vọng hòa bình của Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng. Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã luôn giúp cho quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng: "Mặc dù có nhiều điều bất mãn, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi quốc dân nên nén lòng căm giận để chờ đợi cuộc vận động ngoại giao với Ðồng minh trên trường quốc tế". Nhưng với sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, thực dân Pháp đã lấn lướt, muốn cướp nước ta lần nữa. Tuyên cáo cứng rắn: "Không lẽ chịu nhục hoài, vì danh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi của quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin phép cho kháng chiến".

Ngày 23-9-1945 đã đi vào lịch sử dân tộc. Ngày Nam Bộ kháng chiến, bắt đầu 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. 

(Bài viết sử dụng tư liệu trong quyển "Biên niên sự kiện Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975)", NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, 2011).

 

Chia sẻ bài viết