30/01/2019 - 08:01

“Lợi ích kép” 

TP Cần Thơ có 4 huyện (Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Phong Điền) với 36 xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các xã này hầu hết là thuần nông, xuất phát điểm thấp. Vì vậy, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM được nhiều địa phương xác định là hướng đi phù hợp, mang lại kết quả vượt trội trong việc hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí về nông thôn mới.

Mô hình nuôi cá thát lát cườm trên địa bàn huyện Thới Lai.

Nâng chất tiêu chí thu nhập

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ ban hành khi Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đang triển khai thực hiện. Chính vì vậy, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của TP Cần Thơ được tổ chức thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các nhóm tiêu chí về nông thôn mới như: hạ tầng kinh tế-xã hội (tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn), kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất), văn hóa-xã hội-môi trường (môi trường và an toàn thực phẩm). Đồng thời, được thể hiện thông qua các hoạt động như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tổ chức lại sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm đầu ra cho nông sản; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa…

Tại huyện Vĩnh Thạnh, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM được thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất được các xã tập trung thực hiện qua việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp như trồng màu, nuôi trồng thủy sản; chuyển dần từ sản xuất tự phát sang liên kết sản xuất có kế hoạch; tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Đối với cây lúa, ngành nông nghiệp huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Nỗ lực trên góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hàng nông sản và lợi nhuận cho nông dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị”.

Theo ông Lê Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Thới Tân, huyện Thới Lai, vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp của xã tập trung vào công tác vận động nông dân đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Thời gian qua, xã phối hợp với các bên có liên quan mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích nông dân sử dụng cây con giống chất lượng cao.  Toàn xã hiện có 37 tổ hợp tác tương trợ với 1.539 tổ viên đang hoạt động có hiệu quả. Đây cũng là nền tảng để xã nâng chất lượng “Cánh đồng lớn” với diện tích bình quân 900ha/vụ. Tại huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, các xã chú trọng việc hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường và an toàn thực phẩm. Bởi một khi hạ tầng giao thông nông thôn hoàn thiện, hệ thống thủy lợi được đầu tư thích đáng thì sản xuất nông nghiệp mới mang lại hiệu quả, vấn đề vận chuyển nông sản, kết nối giao thương thêm thuận tiện…

Ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững xác định “cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và XDNTM”. Ở mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chương trình XDNTM cũng đề cập đến nhiều nội dung. Cụ thể là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững… Đây là những định hướng quan trọng trong việc kết hợp giữa tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM từ đó mang lại “lợi ích kép” trong phát triển “tam nông”. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế, mỗi địa phương đề ra giải pháp, lộ trình thực hiện sao cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện tiếp tục tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trợ giá cây con giống, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái. Đây cũng là giải pháp thiết thực để các xã nông thôn mới của huyện nâng chất, củng cố các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, giao thông, thủy lợi… Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay còn lỏng lẻo; đất đai manh mún, nhỏ lẻ... Do đó, khâu tổ chức lại sản xuất phải đặt lên hàng đầu. Với lợi thế về cây lúa, Vĩnh Thạnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các “Cánh đồng lớn” trên nền tảng là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Đối với các loại nông sản khác như thủy sản, rau màu tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, các đầu mối thu mua để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm”.

Thời gian tới, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ đó nâng cao thu nhập cho người dân được thành phố xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. “Đây là ưu tiên số một. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tăng giá trị hàng hóa nông sản. Đồng thời, lồng ghép các Chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Mỗi xã nên chọn 1-3 cây trồng, vật nuôi, ngành nghề có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án, dự án nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Khi tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đời sống được cải thiện thì người dân mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho XDNTM”- ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối  XDNTM TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết