Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau là một trong những đô thị trẻ tại ĐBSCL. Việc quy hoạch đúng hướng cùng sự quan tâm đầu tư đã giúp bộ mặt đô thị của mảnh đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng, tiếp tục được mở rộng không gian và hướng tới trở thành đô thị loại 1.
Xóa dần hẻm ngập, đường chật
TP Cà Mau phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trong tương lai gần.
Trước đây, khóm 1, phường 8, TP Cà Mau, có địa hình khá thấp, bị sông, rạch bao quanh nên khi triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường bị ngập. Đặc biệt, trong mùa mưa, các tuyến hẻm là nơi tập trung nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp thường xuyên bị “nhấn chìm” trong nước. Đường sá nhếch nhác làm cho việc lưu thông của người dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi gói LIA 9 của Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (LIA) từng bước hoàn thành, bộ mặt đô thị nơi đây đã thay đổi từng ngày.
Ông Trần Văn Út, sống ở hẻm Lộ Mới, khóm 1, phường 8, cho biết: Hẻm Lộ Mới trước đây chỉ rộng khoảng 1,5m. Cứ mưa là ngập, nhiều người chạy xe máy vấp ổ gà té ngã. Từ khi thực hiện dự án LIA, tuyến hẻm được nâng cao, mở rộng ra hơn 3m nên không còn ngập, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Khi hẻm Lộ Mới được nâng cấp xong đã được đặt tên là đường Lộ Mới. “Trước đây, con cháu đi học cứ phải đưa rước, không có thời gian làm việc khác. Còn, nay tôi đã yên tâm để tụi nhỏ tự chạy xe đi học” - ông Út nói.
Song song với đường Lộ Mới là đường 19-5 và đường ven sông Gành Hào. Các tuyến đường này từng có chung cảnh “đìu hiu” như hẻm Lộ Mới nhưng nay xe cộ tấp nập, nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán được mở ra. Đặc biệt, tuyến đường ven sông Gành Hào không chỉ được nâng cấp mặt đường mà còn được đầu tư làm bờ kè khang trang, đẹp mắt trở thành điểm nhấn trong bức tranh đô thị TP Cà Mau.
“Dự án LIA không chỉ làm đô thị đẹp hơn mà còn mang lại rất nhiều lợi ích. Giá trị đất ở nơi đây cũng tăng nhiều lần. Bây giờ các gia đình mở ra kinh doanh, buôn bán, kinh tế khá hẳn lên. Không gian, đường sá đô thị rộng rãi, đời sống tinh thần người dân cũng nâng lên. Chiều nào tôi cũng rủ mấy người bạn ra bờ kè Gành Hào tập thể dục. Tụi nhỏ thì ra chơi đá cầu, đá banh... không khí nhộn nhịp hơn nhiều” - bà Nguyễn Thị Bảy, người dân địa phương, cho biết.
Hướng tới đô thị loại 1
Để đô thị phát triển được như hiện nay, nhiều quyết sách mang tính định hướng lâu dài đã được TP Cà Mau đề ra. Có thể kể đến là Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2015-2020 về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại 1. Từ đó, những vướng mắc cố hữu đã được chỉ ra, cùng với những giải pháp khắc phục. Việc quy hoạch không gian đô thị không còn gói gọn mà được thay thế bằng quy hoạch mở, phát triển toàn diện về các hướng. Ngoài ra, các quy hoạch chi tiết cũng đảm bảo theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với cải thiện vệ sinh môi trường.
Với định hướng đó, cả hệ thống chính trị TP Cà Mau cùng vào cuộc kiến thiết đô thị theo hướng phát triển bền vững. Ðến nay, đã có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, thông qua, trong đó có 45 đồ án quy hoạch chi tiết, 6 đồ án quy hoạch phân khu. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ hơn 52% diện tích, còn 7 xã vùng ven của thành phố đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Ông Bùi Tứ Hải, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, cho biết: Để việc quy hoạch không bị phá vỡ, các cơ quan chuyên trách của thành phố tăng cường quản lý quy hoạch, chấn chỉnh hoạt động xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, nhất là các tuyến hẻm tự mở, các khu tái định cư, nhà ở xã hội và các khu vực ven sông. “Ở những nơi “tấc đất, tấc vàng”, thành công lớn nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị chính là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận cao của người dân, tạo điều kiện tốt về mặt bằng để triển khai các công trình thuận lợi, nhanh chóng” - ông Hải nói.
Trong 5 năm qua, TP Cà Mau đã thực hiện 97 công trình, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư trực tiếp 32 công trình, 65 công trình từ ngân sách thành phố, tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh và thành phố hơn 816 tỉ đồng. Nhiều công trình trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Phạm Thành Ngại, Bí thư Thành ủy Cà Mau, cho biết: Nhiều nhà đầu tư tìm đến TP Cà Mau thực hiện các dự án lớn, nhất là các dự án về thương mại, dịch vụ. Kết quả đó đến từ sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy những thế mạnh đã có và tập trung vào 4 hướng đột phá chiến lược để phát triển, gồm: đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông, đầu tư phát triển “kinh tế đêm” gắn với sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố.
“Năm năm tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tập trung huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, quyết tâm đưa TP Cà Mau trở thành đô thị loại 1” - ông Ngại cho biết thêm.
Gói LIA 9 đã thi công 17 tuyến đường lộ hẻm thuộc phường 8, TP Cà Mau với mức đầu tư trên 75 tỉ đồng. Còn dự án LIA được thực hiện tại TP Cà Mau có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỉ đồng, được triển khai trên địa bàn 8 phường và xã Tắc Vân. Dự án đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị Cà Mau. Trong đó, có gần 200.000 người dân được hưởng lợi từ các dự án.
Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA