25/05/2023 - 10:54

Ðịnh hướng xây dựng đề án Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024

(CT) - Bộ Công Thương vừa ban hành Ðịnh hướng xây dựng đề án Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2024 và đề nghị các đơn vị xây dựng, hoàn thiện đề xuất đề án theo mẫu, sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Bộ Công Thương định hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... Tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Ðông Âu, Bắc Âu, Ấn Ðộ, châu Phi, Trung Ðông và châu Mỹ La tinh,... Ðặc biệt tận dụng các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vì đây là thị trường có quy mô lớn, gần gũi về khoảng cách địa lý, thuận lợi khai thác cơ hội từ Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với trên 100 triệu dân; phát triển thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tận dụng tối đa lợi thế về độ mở của thương mại trong nước, hạn chế được những tác động tiêu cực trước những biến cố rủi ro về chính trị, kinh tế quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Xúc tiến xuất khẩu tập trung nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ưu tiên xúc tiến nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, từ các thị trường công nghệ cao, công nghệ nguồn; giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian. Trong nước, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp có thế mạnh của các địa phương, sản phẩm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, ưu tiên XTTM xây dựng kênh phân phối ổn định cho nông sản có tính thời vụ tại thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng, các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Nội dung hoạt động XTTM theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước. Xây dựng, triển khai các hoạt động XTTM tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu...

N.H

Chia sẻ bài viết