Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được áp dụng từ tháng 1-2009, đến nay đã trải qua 3 lần sửa đổi. Thời điểm sửa đổi gần nhất của mức GTGC cách nay 5 năm - năm 2020. Nhiều người nộp thuế băn khoăn, bức xúc bởi mức GTGC đã lạc hậu, không còn phù hợp. Mới đây, Bộ Tài chính có dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC thuế TNCN, áp dụng cho kỳ tính thuế 2026.

Nhiều cử tri ở TP Cần Thơ mong mỏi ngành chức năng sớm xem xét, điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế.
Hơn 18 năm gắn bó với công ty sản xuất, kinh doanh sữa, anh Trần Văn Cường ở xã Trường Thành, TP Cần Thơ, có mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, anh thuộc diện chịu thuế TNCN. Anh Cường cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ có 1 đứa con. Tôi đăng ký GTGC cho con. Như vậy, theo quy định hiện hành, mức GTGC cho bản thân tôi là 11 triệu đồng/tháng; 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Mức GTGC được áp dụng từ tháng 7-2020 đến nay, theo tôi đã lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, vì giá cả sinh hoạt ngày càng tăng. Việc tăng mức GTGC theo tôi là phù hợp với thực tiễn”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Toản ở phường Phước Thới, TP Cần Thơ, đều đi làm, có nguồn thu nhập ổn định, khoảng 50 triệu đồng/tháng. Ông Toản cho biết: “Chúng tôi có 2 con, đang tuổi ăn học. Mỗi người đăng ký GTGC cho 1 đứa con. Với mức GTGC như hiện nay, chúng tôi phải đóng thuế TNCN. Mức GTGC như hiện nay là quá thấp, trong khi chi phí hằng ngày không ngừng tăng. Vì vậy, tôi kiến nghị tăng mức GTGC để giảm gánh nặng về thuế TNCN”.
Thuế TNCN gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là 1 trong 3 sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, mức GTGC là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này duy trì từ tháng 7-2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, GTGC, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập tính thuế TNCN. Mức này sẽ được cơ quan chức năng tính toán thay đổi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20%.
Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương hiện gồm 7 bậc, thuế suất từ 5-35%. Thực tế, mức GTGC và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, bất cập khi chi tiêu cuộc sống ngày càng đắt đỏ…
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đã có dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC thuế TNCN, áp dụng cho kỳ tính thuế 2026. Nguyên nhân điều chỉnh do CPI giai đoạn 2020-2025 tăng khoảng 21,24%, tức vượt 20% - ngưỡng cần điều chỉnh GTGC theo quy định. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức GTGC để trình cấp thẩm quyền xem xét. Phương án 1 là điều chỉnh theo tốc độ tăng CPI. Như vậy, mức GTGC cho bản thân người nộp thuế sẽ từ 11 triệu đồng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Còn người phụ thuộc được nâng từ 4,4 triệu đồng lên 5,3 triệu đồng/tháng. Bộ Tài chính đánh giá phương án này đúng theo Luật Thuế TNCN hiện hành, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh gần nhất. Phương án 2 là theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người. Theo đó, mức GTGC cho người nộp thuế dự kiến lên 15,5 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Hoài ở xã Thạnh Quới, TP Cần Thơ, nêu ý kiến: “Tôi đồng ý với phương án 2 - phương án góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp ở mức cao hơn. Nếu thực hiện theo phương án này, ngân sách sẽ giảm thu, nhưng khi mức GTGC cao hơn thì nộp thuế ít đi, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên. Qua đó, góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ các nguồn khác”.
Theo dự thảo Nghị quyết, dự kiến mức GTGC mới sẽ được thực hiện khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.
Bài, ảnh: Chấn Hưng