23/09/2024 - 08:29

Ðiểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Theo đó, một số điểm mới của Luật được người dân quan tâm, như: giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu của cả người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện; chế độ thai sản của người tham gia BHXH tự nguyện; mở rộng thêm hình thức nhận trợ cấp hằng tháng để người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn...

BHXH TP Cần Thơ tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2024.

Trong thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người yêu cầu nhận BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu quá dài, làm giảm động lực tham gia BHXH. Tháo gỡ vướng mắc này, Luật BHXH năm 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu, từ 20 năm xuống 15 năm. Theo ông Nguyễn Văn Chức, Trưởng Phòng Truyền thông, BHXH TP Cần Thơ, đây là một trong những quy định quan trọng, được rất nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm. Luật BHXH năm 2024 quy định, NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định hiện hành. Điều này tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng. 

Bên cạnh việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, Luật BHXH năm 2024 còn linh hoạt thêm trường hợp, nếu người đóng BHXH tự nguyện đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định từ chính khoản đóng của mình.

Một trong những điểm mới nữa của Luật BHXH năm 2024 là bổ sung chế độ trợ cấp thai sản của người tham gia BHXH tự nguyện. Trước đây, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung thêm chế độ trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra... Chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, nói: “Với quy định về chế độ thai sản của người tham gia BHXH tự nguyện, tôi cũng như NLĐ tự do có thu nhập thấp và không ổn định được tăng chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện”. Cùng suy nghĩ trên, ông Nguyễn Văn Nê ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, nói: “Tôi đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 2 năm. Nay được biết quy định mới về chế độ thai sản đối với lao động nam, tôi cũng vui lắm!”.  

Quy định về mức đóng, phương thức đóng và thời hạn đóng BHXH tự nguyện đã được quy định cụ thể và tích hợp vào một điều luật, không còn nằm rải rác ở các quy định dưới luật như trước đây. Theo đó, người đóng BHXH tự nguyện phải đóng trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng 1 lần; trong 4 tháng đối với phương thức đóng 6 tháng 1 lần và trong 7 tháng đối với phương thức đóng 12 tháng 1 lần...

Theo ông Nguyễn Văn Chức, Trưởng Phòng Truyền thông, BHXH TP Cần Thơ, bên cạnh thời hạn đóng nêu trên, nếu muốn đóng một lần cho nhiều năm về sau (đối với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức đóng 22%) thì người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng. Đối với phương thức đóng một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu (đối với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức đóng 22%) thì người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng, nhưng sớm nhất là tháng trước liền kề tháng NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định...

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết