CÁT ÐẰNG
Tập truyện ngắn “Gương mặt bán dạo” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của tác giả Trần Minh Hợp là tập truyện thứ 6 của nhà văn sinh năm 1988. Tập truyện có nhiều giọng văn, nhiều chất liệu nhưng chủ yếu viết về những hoàn cảnh có cuộc mưu sinh khó khăn. Xuôi theo số phận và sống tốt bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, họ vẫn toát lên nét đẹp bình dị, trong trẻo.
Trong 24 truyện ngắn của tập truyện, có một nửa viết về những cuộc mưu sinh của con người. “Gương mặt bán dạo” là truyện ngắn chủ đề của tập truyện, cũng là truyện tạo ấn tượng mạnh với độc giả bởi sự sáng tạo của tác giả thông qua một game show truyền hình. Trong đó, 3 người bán dạo nổi bật nhất lọt vào vòng chung kết phải thực hiện thử thách: trong 3 phút ai mời được nhiều người mua nhất (là những khách mời không thích mua hàng của người bán dạo) sẽ trở thành quán quân. Phần thi tài Anh Tám Ðồi Dương bán vé số ở Phan Thiết (Bình Thuận), o Hạ Bố Trạch bán nước mía ở động Phong Nha (Quảng Bình) và bà Năm Cù Lao Giêng bán củ ấu sừng trâu luộc ở Chợ Mới (An Giang) cùng phóng sự về cuộc đời của họ khiến người đọc hiểu hơn công việc, cảm thương cho hoàn cảnh và những nỗ lực của họ. Dù ai là người chiến thắng thì cả 3 người đều xứng đáng là những gương mặt bán dạo điển hình cho sự kiên trì, chăm chỉ và chân chính.
Không kém phần lôi cuốn là truyện “Tôi tiết kiệm”. Truyện chỉ đơn giản đăng lại 2 bài viết giành giải Nhất, Nhì trong cuộc thi viết “Tôi tiết kiệm” nhưng đủ khiến độc giả thấy cay cay nơi sống mũi. Bởi vì hoàn cảnh ngặt nghèo, vì người thân đau ốm mà những người vợ, người chồng phải tính toán tiện tặn từng đồng, đến nỗi anh chồng phải bơi qua một đoạn nước sâu hai lần trong ngày để tiết kiệm 6.000 đồng đi đò. Cứ thế, từng câu chuyện gieo vào lòng người đọc những cảm thông cho cuộc mưu sinh đời người. Và ở đó, vẫn có những ấm áp tình nghĩa vợ chồng trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, như: “Lửa ấm”, “Mùi phèn”; hay sự hy sinh cao cả của mẹ với con cái trong truyện “Mẹ rinh con”; hoặc sự chia sẻ, giúp đỡ nhau giữa người với người trong truyện “Thiên sứ bên dốc cầu”…
Cuộc đời cũng có những mặt trái và tác giả đã phán ánh một cách nhẹ nhàng nhưng đầy châm biếm trong các truyện: “Nền nhà”, “Ba ngày lương”, “Ăn lạt”, “Vĩnh Long là tỉnh giáp biển”, “Ðám giỗ”, “Xin chào, ông muốn đi đâu”; bởi trong cuộc sống, những tính xấu, những mặt tiêu cực vẫn có trong một bộ phận người, dù là trí thức hay ít học, người nghèo hay giàu. Sách còn có một mảnh đề tài về những truyện được lấy cảm hứng từ các câu chuyện trên thế giới, mang đến một góc nhìn mới, đa chiều trong những vấn đề thời sự. Ngoài ra, tác giả còn có giọng văn lãng mạn, chầm chậm nhưng vẫn thấm trong những truyện ngắn lấy bối cảnh các tỉnh Tây Nguyên, như: “Dãy núi phía Nam”, “Khoai mì sáng ở thôn Ple Kon Tu”.
Mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc bằng đề tài phong phú, chất liệu dồi dào, lối viết gần gũi, tập truyện “Gương mặt bán dạo” góp phần khẳng định sức viết và khả năng cảm thụ, truyền tải cuộc sống qua văn chương của cây bút trẻ Trần Minh Hợp.l