04/02/2015 - 15:13

“Đòn bẩy” cho vùng châu thổ

HÀ - KHOA - HUYỀN

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 5 địa phương được Chính phủ quy hoạch nằm trong hai vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam và vùng KTTĐ vùng ĐBSCL, gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Các địa phương đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay màu áo mới cho đất Chín Rồng. Bàn tròn đầu xuân trên Báo Cần Thơ ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành hai vùng KTTĐ về thành tựu đạt được cũng như những trăn trở và đề xuất hướng đi trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: SIẾT CHẶT TAY ĐƯA ĐẤT CHÍN RỒNG CẤT CÁNH

Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cà Mau được phê duyệt theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ: là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây; trung tâm dịch vụ, du lịch; trung tâm giao thương quốc tế; là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực với vai trò kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Sau gần 6 năm thực hiện Quyết định 492, vùng KTTĐ ĐBSCL đã tạo “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng. Các địa phương, cùng với các bộ, ngành Trung ương tập trung triển khai thực hiện các nội dung cụ thể tại Quyết định số 245/QĐ-TTg (ngày 12-2-2014 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030). Có nhiều công trình trọng điểm được khởi công và đưa vào sử dụng như: Dự án đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I; cầu Năm Căn, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh lần lượt khởi công xây dựng vào quý III/2013; Trung tâm Điện lực Ô Môn- Tổ máy số 1 đã vận hành, tổ máy số 2 dự kiến phát điện thương mại trong năm 2015. Về giáo dục và đào tạo, 4 địa phương vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đều có trường đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng.

Thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 – 2019, đề án đang trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, 4 địa phương vùng KTTĐ có 5 dự án được phê duyệt với số tiền 1.894 tỉ đồng. Đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg ngày 27-12-2013 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với những chính sách ưu đãi nhất của pháp luật hiện nay. Song, phải nhìn nhận rằng, mức đầu tư của Trung ương cho vùng KTTĐ vùng ĐBSCL vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Cần cơ chế chính sách đặc thù riêng cho vùng để có thể phát triển toàn diện, bền vững.

Trong khi chờ đợi cơ chế từ Trung ương, các địa phương cần liên kết lại. Đây là yêu cầu sống để khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng và giải quyết những khó khăn mà một địa phương không thể làm được. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện các quy hoạch phù hợp với Quyết định số 245/QĐ-TTg và Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm. Xem xét trong mối tương quan với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là mối liên kết với đầu tàu kinh tế phía Nam là TP Hồ Chí Minh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực và tiềm năng của vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: CẦN THƠ LUÔN NỖ LỰC KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CẦU NỐI VÙNG

Qua gần 6 năm thực hiện Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tăng bình quân 13,73%. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,2 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố phục vụ cả vùng ĐBSCL được đưa vào sử dụng như: Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn - Tổ máy số 1, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Học viện Hành chính Quốc gia Khu vực IV; đường Nam Sông Hậu, tuyến Cần Thơ - Vị Thanh, Quốc lộ 91B… đưa các địa phương xích lại gần hơn.

Cần Thơ được Bộ Chính trị, Chính phủ xác định là thành phố trung tâm động lực, đóng vai trò kết nối, tạo lực đẩy cho toàn vùng cất cánh. Nhận thức được tầm quan trọng này, thành phố đã nỗ lực liên kết với các địa phương trong vùng KTTĐ để khai thác thế mạnh trong phát triển du lịch, nông nghiệp, thương mại; thực hiện các công trình giao thông kết nối như: dự án đường ống dẫn khí lô B, các dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương, Ô Môn, Phú Quốc... TP Cần Thơ được xem là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả vùng ĐBSCL nên liên kết trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực thực hiện khá mạnh mẽ giữa các địa phương. Mặc dù thành phố rất nỗ lực để gánh vác vai trò trung tâm vùng, nhưng xuất phát điểm thấp, nội lực hạn chế, Cần Thơ vẫn chưa thực sự là Tây Đô. Thành phố đang cần một cơ chế đặc thù riêng để phát triển xứng tầm là đô thị loại I. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho vùng KTTĐ vùng ĐBSCL phát triển, sớm bắt kịp các vùng khác, TP Cần Thơ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế tài chính riêng để tăng hỗ trợ cho vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế, cửa khẩu. Đồng thời, ưu tiên vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm thuộc giai đoạn 2011 – 2015, như: đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, xây dựng và nâng cấp đường N1, N2. Sớm lập thủ tục và ghi vốn các công trình giai đoạn 2016 – 2020, như: đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; đường cao tốc Cần Thơ - Châu Đốc; nâng cấp mở rộng cụm cảng Cần Thơ; Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường Đại học trọng điểm quốc gia; xây dựng trung tâm thể thao vùng ĐBSCL; trung tâm thương mại, bán buôn cấp vùng.

Với Cần Thơ, quan điểm phát triển chung của thành phố là: Huy động sức mạnh tổng hợp của thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương, các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; trong đó nội lực là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: PHÁT HUY SỨC MẠNH KINH TẾ BIỂN, NĂNG LƯỢNG

TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long ký kết tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: ANH KHOA 

Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.560 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỉ USD. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Cà Mau xác định mục tiêu phát triển là: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển kinh tế gắn với xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”. Theo đó, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34-25% GDP; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.200-3.300 USD vào năm 2020; kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2016-2020) là 7,5-8 tỉ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm;…

Cà Mau là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Với chiều dài bờ biển 254 km, tiếp giáp với các nước trong khu vực, nằm ở trung tâm vòng cung khu vực Đông Nam Á, trên tuyến hành lang giao thông đường biển quốc gia và quốc tế. Lượng tàu thuyền khai thác hải sản đứng thứ 2 vùng ĐBSCL, sau Kiên Giang, với 4.654 phương tiện, tổng công suất trên 468.000 CV. Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cùng các bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án động lực như: cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Khu cảng dịch vụ dầu khí… Hiện đã có Nhà đầu tư nước ngoài lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Cà Mau mà còn là cửa ngõ cho vùng ĐBSCL hướng ra biển.

Ngoài ra, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau với 2 Nhà máy điện công suất 1.500 MW và Nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm. Sản lượng điện, đạm sản xuất hằng năm không chỉ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của cả nước. Thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: tuyến đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu khí đặt tại Khu công nghiệp Khánh An liền kề cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Là địa phương nằm trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL, tỉnh mong muốn góp sức cùng các địa phương đưa cả vùng đi lên. Vì vậy, cần cơ chế điều phối vùng phù hợp, Chủ tịch UBND các địa phương thay phiên nhau giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quản lý vùng để thực hiện tốt cơ chế điều phối vùng, giúp mối liên kết giữa các tỉnh, thành phố gắn kết hơn.

Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: DU LỊCH LÀ NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Năm 2015, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%. Đến nay, tỉnh đã thu hút 621 dự án, quy mô 30.850 ha với tổng vốn đăng ký trên 216.000 tỉ đồng (584 dự án trong nước và 37 dự án đầu tư nước ngoài); có 261 dự án đi vào hoạt động, quy mô 14.740 ha với tổng vốn đầu tư hơn 28.360 tỉ đồng. Nhiều dự án lớn đã triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác: Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl; nhà máy chế biến thủy sản Trung Sơn, nhà máy chế biến thủy sản AOKI, siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, siêu thị Co.opmart... đã góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh; đặc biệt là dịch vụ du lịch. Đảo Phú Quốc đang là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách thập phương, với khoảng 220.000 lượt khách trong và ngoài nước/năm.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên đầu tư phát triển đối với 4 vùng du lịch trọng điểm: Vùng Phú Quốc phát triển thành trung tâm du lịch, giao thương tầm cỡ quốc gia và quốc tế; vùng Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan và văn hóa lịch sử; vùng Rạch Giá và phụ cận (Hòn Đất, Kiên Hải) phát triển du lịch lịch sử, mua sắm, vui chơi giải trí; vùng U Minh Thượng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, gắn với nghiên cứu khoa học. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 450 cơ sở lưu trú, tổng số phòng nghỉ 11.200 phòng; đón 6,8 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng bình quân 10,2%/năm; trong đó khách quốc tế 450 ngàn lượt; doanh thu đạt 5.162,26 tỉ đồng, tăng 22%/năm.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Kiên Giang đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông trong tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tuyến tránh TP Rạch Giá, cầu sông Cái Bé, Cái Lớn thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc, cảng biển An Thới,… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian tới, đường Hồ Chí Minh đoạn Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, dự án nâng cấp Quốc lộ 61 đoạn Cái Tư-Bến Nhứt hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ là cấu nối quan trọng giữa Kiên Giang với các tỉnh, thành thuộc vùng KTTĐ phía Nam. Thời gian tới, tỉnh sẽ liên kết với các địa phương để hình thành chuỗi giá trị logistic, khép kín để làm tạo bệ phóng cho sản phẩm nông thủy sản của vùng. Kiên Giang nói riêng và vùng KTTĐ vùng ĐBSCL nói chung đang rất cần cơ chế đặc thù để phát triển.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: CẦN TĂNG ĐẦU TƯ CHO VÙNG

Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 29,3 triệu đồng/người/năm; khu vực nông nghiệp chiếm chủ lực trong cơ cấu kinh tế với tỷ trọng 36,3%, công nghiệp- xây dựng chiếm 13% và dịch vụ chiếm 48,2%. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển mới, bền vững. Đồng thời, cùng các địa phương trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL thực hiện có hiệu quả Quyết định 492 đưa vùng ĐBSCL phát triển.

Thực hiện Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang đã cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch vào các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư và thông báo kịp thời cho các tỉnh lân cận để phối hợp trong các lĩnh vực chủ yếu. Trong đó bao gồm tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư; xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu và xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm; mở rộng thị trường; xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, cấp nước, các tuyến giao thông liên tỉnh. Đồng thời, hình thành các tour du lịch khai thác các lợi thế và đặc thù riêng của mỗi địa phương trong vùng. Thời gian qua, trong công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh An Giang khi xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đều tính đến yếu tố liên kết về hạ tầng giao thông (thủy, bộ), đào tạo nguồn nhân lực... Song, sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng KTTĐ vùng ĐBSCL thiếu chặt chẽ để tạo ra các sản phẩm chủ lực theo thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, dẫn đến cạnh tranh và phân tán nguồn lực đầu tư, phá vỡ quy hoạch chung của cả vùng.

An Giang đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để tạo bước đột phá cho vùng KTTĐ vùng ĐBSCL. Cụ thể cần ưu tiên từ vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông để kết nối vùng KTTĐ vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các đô thị lớn cả nước và thị trường Campuchia. Ngoài ra, có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bằng các hình thức BT, BOT một số công trình như đường cao tốc, xây dựng cảng, nạo vét luồng sông… cho vùng. Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ cho các địa phương trong vùng KTTĐ cao hơn so với các địa phương thuộc các vùng KTTĐ khác vì các địa phương đều có xuất phát điểm thấp. Nâng mức hỗ trợ cho các khu công nghiệp, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại các địa phương trong vùng.

Ông phạm văn rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Long An vừa là địa phương nằm trong vùng KTTĐ phía Nam, vừa là cửa ngõ ĐBSCL; tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để hấp dẫn các nhà đầu tư. Năm 2014, tốc tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11%; hiện nông nghiệp chiếm tỷ trọng 27,3%, công nghiệp xây dựng chiếm 41,5%, thương mại- dịch vụ chiếm 31,2% trong GDP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 khoảng 44,5 triệu đồng/người/năm. Tỉnh đã tận dụng rất tốt lợi thế tiếp giáp TPHCM- trung tâm kinh tế lớn nhất nước để phát triển và thu hút đầu tư. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chia làm 3 vùng phát triển, gồm: vùng tiếp giáp TPHCM; khu vực tập trung phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ; hành lang phát triển kinh tế với vai trò vệ tinh của TPHCM. Cả hệ thống chính trị tỉnh đều hiểu rõ vai trò của quy hoạch trong thu hút đầu tư. Tỉnh luôn xác định vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông, điện, nước trong việc tạo môi trường đầu tư; từ đó xây dựng phương án phát triển hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tính phát triển liên vùng đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối với TPHCM và vùng Tây Nam bộ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo sự đa dạng, mang tính liên kết vùng và đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tỉnh đã quy hoạch hơn 15.000 ha quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Ban hành kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước... phục vụ phát triển công nghiệp, xác định nguồn vốn, lộ trình đầu tư. Đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng môi trường đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý khu kinh tế tỉnh là cơ quan đầu mối xử lý, nhằm giảm chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Tỉnh chú trọng công tác xây dựng mối quan hệ với TPHCM, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước... để có kế hoạch xúc tiến đầu tư hằng năm. Trên địa bàn tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp đang được kiểm soát chặt chẽ; không tiếp nhận dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, xây dựng từng bước phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Mỗi tỉnh đều có lợi thế riêng để phát triển. Tuy nhiên để đảm bảo yếu tố bền vững thì tính liên kết trong vùng là tất yếu. Từ đó, phát huy lợi thế, “phân công lao động” mang tính liên tỉnh để phát triển trên các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Chia sẻ kinh nghiệm, thông tin trong công tác thu hút, quản lý đầu tư; giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng như ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chia sẻ bài viết