BẢO LAM
“Đệ nhất mưu sinh” là chương trình truyền hình thực tế mưu sinh trái nghề đầu tiên của nghệ sĩ tại Việt Nam. Chương trình do Công ty Sóng Vàng mua bản quyền quốc tế từ “Top living maker” và làm lại đậm chất Việt; mang đến cho người xem cơ hội tìm hiểu về các làng nghề, đặc sản dọc miền đất nước. Chương trình phát sóng lúc 20h35 thứ bảy hằng tuần trên kênh VTV9.

Huy Khánh (phải) và Duy Khánh thử làm công kiếm tiền tại xưởng bánh tráng ở Tây Ninh.
“Đệ nhất mưu sinh” là chương trình truyền hình thực tế dã ngoại mới lạ, khi các nghệ sĩ tham gia phải trải nghiệm cuộc sống mưu sinh bằng nghề khác với công việc nghệ thuật của họ. Các nghệ sĩ sẽ đến những vùng đất mới, khám phá nét đặc sắc văn hóa, ẩm thực, làng nghề, con người ở từng địa phương rồi thực hiện thử thách kiếm sống.
Hai diễn viên Huy Khánh và Duy Khánh đồng hành xuyên suốt các chặng đường với vai trò đội trưởng. Mỗi hành trình sẽ diễn ra trong 5 ngày 5 đêm tại một tỉnh, thành; khách mời sẽ có từ 2-4 người tham gia đồng hành. Hai đội trưởng cùng các khách mời sẽ cùng ăn, ngủ nghỉ tại một ngôi nhà ở địa phương, gọi là nhà chung. Tại đây, mọi người sẽ phải tự túc việc đồng áng, chăm vườn, chăn nuôi, nấu ăn… và mọi thành viên phải chung tay kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày cho cả nhóm. Công việc để kiếm tiền do các thành viên tự tìm thông qua kết nối với người dân. Ngoài ra, các thành viên còn cùng nhau tạo ra sản phẩm, nông sản đặc trưng của địa phương đó và tìm cách bán bằng nhiều hình thức: livestream trên fanpage của chương trình, bán ở chợ… Toàn bộ số tiền mà các nghệ sĩ bán được hàng sẽ được chương trình dùng cho công tác từ thiện, đóng góp cho những địa phương khó khăn.
“Đệ nhất mưu sinh” tạo được sức hút vì không có kịch bản, không thử thách chi tiết, không gợi ý… Tất cả các hoạt động kiếm tiền đều là bài toán mưu sinh mà các nghệ sĩ phải cân nhắc, tự tìm cách. Vì thế, người xem có thể thấy, các thành viên trong “Đệ nhất mưu sinh” thử sức hàng chục nghề khác nhau để kiếm tiền như những người dân làm thuê tính công theo ngày, buổi, giờ. Ví như Huy Khánh và Lê Nhân phải thức dậy từ 2h sáng để làm ở xưởng bánh tráng, hay Duy Khánh và Kim Tử Long tất bật chạy giữa nắng trưa ở xưởng muối…
Từ đó, khán giả cảm nhận sâu sắc mỗi một nghề đều có đặc trưng và tinh túy. Để hình thành mỗi sản phẩm, người thợ phải bỏ nhiều công sức, sức khỏe để làm. Qua hành trình mưu sinh của các nghệ sĩ, người xem sẽ thấy rõ hơn những vất vả trong nghề mà mỗi người thợ phải trải qua, từ đó trân quý những sản phẩm làng nghề, đặc sản, cũng như thành quả lao động.
Không phải mọi hoạt động trải nghiệm mưu sinh của các nghệ sĩ đều kiếm được tiền. Các chủ thuê đều dựa trên thành quả để chấm công trả tiền, do đó, có không ít nghệ sĩ chẳng những không kiếm được tiền mà còn phải đền tiền ngược lại vì làm hư sản phẩm. Như Huỳnh Lý chỉ nhận được tiền công 10.000 đồng ở xưởng nướng bánh tráng sau mấy tiếng làm việc. Tương tự, Duy Khánh phải trả lại 60.000 đồng tại xưởng nhang…
“Đệ nhất mưu sinh” còn mang đến những tiếng cười tự nhiên. Chương trình tạo ra sự tương tác trực tiếp với người dân địa phương. Theo đó, người dân là người thuê, người mua, người ra quyết định mọi công việc của các thành viên tham gia chương trình. Có nghệ sĩ bị từ chối vì thử việc không đạt, có người không được trả công… Hàng loạt các tình huống bất ngờ khiến người xem phải bật cười. Tuy nhiên, cũng có những tình huống rất ấm áp, nghĩa tình như: chủ thuê rủ lại ăn cơm, đám giỗ, hay hàng xóm gần Nhà chung cho mượn thức ăn…
Một điểm thu hút nữa của chương trình đến từ hai đội trưởng. Huy Khánh mang đến hình ảnh người anh ham học hỏi, thích giao lưu, học nghề với người dân địa phương. Duy Khánh lại là người em chăm chỉ, linh hoạt trong cách tìm nghề, tìm cách mưu sinh.