28/11/2020 - 09:48

“Chồng người ta”
Ý tưởng tốt nhưng còn non tay 

Lấy đề tài về cộng đồng LGBT (người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới), phim “Chồng người ta” của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến gây chú ý khi công chiếu. Ý tưởng của phim khá tốt, khai thác bi kịch của người đồng tính khi bị ép phải lập gia đình, có con để che giấu giới tính thật. Tuy nhiên, cách dàn dựng non tay cùng nhiều chi tiết vô lý khiến phim không được đánh giá cao.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV.

Khoảnh khắc chia ly khá xúc động của Cường và Trung trong phim.

Khoảnh khắc chia ly khá xúc động của Cường và Trung trong phim.

Điện ảnh Việt Nam từng có những tác phẩm đề tài về người đồng tính gây tiếng vang như: “Xóm trọ 3D”, “Lô tô”, “Thưa mẹ con đi”… Tuy tiếp nối mạch cảm xúc đó nhưng “Chồng người ta” không tạo được hiệu ứng như mong muốn vì nhiều nguyên nhân.

Nội dung phim quá ôm đồm khi cùng lúc triển khai mạch truyện của nhiều tuyến nhân vật. Tuyến thứ nhất là mối tình của Cường với cậu chủ lò gạch là Trung vào năm 1999, hai người yêu nhau nhưng bị gia đình Trung ngăn cấm nên phải ly biệt. Tuyến thứ hai là Cường và người vợ xinh đẹp tên Trúc ở hiện tại. Tuyến thứ ba là con trai họ là Hải với cô bạn gái xinh đẹp, cá tính. Tuyến thứ tư là Thắng và Hà (vợ của Trung), vì hận Cường cướp đi hạnh phúc của mình mà Hà sai khiến Thắng phá hoại gia đình Cường để trả thù. Cả 4 tuyến nhân vật này đan xen rối rắm nên người xem khó nắm bắt đường dây cốt truyện. Quá nhiều nhân vật và ai cũng có bí mật nên không đủ thời lượng để thắt mở tình tiết một cách thấu đáo, hợp lý.

Với thủ pháp kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, cài cắm chi tiết, đạo diễn có dụng ý muốn tạo nút thắt và từng bước lần giở những bí mật, tạo kịch tính cho phim. Đáng tiếc, chuyển cảnh không mượt cùng những tình tiết lan man khiến phim bị loãng. Phân cảnh Cường và Trung ngủ với nhau ở lò gạch, bị cha của Trung đem người đến xử trong quá khứ được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng mỗi lần một ý nghĩa khiến người xem hoang mang. Ngoài ra, hồi ức của Hà về chuyện tình của cô với Trung càng khiến khán giả thắc mắc: có phải Trung yêu Hà, khiến cô có thai trước, rồi mới gặp Cường và sống thật với giới tính của mình? Nếu vậy thì kịch bản đã qua loa khi xử lý tình tiết này vì không có sự giải thích thuyết phục, để khán giả muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Phim còn nhiều hạt sạn trong cách đặt vấn đề và khiên cưỡng khi xử lý. Đặc biệt, cú lật ngược tình thế ở cuối phim tạo sự bất ngờ lớn cho người xem, nhưng lại quá vội vàng và không thuyết phục. Lại thêm giữa những cảnh bi đẫm nước mắt, phim lại đưa vào những tình huống hài khiến cảm xúc người xem bị gián đoạn và thiếu sự đồng cảm với nhân vật.

Diễn xuất của dàn diễn viên chưa đồng đều, nam chính Trịnh Xuân Nhản trong vai Cường chưa lột tả được biểu cảm và nội tâm nhân vật. Vô lý nhất là đóng vai cha mẹ, con cái nhưng các diễn viên nhìn cứ như anh chị em, bạn bè vì không có sự cách biệt về tuổi tác, ngoại hình. Điều thú vị hiếm hoi là phim quy tụ nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng trong vai khách mời, tạo nên những khoảnh khắc ấn tượng cho khán giả.

“Chồng người ta” muốn nhấn mạnh bi kịch tình yêu của người đồng tính khi họ bị gia đình ngăn cấm, buộc phải lập gia đình và ảnh hưởng đến cả thế hệ sau. Nhưng giá như kịch bản đào sâu về tâm lý nhân vật và nỗi đau của họ; chú trọng xây dựng tình huống, chi tiết chỉn chu, hợp lý thì có lẽ phim sẽ được nâng cao về mặt ý nghĩa và tạo được hiệu ứng tích cực hơn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết