23/09/2021 - 07:22

“Chia lửa” chống dịch COVID-19 

Cuối tháng 8-2021, 205 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ rời TP Cần Thơ để vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Rồi đến lượt 60 cán bộ, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19. Ngày đi, thầy trò cùng nhau chào cờ, hát vang bài Quốc ca, hô vang khẩu hiệu quyết tâm “chia lửa” cùng các địa phương chống dịch.

Tiếp sức cùng TP Hồ Chí Minh

Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trao quà cho người dân ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trao quà cho người dân ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Không chỉ chi viện cho TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, trước đó, cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (CTUMP) đã vào tâm dịch tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long khi những tỉnh này bùng phát dịch. BS Lại Văn Nông, Giám đốc Bệnh viện CTUMP đã cùng cán bộ, sinh viên nhà trường không ngại gian khổ, sát cánh cùng địa phương dập dịch. Ngoài hỗ trợ các địa phương, hàng ngàn sinh viên CTUMP còn tham gia trực chốt, nhập liệu, lấy mẫu xét nghiệm, tham gia điều trị, chăm sóc F0 ở bệnh viện dã chiến (BVDC)... trải dài 9 quận, huyện ở TP Cần Thơ. Trên hành trình này, thầy trò CTMUP đem nhiệt huyết, kiến thức, sức khỏe cống hiến, mong sớm kiểm soát dịch để góp sức đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.

Trên trận tuyến TP Hồ Chí Minh, đoàn CTUMP hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine và điều trị F0 tại nhà ở các quận: 4, 11 và huyện Cần Giờ. Khác với những chuyến đi trước, đội hình ra quân lần này có số lượng cán bộ tham gia đông nhất. Trong đoàn đi có 20 cán bộ, 6 bác sĩ nội trú, 5 cán bộ Thành đoàn Cần Thơ, còn lại là sinh viên. Các thành viên trong đoàn đều được tập huấn kỹ càng về kiến thức, xét nghiệm...  

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng đoàn, cho biết: Qua thông tin đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, tiền trạm, nhà trường cũng nhận định trước các khó khăn, nên khâu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn những lần đi hỗ trợ trước. Tuy nhiên, khi đến nơi, chứng kiến tận mắt những khó khăn, nhọc nhằn, quá tải của nhân viên y tế, họ phải kiêm quá nhiều vai: lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vaccine, tham gia BVDC, điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động... nên rất quá tải. Nên cán bộ, sinh viên CTUMP cũng thể hiện thêm nhiều vai mà trước đây chưa từng làm như tiêm vaccine, điều trị F0 tại nhà, tham gia trạm y tế lưu động, trao quà khu cách ly...

Bạn Cao Thị Phương Thảo, sinh viên Y khoa năm thứ 4, CTUMP tham gia hỗ trợ dập dịch ở TP Hồ Chí Minh, kể: “Khi nhà trường thông báo tiếp sức cùng TP Hồ Chí Minh chống dịch, em cùng các bạn đăng ký tham gia ngay. Lúc đó, mẹ em ngăn cản vì lo cho con gái, nhưng ba lại hết lòng ủng hộ. Ba mẹ em đang sinh sống ở tỉnh Đồng Nai, ba là một cựu chiến binh cũng đang tham gia chống dịch tại tỉnh nhà, ba đã thuyết phục được mẹ. Và giờ thì ba mẹ là hậu phương của em”. 

Phương Thảo từng tham gia trực chốt kiểm dịch tại TP Cần Thơ năm 2020 và tham gia lấy mẫu cộng  đồng ở quận, huyện; nhận mẫu, nhập liệu trong gần 2 tháng trước khi lên TP Hồ Chí Minh. Dù vậy, Thảo và các bạn không khỏi bỡ ngỡ, day dứt: “Có hôm em cùng các bạn đi phát quà đến một gia đình và hỏi thăm nhà chú có mấy người. Chú trả lời nhẹ tênh mà ánh mắt buồn não nuột: Nhà tôi 3 người mà vợ tôi mới mất vì COVID-19, giờ chỉ còn tôi và con gái. Lúc đó, em không dám nhìn lâu vào mắt chú. Rồi có hôm có những người đến trả bình oxy, vì người nhà đã mất. Chứng kiến quá nhiều mất mát, bi thương, tụi em cũng stress theo”. Mỗi ngày, nhóm của Thảo bắt tay vào công việc từ 8 giờ sáng cho đến khi hết việc. Có nhiều bữa cơm trưa vội vã, không kịp ngả lưng. Thời tiết TP Hồ Chí Minh nóng hơn Cần Thơ, suốt ngày mặc đồ bảo hộ rất khó chịu. Khẩu trang hằn lên mặt. Nhiều bạn mệt gần ngất xỉu. 

Trong những lúc căng thẳng nhất, thầy và trò CTUMP lại động viên nhau, an ủi, phân việc giảm bớt áp lực cho các sinh viên. Thảo kể: “Dù có rất nhiều khó khăn và nỗi buồn nhưng nhớ lại những ánh mắt hạnh phúc, vui vẻ của người dân khi nhận quà, hoặc nhận kết quả xét nghiệm âm tính, hay lời động viên từ họ, tụi em lại có quyết tâm hơn. Đó là niềm động viên để những thầy thuốc tương lai bám trụ cùng lực lượng tuyến đầu của TP Hồ Chí Minh bước tiếp trong trận chiến với “giặc” COVID-19”. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương tâm sự: “Dù tập huấn hàng chục lần, các cán bộ, sinh viên đã xông pha nhiều đợt chống dịch nhưng chúng tôi vẫn rất lo. Trong các nhóm Zalo, chúng tôi họp hàng ngày, hàng giờ, liên tục dặn dò sinh viên sử dụng đồ bảo hộ đúng cách, cẩn thận”.

 “Chia lửa” cùng Bình Dương

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ làm việc tại BVDC số 1. Ảnh: CTV

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ làm việc tại BVDC số 1. Ảnh: CTV

Sau đoàn CTUMP xuất phát, đoàn cán bộ, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ lên đường đến tỉnh Bình Dương. Cả đoàn có 3 cán bộ, 57 sinh viên. Đoàn được chia làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm 10 người. Trong đó 2 nhóm hỗ trợ công tác nhập liệu, 4 nhóm trực tiếp “tác chiến” tại BVDC số 1 Bình Dương. 

Bệnh viện có 4 khu: A, B, C, D. Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cùng với các đoàn tỉnh, thành khác phụ trách khu C, với trên dưới 3.000 bệnh nhân, phần lớn là F0 nhẹ, không triệu chứng. Mỗi ca trực 12 tiếng, chỉ có 15-18 người mà phải chăm sóc cho trên 3.000 F0 từ khám, cấp thuốc, tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, cấp phát đồ ăn, uống, vệ sinh cho bệnh nhân... đến cả thu dọn rác. Thầy Tạ Thanh Hồng, Trưởng phòng Tổ chức  cán bộ - Thanh tra - Pháp chế, Trường Cao đẳng y tế Cần Thơ, Trưởng đoàn, kể: “Nhân lực quá thiếu mà bệnh nhân quá đông. Khu A vốn là nhà xưởng của Tổng Công ty Becamex IDC nên đủ thứ khó khăn, phục vụ ăn, uống không kịp, chưa kể hư điện, hư nhà vệ sinh, tắc nước... Ngoài nhiệm vụ chăm lo cho bệnh nhân, còn phải có trách nhiệm với cán bộ, sinh viên của trường, nên đôi lúc cũng quá tải, đuối sức”. Ở trong BVDC, chỉ biết giờ làm, chứ không còn nhớ  thứ mấy, vì chẳng có ngày nghỉ. Ngoài khám, tư vấn bệnh COVID-19, các bác sĩ nơi đây còn điều trị các bệnh khác cho F0 như đau dạ dày, huyết áp, nhức mỏi ở người già...

Theo thầy Tạ Thanh Hồng, điều mà cả đoàn lo lắng là tiếp xúc trực tiếp với F0, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chưa kể bệnh nhân quá đông mà nhân lực y tế thiếu thốn, dẫn đến việc phục vụ có sơ sót hoặc chưa kịp thời, dễ gây hiểu lầm, bức xúc cho bệnh nhân. Em Trương Hoàng Anh, sinh viên Cao đẳng Điều dưỡng năm thứ 3, chia sẻ: “Em vừa làm công việc của điều dưỡng, vừa làm hộ lý, vừa làm nhân viên vệ sinh đi thu dọn rác... Bệnh nhân có người rất vui vẻ nhưng cũng có người khó tính. Có lần, một bệnh nhân xin ly mì ăn giữa bữa. Nếu đem ly mì ra cho bệnh nhân thì phải thay đồ bảo hộ. Tiếc bộ đồ bảo hộ nên em để ly mì ngoài cửa và nhắn bệnh nhân đến lấy. Bệnh nhân nổi giận chọi ly mì về phía em. Dù bị hiểu nhầm, uất ức, nhưng thầy cô, các bạn trong đoàn động viên. Vả lại có rất nhiều F0 dễ thương, tình nguyện tiếp chúng em, thăm hỏi, động viên. Từ đó, em mới có động lực tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân”.

Thầy Hồng chia sẻ: “Dù làm việc rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cả đoàn chưa từng có kinh nghiệm phục vụ trong BVDC. Tuy nhiên, thầy trò đều nỗ lực làm việc. Các bạn không nghĩ bệnh nhân là F0, thay đồ bảo hộ xong là vào hỗ trợ bệnh nhân hết mình. Khi bệnh nhân xuất viện, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều quyến luyến chia tay nhau. Tôi và các thầy trong đoàn luôn nhắc nhở các em sinh viên, khi thấy mệt, đuối sức thì rời khu F0 để người khác làm thay. Vì làm nhiều, ngất xỉu trong khu điều trị thì rất dễ lây nhiễm bệnh”.

Những đoàn chi viện đều rời Cần Thơ vào tâm dịch với tâm thế giúp dân, hỗ trợ các địa phương sớm ngày trở lại bình thường. Dù vẫn còn gian nan phía trước, nhưng những cán bộ, sinh viên ngành y ở đất Tây Đô vẫn luôn vững tin, tiếp tục sát cánh cùng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch.  

H.HOA

Chia sẻ bài viết