Lấy cảm hứng từ hình tượng Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, phim điện ảnh “Chí Phèo ngoại truyện” của đạo diễn Danny Đỗ kể câu chuyện Chí Phèo thời hiện đại. Yếu tố hài hước cùng những pha hành động kịch tính góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho phim. Nhưng với người xem, phim vui nhưng chưa đủ thấm.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.
Khai thác ý tưởng từ tác phẩm văn học cùng với dàn diễn viên tên tuổi, “Chí Phèo ngoại truyện” thỏa mãn được thị hiếu của số đông khán giả về tính giải trí, sáng tạo.

4 nhân vật cốt yếu của phim: Na, Chí, Sáu Bảnh và Thiên Bá.
2 nhân vật chính là Na (Thu Trang) và Chí (Tiến Luật) được xây dựng với ngoại hình và tính cách tương đồng với Chí Phèo và Thị Nở trong nguyên tác. Tuy là lao công trong một văn phòng thám tử nhưng Na luôn muốn trở thành một thám tử chuyên nghiệp. Ngoại hình kém sắc cùng sự vụng về, hậu đậu, ế chồng, Na được xem như “Thị Nở” thời hiện đại. Trong khi đó, Chí là một tay giang hồ vào tù ra tội, có biệt danh “Chí Phèo” bởi gương mặt đầy sẹo và sự gan lì. Trong lần tìm con mèo mất tích, Na gặp Chí và bị vướng vào vụ án rắc rối. Chí bị đồng bọn đổ tội giết cha nuôi- một nhân vật cộm cán trong tập đoàn Thiên Bá và bị truy sát.
Chí phát hiện Na là em gái của cảnh sát Long, người đã cảm hóa và khiến Chí đồng ý làm “tay trong”, giúp anh điều tra đường dây buôn bán ma túy của Thiên Bá. Long bất ngờ chết vì một tai nạn giao thông, còn Chí thì bị vu oan giết cha nuôi. Na và Chí cùng hợp tác điều tra nhưng khi biết được chân tướng sự việc cũng là lúc họ đối mặt với sống chết…
Ưu điểm của phim là kịch bản khá chắc, đường dây cốt truyện rõ ràng, mạch phim nhanh, không dàn trải, làm bật được nhân vật chính. Na, Chí có nhiều đất diễn, tung hứng tạo nên những tràng cười cho khán giả bởi độ “lầy” của nữ thám tử dỏm và độ “lì” của một tay anh chị không sợ chết. Điểm mạnh khác của phim là những màn đánh đấm, rượt đuổi được thực hiện công phu, sinh động và mãn nhãn. Các diễn viên khắc họa rõ tính cách của nhân vật.
2 nhân vật phản diện là Thiên Bá (Nhan Phúc Vinh) và Sáu Bảnh (Kiều Minh Tuấn) tạo được ấn tượng mạnh với người xem. Nếu Sáu Bảnh là một kẻ xảo trá, thâm hiểm, có phần biến thái thì Thiên Bá lại là một ông trùm lịch lãm, “ác nhưng không tà”.
Đáng tiếc phim quá sa đà vào những tình tiết gây cười mà lơ là tâm lý nhân vật. Chí Phèo của thời hiện đại cũng bị ép làm kẻ ác, cũng khao khát được làm người lương thiện nhưng vẫn thiếu chiều sâu, thiếu những khoảnh khắc lắng đọng để có được sự cảm thông của khán giả. Nhân vật Na nếu tiết chế những màn chọc cười bằng hình thể thì sẽ duyên hơn. Nếu đạo diễn mạnh tay cắt bỏ những chi tiết hài thừa thãi và khai thác thêm tuyến nhân vật phụ như: Thiên Bá, vợ Thiên Bá, người tình trong mộng của Chí… thì phim sẽ trọn vẹn.
CÁT ĐẰNG